Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cầm một lọ vắc in CoronaVac của Sinovac Biotech vào tháng 2. Ảnh: Reuters
Số người ở châu Á tiêm vắc xin Covid-19 đang tăng lên. Tuy nhiên, cuộc chiến chống đại dịch vẫn đang bị ngáng đường và đang có dấu hiệu chậm lại do sự những vụ bê bối lừa đảo trên mạng liên quan đến vắc xin và cả những thông tin sai lệch vắc xin.
Hàng ngàn thông tin lừa đảo liên quan đến vắc xin
Tại Indonesia, các giới chức cho biết đã phát hiện và gỡ bỏ 2.000 thông tin lừa đảo liên quan đến vắc xin trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Trong đó, một bài đăng vào tháng 7 cho thấy hình ảnh 5 quan tài trong một nhà thờ Hồi giáo, với chú thích rằng, đây là những nạn nhân thiệt mạng do Covid-19 dù đã được tiêm vắc xin.
Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin giả liên quan đến vắc xin. Theo nghiên cứu của tờ Nikkei Asia, trong 7 tháng đầu năm 2021, có đến 110.000 bài đăng trên Twitter cho rằng tiêm vắc xin dẫn đến vô sinh.
Ở nhiều nước châu Á, các chính phủ và chuyên gia y tế đang nỗ lực tìm cách giao tiếp hiệu quả hơn với người dân, đánh sập những tin giả liên quan đến vắc xin. Đã có một số tiến triển, nhưng rất khó để loại bỏ sự do dự của người dân khi liên tục phải tiếp nhận những thông tin sai trái. Đây là một phần lý do tại sao mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm chủng cao để thế giới trở lại các hoạt động bình thường còn là một chặng đường dài.
Một bà mẹ 31 tuổi ở tỉnh Kanagawa của Nhật Bản, phía nam Tokyo là ví dụ điển hình. Vợ chồng cô biết Bộ Y tế và các tổ chức công khác khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm vắc xin có hại cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, người phụ nữ này - dù không mang thai - vẫn từ chối tiêm.
“Vì muốn có con thứ hai nên tôi và chồng quyết định sẽ không tiêm”, cô nói. Theo cô, vắc xin “mới được phát triển, và tôi lo lắng sẽ gây ra hậu quả gì đó trong vài năm tới, ngay cả khi không có tác dụng phụ đáng lo ngại ngay sau khi tiêm”.
Sơ đồ tỷ lệ tiêm vắc xin đầy đủ ở các nước. Ảnh: Our World in Data
Nhiều người trẻ tuổi vẫn chưa tiêm vắc xin
Rất nhiều người trẻ tuổi ở Nhật Bản vẫn chưa tiêm vắc xin.
Dựa trên nghiên cứu ở Tokyo và các khu vực lân cận vào tháng 7, một ủy ban chuyên gia của chính phủ phát hiện ra chỉ có 45% người ở độ tuổi 20-30 đã tiêm hoặc muốn tiêm, so với 60% ở những người ở độ tuổi 40- 50. Theo ủy ban, con số lý tưởng nhất là tiêm đủ cho 75% nhóm trẻ hơn và 80% cho nhóm lớn tuổi.
Các nhà lãnh đạo chính phủ và các chuyên gia đã cố gắng hết sức để thuyết phục những người vẫn còn do dự, đặc biệt là giới trẻ Nhật Bản. Hôm 4/9, Taro Kono, bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng viết trên Twitter: “Có những tin đồn sai sự thật rằng vắc xin gây vô sinh. Tôi hy vọng các bạn sẽ đi tiêm mà không sợ hãi như vậy”. Bài đăng này của Bộ trưởng Kono đã được 20.000 lần lượt thích.
Các nước trên thế giới có mức độ do dự khác nhau và một số người đã phát hiện tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin của một quốc gia bắt đầu ổn định sau khi đạt 50% - 70%. Tính đến đầu tháng 9, khoảng 40% người dân ở Mỹ chưa tiêm mũi nào, theo Our World in Data. Con số này ở Anh và Israel là khoảng 30%.
