Hiện tượng lạ trên chiếc IL-76 ngay sau khi bị bắn
Tờ Moskovskij Komsomolets (MK) của Nga cho hay, chiếc máy bay vận tải quân sự IL-76 của Bộ Quốc phòng Nga chở 65 tù binh Ukraine, cùng 6 thành viên phi hành đoàn và 3 nhân viên hộ tống đã bị bắn hạ tại vùng Belgorod (gần biên giới Ukraine) vào ngày 24/1.
Trong thông báo chính thức, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine bắn hạ chiếc IL-76 bằng tên lửa phòng không.
"Vào lúc 11 giờ 15 phút sáng 24/1 (tức 15h15 theo giờ Việt Nam), chính quyền Kiev đã thực hiện hành động khủng bố bằng cách bắn hạ máy bay vận tải quân sự của Nga" - Hãng tin AFP dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
"Chiếc máy bay đã bị quân đội Ukraine bắn hạ từ làng Lyptsi ở khu vực Kharkov bằng hệ thống tên lửa phòng không" - Thông cáo cho biết thêm.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hệ thống radar Nga đã phát hiện ít nhất 2 tên lửa Ukraine trong cuộc tấn công.
Về phần mình, Kiev bác bỏ các cáo buộc cho rằng lực lượng vũ trang Ukraine là phía đã bắn hạ chiếc IL-76.
Hiện tại, đoạn video ghi lại những giây phút cuối cùng của chiếc IL-76 đang lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dùng phát hiện thấy một hiện tượng lạ: Không thấy khói bốc lên ngay khi chiếc IL-76 bị bắn và bắt đầu rơi xuống. Tại sao lại như vậy?
Nhằm làm rõ thắc mắc này, tờ MK đã tìm đến phi công Nga Vladimir Salnikov, với 40 năm kinh nghiệm, để tìm kiếm câu trả lời.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại hình ảnh máy bay IL-76 của Nga chở theo 65 tù bình Ukraine rơi ở Belgorod. Nguồn: Guardian
Theo ông Salnikov, dựa vào quan sát đoạn video tình huống được chia sẻ trên mạng xã hội, có vẻ như chiếc IL-76 đã cố gắng hạ cánh.
"Có thể thấy rằng chiếc máy bay vận tải đã bay với một độ nghiêng lớn về bên trái trước khi rơi" - ông Salnikov nói - "Máy bay nghiêng cánh và hạ mũi, tựa như đang lao xuống theo một đường xoắn ốc. Sự cố như vậy xảy ra khi một hoặc cả hai động cơ ở phía cánh trái gặp sự cố".
Thông thường, khi tiếp cận hạ cánh, cánh flap của máy bay (cánh phụ nằm dưới ở phía sau cánh chính) được triển khai tối đa ở góc 45 độ. Ở vị trí này, máy bay có thể tiếp cận đường băng ở tốc độ thấp hơn và đoạn đường hạ cánh sau đó cũng ngắn hơn. Nếu tiếp cận hạ cánh với một hoặc hai động cơ hỏng, các cánh flap sẽ chỉ được mở ra ở góc 30 độ để máy bay có thể dễ dàng tiếp tục bay lên lần nữa nếu cần.
Ba động cơ đang hoạt động còn lại trên máy bay có thể sẽ không cung cấp đủ lực kéo do có một momen xoắn lớn. Momen xoắn này được tạo ra do sự mất cân bằng lực kéo khi một động cơ trên máy bay bị hỏng hoặc ngừng hoạt động, khiến cho máy bay bị lệch hướng về phía động cơ đó.
Trong video không thấy động cơ máy bay phát ra khói ngay khi bị rơi. Nếu máy bay thực sự bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không của Ukraine, liệu khói có xuất hiện không?
Về vấn đề này, phi công Salnikov giải thích rằng, vẫn có khả năng không phát sinh hỏa hoạn ngay sau khi tên lửa trúng máy bay. Phi công của chiếc IL-76 có thể đã dập tắt ngọn lửa bằng cách cắt nguồn cung cấp nhiên liệu. Động cơ không hoạt động, máy bay đã nghiêng và lao đi. Cũng không loại trừ khả năng cánh máy bay bị hư hại.
Bên cạnh đó, hướng lao xuống của máy bay không quá dốc, mà là thoai thoải. Ông Salnikov cho rằng, thông thường các phi công dày dặn kinh nghiệm sẽ cố gắng giữ tốc độ cao trong những tình huống như thế, để máy bay không bị lật sang cánh bị hỏng. Nhưng ở đây, có lẽ tốc độ đã không đủ.
Nỗ lực vào phút sinh tử
Cùng đưa tin về thảm kịch của IL-76, hãng tin RT cho biết, phi công Nga đã thực hiện một hành động anh hùng khi cố lái máy bay tránh xa khu dân cư.
Trả lời RT, Trung tướng Viktor Sobolev - thành viên của Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga cho rằng phi hành đoàn của chiếc IL-76 xứng đáng được vinh danh.
"Tôi tin rằng ban lãnh đạo sẽ trân trọng và xem xét việc trao các danh hiệu cao quý cho đội ngũ phi hành đoàn vì lòng dũng cảm của họ, không cần sự chứng kiến hay phê chuẩn của bất cứ nghị viên nào.
Quá trình điều tra sẽ được thực hiện một cách tỉ mỉ để xác định rõ thông tin về phi công cầm lái, cũng như diễn biến các sự kiện vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là phi hành đoàn Nga đã không ngần ngại hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ mạng sống của người khác, họ thực sự xứng đáng nhận được những phần thưởng cao quý" - ông Sobolev cho hay.
Trước đó, một cư dân của làng Yablonovo (gần khu vực máy bay rơi) đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với phi hành đoàn chiếc IL-76. Bà nói rằng các phi công Nga đã hy sinh bản thân mình để cứu ngôi làng khỏi thảm họa.