“Người này mới 30 tuổi mà đã đi tù 6 lần, ngồi tù 13 năm!”.
Đầu năm 2019, một cai tù ở Hồ Nam (Trung Quốc) đã không khỏi tặc lưỡi khi kiểm tra hồ sơ tù nhân. Vị cảnh sát kiêm quản giáo Tiêu Kim Nguyên, người vốn chính trực và tốt bụng, nghe đồng nghiệp nói vậy liền nghi ngờ hỏi: "Anh ta tên gì?".
“Lưu Quân!”. Nghe tên hơi quen, Tiêu Kim Nguyên tiếp nhận hồ sơ xem ảnh chụp. Ông nhớ rõ người này vừa mới ra tù không lâu, tại sao lại vào tù lần nữa?
Tiêu Kim Nguyên mang theo nghi hoặc tìm được Lưu Quân đang chấp hành hình phạt. Đối phương vẫn rụt rè trước sau như một, ngồi nghiêm chỉnh trước mặt Tiêu Kim Nguyên.
Lưu Quân
Khi được hỏi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, Lưu Quân im lặng không chịu mở miệng. Tiêu Kim Nguyên đã quá quen với việc nhận biết tâm lý tù nhân, ông biết đằng sau còn có nguyên nhân khác.
Dưới sự quan tâm sâu sắc của quản giáo Tiêu, Lưu Quân cũng chịu mở lòng, chia sẻ quá khứ của mình.
Thiếu niên lạc lối
Năm 1989, Lưu Quân sinh ra trong một ngôi làng miền núi xa xôi ở Vân Nam. Cha qua đời vì bệnh tật từ lúc anh còn rất nhỏ, một mình mẹ nuôi ba đứa con, không chịu nổi gánh nặng nên bà tìm tấm chồng khác, gửi ba đứa con lần lượt ở nhà ba người chú.
Năm 1999, Lưu Quân chỉ mới 10 tuổi, được nuôi tại nhà chú hai. Thiếu tình thương cha mẹ, tính cách Lưu Quân nhút nhát, khép mình. Tuy rằng là ở nhà chú hai, nhưng chung quy vẫn là ăn nhờ ở đậu, thường xuyên ăn không đủ no.
Lưu Quân biết thân biết phận nên cố gắng cần cù hiểu chuyện, chia sẻ việc nhà cho chú, nhưng anh luôn bị hai đứa con của chú hà hiếp mỗi ngày. Trẻ em hàng xóm cười cợt anh là “đứa không cha không mẹ”.
Trong một lần bị tụi trẻ con trong thôn đánh đập thê thảm, về nhà thì chú không quan tâm, Lưu Quân tủi thân đến cùng cực, chỉ muốn có mẹ ở bên. Vì thế, anh bỏ đi, bắt đầu hành trình tìm mẹ. Đi bộ một ngày một đêm, Lưu Quân đến thị trấn nhưng không biết mẹ ở đâu.
Ngay lúc bất lực nhất, Lưu Quân nhớ tới lúc trước nghe thím nói chị gái Lưu Mẫn được nuôi ở nhà chú tư, vì thế anh quyết định đi tìm chị trước.
Đến khi tìm được nhà chú tư, Lưu Quân mới biết chị đã đi xa làm việc, không còn ở nhà chú. Có lẽ chị cũng giống Lưu Quân, ăn nhờ ở đậu thường bị người ta khinh thường nên rời đi tự lực cánh sinh. Cậu bé 10 tuổi lúc ấy chỉ có thể tự viện ra lý do này để an ủi bản thân.
Lưu Quân lại rong ruổi đến Côn Minh, Thâm Quyến và các thành phố khác. Dọc theo đường đi, anh cũng chỉ muốn có cơm ăn, tạm thời quên mất mục đích tìm chị, tìm mẹ. Vì thế anh đi theo những người lớn ăn xin, mỗi ngày ngồi xổm ở ven đường, chờ đợi người tốt bụng bố thí.
Sa vào con đường trộm cắp
Lưu Quân mặc áo vải thô, đầu bù xù, đôi khi gặp được người tốt bụng cũng có thể được một bữa no. Nhưng đời đâu có dễ đến thế, phần lớn đều phải nhịn đói nhịn khát 2-3 ngày liền.
Ăn không đủ no mặc không đủ ấm, nhưng đây vẫn chưa phải là vấn đề. Khi đó Lưu Quân chỉ hơn 10 tuổi, anh cũng giống như đứa nhỏ khác, sợ bóng tối, sợ nửa đêm "có quái vật bắt trẻ con đi". Không có chỗ dung thân, anh chỉ có thể trốn dưới gầm cầu, chịu đựng đêm tối đáng sợ. Chuột bò qua, lá cây bên cạnh vang lên, gió đông thổi vù vù... anh chỉ biết nín thở chịu đựng.
Lưu Mẫn - chị gái của Lưu Quân
Những đứa trẻ lang thang lớn lên ngày càng khó giành được sự cảm thông và bố thí của người qua đường. Năm 2005, Lưu Quân, 16 tuổi, đói đến không chịu nổi. Khổ quá sinh tật, anh bắt đầu nghĩ đến chuyện trộm cắp.
Lưu Quân còn chưa trưởng thành, cũng không cảm thấy trộm cắp là chuyện xấu hổ, chỉ cần có thể ăn no thì mọi thứ đều không còn quan trọng.
