"Tôi tự mình tiết kiệm điện, sử dụng ít, tại sao lại phạt tiền chúng tôi vì tiết kiệm điện chứ?", cô Lý sống tại Trịnh Châu, Trung Quốc phẫn nộ chia sẻ với phóng viên.
Khoản tiền điện gây tranh cãi
Sự việc xảy ra tại Trịnh Châu (Trung Quốc), khi nhân viên điện lực đi kiểm tra công tơ điện trên địa bàn theo kế hoạch. Trong quá trình thu thập thông tin, nhân viên phát hiện công tơ nhà cô Lý có điểm bất thường: Chỉ số tiêu thụ điện hàng tháng luôn ở mức dưới 10 kWh. Tính theo giá hiện tại, một tháng cô Lý dùng hết khoảng 6 tệ (khoảng 20.000 đồng) tiền điện.
Khi trở về cơ quan, nhân viên điện lực đã tra cứu lại dữ liệu điện năng tiêu thụ của gia đình cô Lý từ tháng 10/2013. Họ phát hiện công tơ điện luôn ổn định ở mức dưới 10 kWh. Điều này khiến nhiều người cảm thấy thật khó tin. Dựa trên các ghi chép trước đó vào các năm 2012 đổ về trước, mức tiêu thụ điện của gia đình cô Lý đều cao hơn rất nhiều. Chính những điểm đáng ngờ này đã khiến công ty điện lực chú ý.
Để làm rõ sự việc, nhân viên điện lực đã đến nhà cô Lý lần nữa để kiểm tra công tơ. Họ phát hiện công tơ có dấu hiệu bị "động chạm" đóng - mở quy định. Thời điểm mở nắp công tơ cũng rất kỳ lạ, diễn ra trong khoảng thời gian rất hẹp, từ 19h46 đến 19h54. Sau khi nắp công tơ được mở, mức tiêu thụ điện nhà cô Lý luôn ổn định ở mức dưới 10 kWh. Sự trùng hợp này khiến ngành điện lực nghi ngờ gia đình cô Lý có hành vi trộm cắp điện.
Do đó, phía điện lực quyết định phạt cô Lý. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, cô Lý bị phạt gấp 5 lần số tiền điện truy thu. Sau khi tính toán số tiền điện cô Lý phải nộp là 40.000 NDT (gần 140 triệu đồng). Có con số rõ ràng, công ty điện lực đã gửi cho cô một giấy phạt và yêu cầu cô Lý nhanh chóng trả số tiền phạt kể trên.
Công tơ điện biến mất
Ngay khi nhận được giấy yêu cầu nộp phạt, cô Lý cho rằng đây là trò lừa đảo. Tuy nhiên, đến một buổi tối cách đây hai tháng, cô Lý tan làm trở về nhà như thường lệ thì phát hiện chuyện động trời.
Khi cô vừa bật đèn lên định ngồi nghỉ một lát thì phát hiện điện trong nhà bật không lên. Điều này khiến cô Lý vô cùng bối rối. Lúc cô về, đèn đường đã sáng, nhà nào trong khu phố cũng đèn đuốc sáng trưng.
Cô Lý ra ban công nhìn xung quanh, thấy các tòa nhà đối diện và nhà ở tầng trên vẫn sáng đèn. Điều này có nghĩa là khu phố không bị cúp điện, có thể sự cố nằm ở nhà cô. Cô Lý dùng đèn pin điện thoại soi vào vị trí đặt công tơ điện để kiểm tra xem có bị chập điện hay không. Kết quả là cô phát hiện công tơ điện nhà mình đã "không cánh mà bay"! Điều này khiến cô Lý vô cùng hoảng sợ. Không hiểu vì sao lại có người dám trộm công tơ điện ngay trong khu dân cư luôn có an ninh tốt này?
Qua camera an ninh, cô Lý phát hiện người tháo dỡ công tơ điện lại chính là nhân viên của ngành điện lực. Điều này khiến cô vô cùng khó hiểu. Cô gọi điện đến ngành điện lực để tìm hiểu sự việc thì được trả lời rằng họ nghi ngờ gia đình cô có hành vi trộm điện nên đã tháo công tơ để kiểm tra. Đây là lần đầu tiên cô nghe nói, người ta bị nghi ngờ vì… dùng quá ít điện.
Cô Lý bức xúc nói: "Cho dù anh thấy công tơ điện nhà tôi có vấn đề, thì cũng không thể tự ý tháo dỡ mà không hỏi ý kiến tôi, đúng không? Anh nghĩ gia đình tôi sống như thế nào nếu không có điện?".
Điều khiến cô Lý càng thêm bất lực là phía ngành điện lực còn cho rằng gia đình cô trộm điện để… giảm tiền điện.
"Tôi dùng điện tiết kiệm thì có tội sao?" cô Lý phẫn nộ chia sẻ. Cô Lý cho biết, gia đình cô vốn không có nhiều thiết bị điện. Ngoài một chiếc tủ lạnh nhỏ và một chiếc tivi, họ hầu như không mua sắm bất kỳ thiết bị điện nào có công suất lớn, tiêu thụ nhiều năng lượng. Từ khi con cái đi học, mức tiêu thụ điện của gia đình cô càng giảm xuống.
"Tôi không có máy giặt, tủ lạnh tôi cũng ngắt không dùng nữa. Cả ngày đi làm cũng không bật đèn. Thỉnh thoảng bật quạt chứ cũng không dùng nhiều điện, như thế điện ít cũng là điều bình thường có gì lạ đâu", cô Lý phân trần.
Vụ việc gây tranh cãi
Trước lời giải thích của cô Lý, công ty điện lực vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Quá bức xúc, cô Lý đành cầu cứu truyền thông. Cô không tin mình nợ số tiền điện lớn như vậy. Cô chỉ mong ngành điện lực có thể đưa ra một lời giải thích hợp lý.
Tuy nhiên, điều khiến truyền thông bất ngờ là cả hai bên đều lên tiếng nhưng vẫn rơi vào bế tắc, không ai chịu nhượng bộ. Để làm rõ trắng đen, cô Lý thậm chí đã yêu cầu gửi công tơ điện đến trung tâm kiểm định và đang chờ kết quả.
Hiện tại cả hai bên đều có lập luận riêng. Kết quả cuối cùng sẽ phụ thuộc vào kết quả kiểm tra công tơ điện.