Ngày 27/4, thi thể các nạn nhân Covid-19 vẫn nằm chất chồng trong các giàn hỏa táng xếp chật kín vỉa hè và bãi giữa xe ở New Delhi, giữa cơn sóng thần dịch bệnh đang hoành hành tại Ấn Độ.
"Mọi người đang chết, chết và chết" - đó là tiếng kêu ai oán của ông Jintender Stingh Shanty, người đang phải xử lý hơn 100 đám hỏa mỗi ngày ở phía Đông thành phố.
"Nếu có thêm người chết, chúng tôi sẽ phải thiêu ngay giữa đường. Ở đây kín chỗ rồi. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ mình phải chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp này".
Mọi người đang chết, chết, và chết
Người bình thường cũng chết
Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada và các nước thuộc EU cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả đều hứa sẽ gấp rút hỗ trợ cho Ấn Độ. Anh mới đây đã viện trợ cho quốc gia này 100 máy thở và 95 máy tạo oxy qua một chuyến tàu mới cập bến New Delhi vào ngày 27/4, trong bối cảnh gần như toàn bộ các bệnh viện đang chìm trong "cơn khát oxy" vì thiếu hụt nặng nề.
Chuyến tàu thuộc kế hoạch "Tàu Oxy" đầu tiên của Ấn Độ cũng đã tiến về New Delhi, mang theo 70 tấn oxy từ một bang ở phía Đông. Tuy nhiên với quy mô dân số lên tới 20 triệu người, New Delhi vẫn đang oằn mình chống chịu trước làn sóng dịch bệnh chết chóc nhất từ trước đến nay của đất nước.
Người đàn ông đang làm nghi thức cuối cùng trước khi hỏa táng người thân
"Làn sóng dịch bệnh này cực kỳ nguy hiểm, cực dễ lây nhiễm, trong khi các bệnh viện đều quá tải" - trích lời Thủ hiến Delhi Arvind Kejriwal.
Bất chấp việc là "công xưởng thuốc của thế giới" với niềm tự hào là nhà sản xuất vaccine chiếm tới 60% toàn cầu, Ấn Độ vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu thuốc kháng virus, ngay cả là remdesivir. Các bác sĩ cho biết, dù loại thuốc này không phải quá quan trọng trong điều trị Covid (vì đang trong giai đoạn thử nghiệm), nhưng họ vẫn phải kê đơn vì chẳng còn lựa chọn nào khác.
"Ngay cả những người bình thường có thể sống, nay cũng sẽ chết" - Vinod Kumar, người đàn ông đang kiệt quệ xếp hàng xin thuốc than thở.
Khi dịch bệnh vượt quá tầm kiểm soát, sự mệt mỏi và phẫn uất sẽ gia tăng. Một người thân của nạn nhân qua đời vì Covid-19, do quá đau lòng đã dùng dao tấn công các nhân viên tại một bệnh viện ở New Delhi, khiến ít nhất 1 người bị thương. Đoạn video ghi lại sự việc đã lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội. Tòa án Tối cao Delhi sau đó đã yêu cầu chính quyền địa phương phải tăng cường an ninh cho các bệnh viện.
WHO cho biết họ đang xúc tiến vận chuyển 4000 máy tách oxy đến Ấn Độ. Ngoài ra, 2 công ty dược phẩm của Mỹ cũng đề nghị giúp đỡ bằng việc cung cấp vaccine. Ấn Độ hiện cũng đang tiến hành đàm phán với Mỹ để san sẻ số vaccine dư thừa - lên tới 60 triệu liều. Đây là một bước tiến quan trọng, vì nguồn cung không đủ đã khiến Maharashtra - một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nhất phải hoãn chương trình tiêm chủng cho người từ 18 - 45 tuổi.
Kỷ lục đau buồn
Hôm 27/4, Ấn Độ có thêm 323.144 ca nhiễm mới, chỉ đứng sau kỷ lục thế giới do chính họ thiết lập trước đó 1 ngày. Tổng cộng, có hơn 197.000 người đã tử vong tại đây vì dịch bệnh.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Rijo M John từ Viện Quản lý Ấn Độ tại Kerala, những con số trên chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tổng thể do Ấn Độ hiện còn đang thiếu hụt cả bộ xét nghiệm nữa.
"Số ca nhiễm mới giảm xuống, nhưng đừng nghĩ con số này là thực tế. Bởi lẽ nó chỉ mang nghĩa còn sót lại rất nhiều ca dương tính ngoài kia thôi" - ông nhận định. Bác sĩ K. Preeham từ Trung tâm Chấn thương Cột sống Ấn Độ cho biết, các bệnh nhân giờ còn phải chia sẻ oxy từ một bình, vì thiếu hụt nguồn cung. Người điều phối khả năng phản ứng Covid-19 toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, Gayle Smith cảnh báo thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt cần một nỗ lực bền bỉ hơn nữa.
New Delhi hiện tại đã bị phong tỏa. Các bang phía Nam như Karnataka, Maharashtra cùng trung tâm kinh tế Mumbai cũng chung cảnh ngộ.
Tình cảnh này một phần đến từ những hạn chế không đồng đều khi dịch bệnh vẫn đang ở đó. Từ những cuộc bầu cử tập trung đông người, cho đến lễ hội Kumbh Mela với quy mô lớn nhất thế giới đã tạo ra những sự kiện siêu lây nhiễm. Để rồi hiện tại, Ấn Độ đang có 17,64 triệu ca nhiễm, và con số đó thậm chí còn chưa đủ.
Nguồn: SBS