Sự thay thế súng phóng lựu Mk 18
Mk 18 là khẩu súng phóng lựu bắn đạn 40 mm tiêu chuẩn của Mỹ, được sử dụng bởi Hải quân Hoa Kỳ trong suốt thời gian Chiến tranh Việt Nam. Mk 18 do Công ty HUGHESH thiết kế vào năm 1962. Theo nhà sản xuất, khẩu Mk 18 có thể bắn 5.000 viên mà không bị hư hỏng, đồng thời các bộ phận khác sẽ không bị hao mòn.
Tuy nhiên qua thử nghiệm, độ tin cậy của khẩu súng này bị giảm đi nghiêm trọng. Cụ thể, trong 3.000 viên đầu tiên có độ giật rất lớn khi bắn nhanh dẫn đến kém chính xác, kèm theo đó là sơ tốc đạn cũng khá thấp. Vì vậy Quân đội Mỹ cần một khẩu súng phóng lựu mới tốt hơn, Mk 19 chính là câu trả lời.
Hai khẩu Mk 18 được trưng bày trong bảo tàng tại Hà Nội
Không lâu sau khi Mk 18 bị loại bỏ, Quân đội Mỹ đã nhanh chóng đưa vào sử dụng mẫu súng mới của Trạm tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ Louisville với tên gọi Mk 19 Mod 0 vào năm 1966, tuy nhiên vũ khí này bị đánh giá có độ tin cậy kém và không an toàn (dễ phát nổ).
Phiên bản cải tiến Mk 19 Mod 1 được thử nghiệm thành công trên các thuyền chiến đấu tại đồng bằng sông Mekong vào năm 1972. Biến thể tiếp theo, Mk 19 Mod 3 được chấp nhận sử dụng từ năm 1983, hiện vẫn còn "tại ngũ" đến ngày nay.
Súng phóng lựu chống chiến thuật "biển người"
Về cơ bản, Mk 19 là khẩu súng phóng lựu nạp đạn bằng băng (dây) hoàn toàn tự động thông qua phản lực bắn, làm mát bằng không khí và trang bị theo đội, cửa buồng đạn mở để băng đạn chạy từ trái sang phải trong suốt quá trình tác xạ.
Vật liệu cấu tạo súng làm hoàn toàn bằng thép với khối lượng 35,2 kg (không phụ kiện), nhằm chịu được nhiệt lượng cũng như áp lực lớn khi bắn liên thanh các viên lựu.
Mk 19 có chiều dài 1.090 mm (nòng dài 413 mm), chiều cao 199 mm, dày 240 mm. Kích thước của súng khá lớn và cồng kềnh khi đặt cạnh khẩu Mk 18. Tuy nhiên đây là yếu tố không quá quan trọng vì Mk 19 thường lắp trên tàu chiến nhỏ, các phương tiện chiến đấu bọc thép như xe Humvee, AAV, Stryker, xe jeep... cùng nhiều loại khí tài khác.
Binh sĩ Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng Mk 19 với lựu 40 x 53 mm
Mk 19 cho tốc độ bắn lý thuyết 325 - 375 viên/phút. Trên thực tế, xạ thủ thường giữ nhịp khoảng 60 viên/phút theo kiểu nhanh, hoặc 40 viên/phút khi bắn duy trì, đây là nhịp bắn tốt trong các nhiệm vụ tấn công cũng như phòng thủ, chống lại chiến thuật "biển người" rất hiệu quả.
Các loại lựu tiêu chuẩn phóng ra từ Mk 19 cho tầm bay lớn nhất lên tới 2.212 m trong điều kiện lý tưởng, tầm bắn hiệu quả của súng ước chừng 1.500 m trong thực tế chiến đấu. Khoảng cách an toàn tối thiểu để phóng lựu là 310 m khi huấn luyện và 75 m trong tác chiến.
Nòng súng lắp bộ phận che chớp sáng đầu nòng, nhưng mục đích chính của nó không phải để giữ bí mật vị trí bắn, mà chủ yếu là nhằm bảo vệ thị lực cũng như tầm nhìn cho xạ thủ. Mk 19 được trang bị sẵn thước ngắm gập có thể điều chỉnh tầm bắn, khi cần thiết sẽ bổ sung các loại kính ngắm đêm thông qua hệ thống ray Picatinny tiêu chuẩn.
Một xạ thủ đang nạp đạn cho khẩu Mk 19
Mk 19 chỉ sử dụng được cỡ lựu 40 x 53 mm, không thể hoán đổi với súng phóng lựu M203 (lựu 40 x 46 mm). Loại lựu riêng của Mk 19 có áp lực, sơ tốc đầu nòng và tầm bắn cao hơn nhiều so với M203.
Lựu được kết lại thành băng tương tự như các khẩu súng máy hạng nhẹ nhưng chắc chắn hơn nhiều, mỗi băng chứa 32 hoặc 48 viên với khối lượng 32 - 69 kg (tùy theo các loại lựu khác nhau). Băng đạn được đựng trong thùng kim loại, đặt bên trái, ngay sau nòng súng.
Loại lựu chính mà Mk 19 sử dụng là M430, khi chạm vật cản như tường hay mặt đất, đầu đạn nổ, cho sức sát thương có thể giết chết bất cứ mục tiêu nào trong bán kính 5 m, làm bị thương trong bán kính 15 m.
Ngoài ra M430 còn có khả năng xuyên qua giáp đồng nhất dày 5,1 cm khi đầu đạn chạm vuông góc, điều này có nghĩa là nó xuyên thủng được nhiều loại xe bọc thép hiện đại. Một số loại đạn khác của Mk 19 bao gồm М383, М384, М385 hay М385Е4.
Mk 19 gắn trên xe Chevrolet Silverado của Quân đội Mexico
Việc sản xuất khẩu súng này do Tập đoàn Saco quản lý (nay thuộc về General Dynamics). Năm 2014, General Dynamics đã ký kết hợp đồng cung cấp đầu đạn tốc độ cao 40 mm có khả năng nổ trên không cho Mk 19.
Đây là loại lựu có cầu chì bên trong, có thể tính toán và lập trình thời gian cho phép nổ tại điểm mong muốn, mang lại hiệu quả cao hơn trong chiến đấu, nhất là đối với các mục tiêu bị che khuất hoặc đang ẩn nấp.
Theo đánh giá, Mk 19 là khẩu súng phóng lựu liên thanh hàng đầu hiện nay của Quân đội Mỹ, sở hữu nhiều ưu điểm như bắn nhanh, chính xác, sức sát thương lớn. Ngoài nước Mỹ, súng còn đang phục vụ trong biên chế Quân đội Mexico, Tây Ban Nha, Brazil và Croatia.