Nếm được "vị ngọt" một lần, Lưu Quân cũng to gan hơn, bắt đầu thường xuyên ăn cắp, thậm chí tham gia vào băng nhóm, học được rất nhiều "kỹ năng". Tất nhiên, cũng vì những "vị ngọt" này, anh thường xuyên bị người dân đánh đập, bị đánh đập đến đầu chảy máu là chuyện bình thường, có mấy lần còn bị đánh đến ngất xỉu, tỉnh lại thấy đói bụng nên lại đi trộm cắp.
Cuối cùng, Lưu Quân đã bị cảnh sát bắt tại trận và đi tù.
"Ở trong tù còn sướng hơn ở ngoài đường"
Lưu Quân ở bên ngoài phiêu bạt lang thang, ăn uống không đủ, sau khi bị bắt vào tù, ngược lại mỗi ngày đều được ăn no, còn được ăn thịt, phòng giam lạnh lẽo trong mắt anh cũng đặc biệt "ấm áp".
Đối với Lưu Quân, đi tù là một loại "hưởng phúc". Vì vậy, anh rất tích cực trong tù, chăm chỉ cải tạo, thường giúp đỡ những người bạn tù khác.
Quản giáo nhìn thấy Lưu Quân siêng năng, thường xuyên tìm anh hỏi chuyện, hướng dẫn tư tưởng, hy vọng sau khi ra tù anh có thể làm lại từ đầu.
Vài tháng sau, Lưu Quân được thả ra. Bước ra khỏi cổng nhà tù, nhắm mắt lại và cảm nhận ánh nắng mặt trời tự do, anh quyết tâm không ăn cắp nữa. Anh bắt đầu cố gắng tìm một công việc, hy vọng có thể kiếm những đồng tiền "sạch sẽ". Thế nhưng hỏi việc ở đâu cũng bị từ chối, lý do là: Không có chứng minh thư.
Đúng vậy! Lưu Quân phải chịu cảnh gia đình ly tán từ nhỏ, 10 tuổi làm ăn xin, lấy đâu ra chứng minh thư? Ngoài ra, anh còn không có người thân, không cách nào chứng minh thân phận của anh. Lúc đó Lưu Quân chỉ là một tên lang thang! Ai lại muốn thuê một kẻ lang thang không rõ lai lịch?
Không tìm được việc làm, Lưu Quân đành phải tiếp tục làm ăn xin, cuối cùng đời đưa đẩy, anh lại làm nghề trộm cắp. Sau một vài lần gây án, Lưu Quân lại bị bắt và bị giam giữ trong một nhà tù khác. Anh vẫn tích cực cải tạo, học tập nghiêm túc.
Cứ như thế, lần thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, tổng cộng 13 năm, Lưu Quân trộm cắp và vào tù như đi chợ. Đương nhiên, thời gian ở trong tù là lúc anh được ăn ngon nhất, cũng có nơi để nằm thẳng người thoải mái.
Tìm lại người thân, quay đầu là bờ
Nhà tù mà Lưu Quân thụ án lần thứ sáu cũng là nơi anh từng vào trước đó.
Đầu năm 2019, quản giáo Tiêu Kim Nguyên biết đến hồ sơ của Lưu Quân, tiến lên nói chuyện mới phát hiện, đây chính là chàng trai mà ông phụ trách quản lý nhiều năm trước.
"Đời đúng thật biết trêu ngươi, một tấm chứng minh thư đã khiến cuộc đời của một chàng trai bị chôn vùi suốt mười mấy năm liền", Tiêu Kim Nguyên cảm thán.
Quản giáo Tiêu Kim Nguyên
Tiêu Kim Nguyên thông cảm với những gì đã xảy ra với Lưu Quân. Nhưng vì anh không có chứng minh thư, đương nhiên không đủ điều kiện để được giảm án. Tiêu Kim Nguyên biết rõ rằng nếu vấn đề chứng minh thư của Lưu Quân không thể được giải quyết, sau khi ra tù, anh có thể lại vào tù.
Vì thế, Tiêu Kim Nguyên quyết định giúp Lưu Quân tìm người thân.
Tiêu Kim Nguyên đã viết tình huống đặc biệt của Lưu Quân thành tài liệu, báo cáo cho lãnh đạo. Sau khi được chấp thuận, ông bắt đầu hành trình tìm kiếm người thân của chàng trai này.
Tiêu Kim Nguyên đến Vân Nam, nơi có hồ sơ tìm kiếm người thân trùng khớp với thông tin của Lưu Quân. Người tìm kiếm là Vương Mai, người phụ nữ trung niên với mái đầu bạc trắng trước tuổi.
Sau quá trình đối chiếu và xét nghiệm ADN, Vương Mai và người chị tên Lưu Mẫn chính là người thân của Lưu Quân.
Lưu Quân gặp lại mẹ và chị gái trong khu vực trại giam
Lưu Quân lần đầu tiên nắm lại tay mẹ sau chừng ấy năm
Thế là một cuộc gặp lại người thân diễn ra trong nhà giam khiến ai cũng cảm động. Biết bao chịu đựng suốt mười mấy năm qua chợt vỡ òa, Lưu Quân ôm mẹ và chị gái khóc nức nở. Những tù nhân khác cũng không cầm được nước mắt.
Sau đó, vấn đề chứng minh thư của Lưu Quân cũng được giải quyết.
Tìm lại mẹ và chị gái, Lưu Quân không còn là một kẻ lang thang, anh cảm giác bản thân đến lúc này mới thật sự gọi là sống trên đời, trước đó chỉ là nỗ lực để tồn tại không hơn không kém.
Cuối cùng, dưới sự phối hợp của nhà tù, Lưu Quân đã được giảm án và ra tù sớm, trở về quê nhà và bắt đầu một cuộc sống "bình thường" trong vòng tay của gia đình.
Nguồn: Sohu