Tại Philippines, nơi có 15,4% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 12/9, một cuộc khảo sát của Pulse Asia vào tháng 6 cho thấy 43% người được hỏi nói rằng họ muốn được tiêm, 36% nói rằng họ không, và số còn lại chưa quyết định hoặc đã được tiêm. Đây là con số cải thiện rất nhiều so với một cuộc thăm dò hồi tháng 2, cho thấy chỉ có 16% sẵn sàng tiêm chủng trong khi 61% thì không.
“Đôi khi, tâm lý thay đổi”, Kathlyn Marcos, một nhân viên thu ngân ở Manila, 31 tuổi, nói với Nikkei Asia sau khi tiêm mũi Sinovac đầu tiên. Cô là người cuối cùng trong gia đình tiêm vắc xin và chính điều này cuối cùng đã thuyết phục cô đi tiêm.
Theo Shinichi Yamaguchi, phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Nhật Bản, tiêm chủng liên quan đến kiến thức chuyên ngành, khiến một số người cảm thấy lo lắng vì thiếu hiểu biết. Theo Yamaguchi, các nguyên nhân khiến tin tức giả được chia sẻ là do tức giận hoặc lo lắng.
Tổng thống Indonesia trong lần tiêm vắc xin Covid-19.
Những “vết sẹo” vẫn gây nhức nhối
Chống lại tin giả là thách thức lớn đối với chính phủ các nước.
Trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt làn sóng ca nhiễm tăng mạnh gần đây, tỷ lệ ủng hộ dành cho chính phủ của Thủ tướng Yoshihide Suga lần đầu tiên giảm xuống mức 30% vào tháng 7 kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 9/2020 (Suga sau đó tuyên bố sẽ không tái tranh cử trong đảng Dân chủ Tự do cầm quyền). Sự thiếu niềm tin vào chính phủ là cơ hội cho các thuyết âm mưu và tin tức giả mạo bùng nổ, chuyên gia Yamaguchi nhận định.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet vào năm 2020, Nhật Bản vào năm 2018 là một trong những quốc gia có mức độ tin vào vắc xin thấp nhất trên thế giới kể cả trước đại dịch Covid-19. Thực tế là nước này từng hứng chịu những “ký ức cay đắng” về vắc xin.
Một trở ngại lớn là khi chính phủ thua trong cuộc chiến bảo vệ người dân trong các vụ kiện về tác dụng phụ đối với vắc xin sởi, quai bị và rubella (MMR). Do đó, Nhật Bản đã ngừng yêu cầu tiêm vắc xin MMR vào năm 1993 và không bắt buộc tiêm vắc xin này vào năm 1994. Akihiko Saitoh, giáo sư y khoa nhi tại Đại học Niigata, cho biết kể từ năm 1994, Bộ Y tế "luôn bị động" đối với vắc xin. Ông nói: Tiêm chủng hiện là một lựa chọn cá nhân, và "sức mạnh của khuyến nghị của chính phủ không mạnh như ở Mỹ".
Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, trong lịch sử đã chứng kiến một số ca kháng vắc xin. Vào tháng 8/2018, Hội đồng Ulema Indonesia (MUI) đã ban hành một sắc lệnh rằng, vắc xin MMR bị "cấm" vì sử dụng thịt lợn hoặc các chất dẫn xuất từ lợn trong quá trình sản xuất, nhưng việc sử dụng vắc xin này là "được phép" vì luật Hồi giáo cho phép sử dụng trong các tình huống khẩn cấp.
Vào tháng 1, hội đồng đã tuyên bố Sinovac, loại vắc xin Covid-19 đầu tiên được sử dụng và tiêm nhiều nhất ở Indonesia cho đến nay, đã được chứng nhận halal (giấy chứng nhận, xác nhận rằng sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu luật Hồi giáo)./.