MK: NATO đang chuẩn bị chiến dịch đường không chống Nga
Tờ Moskovsky Komsomolets (MK) ngày 21/5 đưa tin, chương trình "Bí mật quân sự với Igor Prokopenko" của Nga mới đây tiết lộ, NATO đang chuẩn bị một chiến dịch đường không dựa trên cơ sở hạ tầng/nhân lực của lực lượng vũ trang Ukraine để ngăn chặn bước tiến của Nga ở Kharkiv.
Ông Prokopenko - người dẫn chương trình này - cho biết, các nguồn tin tình báo đã cung cấp thông tin về quá trình chuẩn bị cho chiến dịch của NATO.
Dấu hiệu từ các đợt cung ứng vũ khí:
"Bí mật quân sự với Igor Prokopenko" là một chương trình truyền hình của Nga, trong đó người dẫn chương trình - ông Igor Prokopenko - là người đã dẫn nhiều dự án tư liệu khác của Nga về các vấn đề lịch sử, vũ trụ và UFO. Ông đã 6 lần đoạt giải thưởng TEFI danh giá của Viện Hàn lâm Truyền hình Nga.
Theo ông Prokopenko, quá trình này mở đầu bằng các đợt cung cấp vũ khí với số lượng đáng kể cho Kiev:
- Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mới đây thông báo, những chiếc F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất sẽ đến Ukraine "vào tháng tới", trong khi các nguồn tin ở Kiev thì khẳng định rằng, số máy bay này đã được đặt trong các nhà chứa dưới lòng đất của lực lượng vũ trang Ukraine.
- Pháp cho biết đang gửi cho Ukraine tên lửa SCALP với tầm bắn lên tới 560km, trong khi Mỹ đang nhanh chóng cung cấp tên lửa chiến thuật - chiến dịch ATACMS, đạn chùm, và tăng cường thêm cho Kiev các hệ thống rocket phóng loạt HIMARS.
- Anh mới đây cũng xác nhận việc chuyển giao tên lửa Storm Shadow cho Ukraine. Đây là loại tên lửa có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 250km.
NATO cân nhắc bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine
Tiếp tục đề cập tới kế hoạch của NATO, ông Prokopenko cho biết, liên minh này dự định hỗ trợ chiến dịch đường không từ xa, theo cách tướng Đức về hưu Klaus Wittmann gợi ý trên kênh truyền hình Welt cách đây không lâu, đó là "bắn hạ tên lửa Nga (trên bầu trời Ukraine) từ lãnh thổ các nước NATO".
Bình luận về ý tưởng này hôm 18/5, nghị sĩ Quốc hội Đức Roderich Kiesewetter cho rằng, Romania và Ba Lan là nơi phù hợp để bố trí các tổ hợp phòng không của NATO, sao cho chúng có thể bắn hạ các mục tiêu đường không trên bầu trời Ukraine.
Đang lưu ý, ông Prokopenko dẫn "các nguồn thân cận với Văn phòng Tổng thống Zelensky" cho hay, lãnh đạo NATO đã đề nghị Ukraine cung cấp danh sách các mục tiêu ở Nga, và lý do Kiev muốn tấn công các mục tiêu này.
"Điều đó càng làm gia tăng nghi ngờ về việc NATO và Ukraine đang xây dựng kế hoạch phát động chiến dịch đường không quy mô lớn nhằm vào lãnh thổ Nga" - Tờ MK nhận định.
NATO thông qua danh sách mục tiêu do Kiev cung cấp
Một chiến dịch đường không thường chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là trinh sát đường không. Ông Prokopenko cho biết, Không quân Mỹ đã tích cực theo đuổi mục tiêu này trong những tuần gần đây.
Hình ảnh vệ tinh đã ghi lại khoảnh khắc máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Mỹ đang tiếp cận bờ biển của Krasnodar ở khu vực Tuapse, cách bờ khoảng 50 km.
"Chiếc máy bay đã tắt bộ phát đáp, khiến việc theo dõi nó không thể thực hiện được trong một khoảng thời gian. Sau đó, nó biến mất ở khu vực Tuapse, và xuất hiện ở khu vực Adler, nằm xa hơn về phía nam" - Chuyên gia phân tích quân sự Nga Andrei Krasnoperov cho hay.
Giai đoạn thứ 2 là thăm dò hệ thống phòng không của đối phương để xác định điểm yếu. Ông Prokopenko cho rằng, đó là lý do vì sao lực lượng Ukraine phát động đợt tấn công "chưa từng có" vào Crimea đêm 15/5. Chính quyền thành phố Sevastopol báo cáo rằng, đã có 8 tên lửa ATACMS của Mỹ được sử dụng trong cuộc tập kích.
