Mua nhà khó, ló mánh khóe "lách luật"
Bên ngoài cổng một công ty môi giới nhà đất ở quận Từ Hội, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, nhân viên bán hàng giới thiệu với phóng viên tờ Nhật báo Quảng Châu một nguồn nhà ở thương mại đã qua sàn giao dịch nhà đất một lần.
Phóng viên cho biết, bởi lẽ thành phố Thượng Hải ban hành chính sách thắt chặt việc mua nhà nên nếu không đủ điều kiện theo quy định, việc mua nhà là không thể. Tuy nhiên, theo lời các nhân viên bán hàng, việc này chỉ là… chuyện nhỏ.
"Chỉ cần chị kết hôn với anh ta, sau khi giao dịch mua nhà thành công sẽ làm thủ tục ly hôn là xong thôi".
Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác ở Trung Quốc đang áp dụng chính sách hạn chế người dân mua nhà. Chính vì lẽ đó mà nhiều mánh khóe "lách luật" đã xuất hiện.
Theo chính sách hạn chế mùa nhà đất tại Thượng Hải, nếu người địa phương khác muốn mua nhà tại đây, trước ngày mua nhà bắt buộc phải nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc đóng bảm hiểm xã hội tại Thượng Hải liên tục 5 năm.
Nếu kết hôn với công dân của thành phố, hơn nữa hai người đều không có nhà, tối đa có thể mua 2 căn.
Khi được hỏi liệu đối tượng kết hôn có đáng tin, nhân viên bán hàng khẳng định chắc chắn "không đáng tin cậy tôi đã không giới thiệu cho chị".
Vậy, người đáng tin cậy kia là ai? Thì ra người này là một thanh niên họ Vương, 30 tuổi, là nhân viên của chính công ty môi giới nhà đất. Vì có hộ khẩu tại quận Thông Giang, Thượng Hải nên anh này đã kết hôn tất cả 4 lần, trong đó có người đã ngoài 70 tuổi chỉ để "giúp" họ mua được nhà.
Cứ liên tục làm thủ tục kết hôn rồi ly hôn như vậy, Vương đã trở nên quá quen mặt tại phòng dân chính quận cũng như trung tâm giao dịch bất động sản.
Không dễ để có thể sở hữu nhà đất ở Thượng Hải nếu là người đến từ địa phương khác. Ngay cả là người bản địa, công dân Thượng Hải cũng bị hạn chế trong việc mua nhà.
Một căn hộ có trị giá tiền tỉ, sau khi kết hôn, Vương cũng có một phần tài sản, nếu như anh ta không đồng ý ly hôn hoặc đem chuyện ly hôn ra kiện tụng, chẳng phải khách hàng sẽ bị thiệt hại nặng nề?
Trước câu hỏi này, Vương cho biết khách hàng cứ yên tâm. Trước khi kết hôn, hai bên đều phải ký hợp đồng trong đó viết rất rõ, bản thân anh ta chỉ sở hữu một phần tài sản vô cùng nhỏ.
Sau khi làm xong thủ tục ly hôn, hai bên sẽ ai đi đường nấy, anh chàng môi giới tự rút khỏi hộ khẩu, tài sản nhà đất hoàn toàn thuộc sở hữu của "vợ".
Mỗi lần kết hôn - ly hôn như vậy, Vương có thể bỏ túi từ 60.000 – 80.000 NDT (khoảng 200-260 triệu đồng) tiền hoa hồng.
Những hành vi "lách luật" luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong câu chuyện này, khách mua nhà đứng trước nhiều nguy cơ bị mất tài sản mà không thể kêu ai.
Lời cảnh báo không bao giờ thừa
Kết hôn vốn là chuyện đại sự, nay đã trở thành công cụ để những công ty môi giới mưu lợi. Bằng thủ đoạn kết hôn giả, việc mua nhà, mua xe, di dân "chui" đang ngày càng nhiều, tiềm ẩn không ít rủi ro mạo hiểm.
Luật pháp không tồn tại cái gọi là "kết hôn giả", "ly hôn giả". Một khi đã nhận giấy chứng nhận kết hôn, một bên đạt được mục đích, một bên lại khăng khăng không đồng ý ly hôn, chắc hẳn sự việc sẽ được đưa ra tòa.
Và một khi tòa án đã thụ lý vụ ly hôn này, những tại sản xuất hiện sau hôn nhân trên nguyên tắc đều phải chia. Nếu không có chứng cứ thuyết phục, phán quyết của tòa án có thể sẽ ủng hộ lời đề nghị chia tài sản.
Vì thế, câu chuyện này là lời cảnh báo đến tất cả mọi người, đừng vì tham một chút lợi trước mắt mà rước rắc rối vào người.