Làm người, thứ quan trọng nhất không được đánh mất có lẽ là lương tâm. Làm gì thì làm, miễn sao mình không hổ thẹn với người, với chính bản thân mình.
Đừng bao giờ cho rằng việc mình làm có thể qua mắt được người khác. Và dù người khác thực sự không biết thì vẫn còn lương tâm đang theo dõi và ghi lại nhất cử nhất động của chúng ta.
Bác sĩ lựa chọn trả giá cho sai lầm của bản thân
Bác sĩ Tần làm việc trong khoa sản của một bệnh viện. Một hôm, gần đến giờ tan tầm thì có một bệnh nhân đến khám. Bác sĩ vội vã kiểm tra rồi kết luận: "Trong tử cung của cô có một khối u, tốt nhất là phải mau chóng làm phẫu thuật."
Mặt bệnh nhân biến sắc, chẳng trách gần đây cô hay mệt mỏi, may mà phát hiện sớm, chắc chưa đến mức nghiêm trọng.
Ca phẫu thuật được bố trí rất nhanh. Bác sĩ Tần là người rất có kinh nghiệm, những ca phẫu thuật như thế này anh đã thực hiện cả ngàn lần rồi.
Thế nhưng điều bác sĩ không lường được đã xảy ra sau khi bác sĩ tiến hành mổ cho bệnh nhân.
Kiểm tra phần tử cung của người bệnh, bác sĩ Tần kinh ngạc đến mức thẫn thờ người, mồ hôi lấm tấm trên trán.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 10 năm hành nghề, anh gặp một sai lầm nghiêm trọng đến vậy. Trong tử cung của bệnh nhân không phải là một khối u mà là một thai nhi.
Ảnh minh họa.
Vị bác sĩ nhanh chóng rơi vào trạng thái mâu thuẫn. Nếu cắt bỏ cái thai và nói với người nhà bệnh nhân đã loại bỏ được khối u, bệnh nhân nhất định sẽ cảm kích, hơn nữa bác sĩ cũng có thể xác định cái gọi là khối u kia sẽ không tái phát nữa.
Ngược lại, anh sẽ dừng lại và thừa nhận sai lầm của chính mình. Sau vài giây đấu tranh, bác sĩ Tần chọn phương án thứ hai.
Trở về văn phòng và đợi đến khi bệnh nhân tỉnh lại, bác sĩ Tần mới đến bên giường bệnh. Sắc mặt anh rất nghiêm túc khiến người nhà bệnh nhân đã lo càng thêm lo, họ dường như đang chờ đợi một hung tin.
"Xin lỗi, tôi đã nhầm lẫn, cô đang mang thai chứ không có khối u nào trong người cả." – Bác sĩ Tần nói lời xin lỗi bệnh nhân và người nhà của cô. "Em bé trong bụng vẫn khỏe mạnh, cô nhất định sẽ sinh ra một em bé đáng yêu."
Người nhà bệnh nhân nghe xong cũng bần thần vài giây trước khi xông lên túm cổ áo bác sĩ, quát tháo ầm ĩ và đe dọa sẽ kiện bác sĩ Tần ra tòa.
Về sau, đứa trẻ ra đời khỏe mạnh bình thường. Còn về phần bác sĩ Tần, vì người nhà bệnh nhân đeo bám kiện cáo đến cùng nên anh bị khai trừ khỏi bệnh viện và không thể tìm được việc ở các bệnh viện công.
Sau sự cố ấy, vị bác sĩ đành phải xin việc ở một cơ sở y tế tư nhân nhỏ để mưu sinh.
Những người bạn cũ biết chuyện đều thông cảm cho bác sĩ Tần, có người hỏi anh tại sao không lựa chọn phương án thứ nhất, đằng nào thì sai cũng đã sai rồi, thai nhi khi đó còn chưa thành hình hài, nào có ai biết đâu.
Nhưng bác sĩ Tần chỉ cười, đáp rằng: "Ông trời biết!"
Người lính từ chối danh hiệu anh hùng
Rất nhiều năm về trước, có một người lính họ Hà trong một trận chiến đã lăn qua một bãi mìn được gài trên sườn núi và may mắn sống sót. Cấp trên sau khi biết chuyện đã quyết định tặng cho anh ta danh hiệu anh hùng.
Thế nhưng người lính này khi đó đã nói với phóng viên đến phỏng vấn anh ta rằng: "Tôi không có ý lăn quan bãi mìn mà là vì không cẩn thận nên sảy chân ngã, không còn cách nào khác tôi đành thuận theo tình huống lúc đó mà lăn xuống."
Phóng viên nghe vậy liền nói: "Danh hiệu anh hùng cũng đã trình báo lên trên rồi, anh cứ nói rằng mình chủ động lăn qua bãi mìn đi."
Thế nhưng người lính họ Hà không làm vậy, anh kiên quyết nói đó chỉ là một sự cố do anh sảy chân.
Ảnh minh họa.
Kết quả là, danh hiệu anh hùng lần đó được trao cho 2 chiến hữu của anh Hà. Sau lần đó, anh cũng nhanh chóng phục viên, trở về quê hương làm ruộng, sống cuộc sống của một người nông dân thực thụ.
Một số người hỏi anh có hối hận không khi đã từ chối danh hiệu cao quý mà nhiều khả năng, nó có thể giúp anh đổi đời. Anh Hà đáp: "Tôi vốn dĩ là người làm ruộng, nếu ngã một cái mà trở thành anh hùng thì đó mới là điều khiến tôi hối hận."
Làm bất cứ việc gì, hỏi lòng không thẹn thì cả đời mới được sống an nhiên, nhẹ nhõm.
Lời bình
Hành động của người lính họ Hà hay bác sĩ Tần đều khiến người ta kính phục. Họ có thể chấp nhận để mất mọi thứ, chỉ không nỡ để mất sự chân thành từ nội tâm, lương tâm của bản thân.
Làm người tốt, có những lúc thật khổ sở. Bạn phải chấp nhận cùng lúc nào là sự oan ức, thống khổ mà không biết bày tỏ cùng ai. Nhưng bạn sẽ có một sống thật nhẹ nhàng, thoải mái, thong dong tự tại.
Làm người tốt, việc tốt cũng như bác sĩ Tần nói: "Ông trời biết!"
Có tòa án còn cao hơn tòa án công lý, và đó là tòa án của lương tâm. Nó thay thế cho mọi tòa án khác.