Giai đoạn thứ 3 là các cuộc không kích trong thực tế. Ông Prokopenko dẫn "các nguồn thân cận" với văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, NATO đã thông qua danh sách mà Kiev cung cấp, trong đó bao gồm các mục tiêu được đề xuất ở Nga.
Trong danh sách này có đề cập tới hướng tấn công của lực lượng Ukraine và tuyến đường của máy bay trinh sát Mỹ tới các vùng Belgorod, Kursk, Bryansk, Voronezh, Tula và Kaluga, cũng như Crimea, Krasnodar và các thành phố của vùng này như Novorossiysk, Yeisk, Tuapse, Sochi.
"Bộ chỉ huy NATO cũng tự đặt ra các mục tiêu sâu rộng" - Ông Prokopenko cho hay.
Bình luận về danh sách mục tiêu được NATO thông qua, chuyên gia quân sự Nga Krasnoperov nói: "Đương nhiên họ (NATO) mong tên lửa sẽ tới được Moscow, nhưng Moscow ở quá xa. Vì vậy, không có gì lạ khi phạm vi của chiến dịch này sẽ bắt đầu từ Tula, Kaluga và kết thúc ở Krasnodar, Crimea cũng trong tầm ngắm.
Đây là các mục tiêu mà Ukraine đặt ra. Họ thu thập tất cả dữ liệu từ các vệ tinh trinh sát của Mỹ, và Washington cũng sẵn lòng cung cấp các dữ liệu đó".
2 yếu tố cản trở NATO
Hiện NATO chưa đưa ra bình luận nào trước các thông tin mà chương trình "Bí mật quân sự với Igor Prokopenko" đề cập. Song, MK dẫn ý kiến từ chuyên gia nhận định rằng, có ít nhất 2 yếu tố cản trở liên minh này phát động chiến dịch đường không chống Nga.
Đầu tiên, nếu NATO phát động chiến dịch, Nga sẽ có cớ để trả đũa các mục tiêu quân sự của liên minh này. Thứ hai, hiện nay, quân đội Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo Bulava, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 5.500km. Đây là mối đe dọa lớn đối với các cơ sở của NATO.
Người đứng đầu Đoàn Chủ tịch Hội đồng toàn Nga Sergei Lipovoy cảnh báo: "Nếu Kiev nhận được tên lửa tầm xa, và thông tin này được xác nhận thì Nga sẽ có quyền tấn công trả đũa, nhưng nhắm thẳng vào lãnh thổ của các quốc gia NATO, chứ không phải vào Ukraine".
Yếu tố thứ hai ngăn cản NATO là hoạt động tích cực của lực lượng hàng không vũ trụ Nga tại Ukraine. Trong đó, quân đội Nga "sẽ không cho phép tên lửa và máy bay chiến đấu của phương Tây ở lại nhà chứa máy bay của Ukraine để chờ đợi nhiệm vụ".
NATO có sẵn sàng bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine?
Về thông tin NATO cân nhắc bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine, tờ Breaking Defense cho biết, đây là đề tài đã được đề cập trong nhiều tuần qua.
Mới đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với tờ New York Times công bố ngày 21/5, ông Zelensky lần nữa kêu gọi các nước NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine.
"Tại sao không thể bắn hạ chúng (tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine)?" - Ông Zelensky đặt câu hỏi, nhấn mạnh rằng hành động này về bản chất là phòng thủ, không hề là một cuộc tấn công nhằm vào Nga.
"Hãy bắn hạ những gì trên bầu trời Ukraine và cung cấp cho chúng tôi vũ khí để chống lại lực lượng Nga ở biên giới" - Ông Zelensky kêu gọi các nước NATO.
Theo Breaking Defense, ý tưởng về việc các quốc gia NATO sử dụng hệ thống phòng không trên lãnh thổ mình để bảo vệ các thành phố và cơ sở của Ukraine (đặc biệt là ở khu vực gần biên giới Nga) đã được các quan chức NATO đề cập.
Cuối tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Ba Lan cho biết, NATO đang cân nhắc khả năng bắn hạ tên lửa Nga bay tới quá sát các quốc gia NATO.
Trong khi đó, theo truyền thông Đức ngày 11/5, các nhà lập pháp Berlin đang thảo luận việc sử dụng các năng lực sẵn có của NATO để bảo vệ tây Ukraine.
Tới ngày 14/5, chủ tịch ủy ban quốc phòng của quốc hội Phần Lan Jukka Kopra nói với Breaking Defense rằng, đây là "một lựa chọn hấp dẫn".
Song, phần lớn các chuyên gia quân sự cho rằng đây là một sự lựa chọn nguy hiểm. Chuyên gia quân sự Anh Alexander Mercouris cảnh báo, lời kêu gọi của ông Zelensky đang làm leo thang tình hình, có khả năng kéo phương Tây vào cuộc xung đột trực diện với Nga.