Tiệc chia tay không người
Trần Dương, 28 tuổi là nhân viên văn phòng ở Thượng Hải (Trung Quốc). Dương làm ở một công ty công nghệ 2 năm. Vào ngày cuối cùng làm việc, anh muốn mời đồng nghiệp một bữa. Nam thanh niên tự nhận mình là người hoạt bát, giỏi ăn nói, có quan hệ rộng trong công ty và chưa bao giờ vắng mặt trong các bữa tiệc. Vậy nên Trần Dương quyết định mời đến 30 đồng nghiệp đến buổi chia tay này.
Thế nhưng một số đồng nghiệp bộ phận khác lấy cớ sếp giao việc gấp phải tăng ca, các đồng nghiệp chung phòng ban với Dương lại nói gia đình có công chuyện, sức khỏe không tốt,... Có người không từ chối thẳng mà vòng vo, nói thu xếp xong việc riêng sẽ đến. Người đồng nghiệp họ Lý ngồi cạnh trước khi ra về còn nói Trần Dương mời đông như vậy, không người này thì người khác sẽ tham gia.
Cuối cùng bữa tiệc chia tay phải huỷ vì không có ai tới. Trần Dương chưa bao giờ tưởng tượng khung cảnh này. Chàng trai này luôn cố gắng làm thân, giúp đỡ những người làm cùng, vì sao tất cả mọi người đều quay lưng khi anh vừa nghỉ việc. Trần Dương thất vọng, không ngừng trách những người đồng nghiệp vô tình.
Lý do bất ngờ đằng sau
Cuối cùng Trần Dương vẫn không giấu được sự tò mò, nhắn tin hỏi đồng nghiệp họ Lý xem những người khác nói gì về anh. Người này ban đầu ngập ngừng không muốn kể, nhưng thấy Trần Dương muốn biết sự thật, anh viết một đoạn tin nhắn dài:
“Thật ra mọi người ở công ty đều không ghét cậu, chỉ là không có cảm tình trong những bữa tiệc có mặt cậu mà thôi. Tôi không biết cậu có cố tình không nhưng những lúc đi ăn nhà hàng cậu luôn lấy lý do để về trước khi thanh toán hoá đơn.
Có lần tôi nhắn cậu chuyển tiền ăn cho trưởng phòng, cậu nói nhận lương sẽ chuyển nhưng cũng mất hút. Đồng nghiệp khác nhắc cậu cũng lấy lý do hết tiền, sẽ trả sau rồi không trả. Tất cả đều biết gia cảnh cậu không có gì khó khăn, 1-2 lần chúng tôi có thể bỏ qua nhưng nhiều lần như vậy chẳng ai muốn mời cậu đi ăn nữa.
Dù sao chuyện tiền bạc giữa đồng nghiệp với nhau cũng tế nhị. Chưa kể lúc ăn cậu còn hay chê các món người khác chọn, như vậy rất thiếu tinh tế. Nể tình tôi ngồi cạnh cậu 2 năm, là tiền bối đi làm trước cậu, nhắc nhở để làm việc ở chỗ mới tránh tình huống tương tự. Cậu đừng trách tôi nhiều chuyện”.
Trần Dương đọc hết tin nhắn mà không biết biện minh ra sao về hành động của bản thân, chỉ nhắn cảm ơn đồng nghiệp họ Lý. Người đồng nghiệp này còn dặn dò Trần Dương thay vì chỉ cố gắng làm quen càng nhiều đồng nghiệp thì nên đầu tư hơn vào mối quan hệ chất lượng. Việc nam thanh niên mời đến 30 đồng nghiệp trong khi họ cảm thấy chưa thực sự thân thiết cũng là lý do họ vắng mặt trong buổi tiệc chia tay.
Sau cuộc trò chuyện với đồng nghiệp họ Lý, Trần Dương không còn dám trách ai, hối hận cũng đã muộn màng. Anh luôn cho rằng bản thân nhỏ tuổi nhất văn phòng nên sẽ được mọi người trả tiền ăn cho, một suất ăn cũng không đáng là bao.
Thế nhưng sự thật là ở môi trường văn phòng, ai cũng bình đẳng. Nếu đối phương mời bữa này, bạn nên chủ động mời lại khi có dịp để đôi bên thoải mái và thân thiết hơn. Những bữa tiệc, chuyến du lịch, hoạt động tập thể công ty là cơ hội để gần gũi hơn với những người đồng nghiệp cùng làm việc mỗi ngày. Vậy nên bạn cần quan sát, cẩn trọng trong thái độ và hành động để tránh làm mất thiện cảm, khiến tình đồng nghiệp sứt mẻ đáng tiếc.
Theo Toutiao