Pin con thỏ, pin con ó, pin tiểu - những cái tên chắc đã quá quen thuộc với các thế hệ từ trẻ đến già. Chúng có mặt ở khắp mọi nơi, cứ có đồ điện tử là khả năng cao sẽ phải dùng tới 2 - 3 viên pin dạng như vậy.
Tiện là thế nhưng những loại pin này vẫn luôn là một trong những tác nhân lớn làm ô nhiễm đất và nước nếu không được vứt bỏ đúng cách. Hiện tại đã có khá nhiều địa chỉ nhận xử lý pin cũ, pin đã dùng, nhưng không phải ai cũng biết/muốn làm theo.
Giải pháp lúc này là ngừng sử dụng chúng đi, thay vào đó là các loại pin có thể sạc lại được, ví dụ như loại của Xiaomi hay Beston dưới đây.
Hai loại pin sạc lại size AAA từ Xiaomi và Beston.
Pin sạc lại có gì hay?
Mình đã mua hai loại này và dùng được vài tháng rồi. Cả hai đều là cỡ AAA loại nhỏ nhưng bạn có thể tìm mua loại AA to hơn nếu cần. Cả hai đều bán theo pack 4 viên, có hộp nhựa đi kèm và thêm lựa chọn dock sạc 4 viên cùng lúc. Nhiều shop cũng có bán lẻ 1 hoặc 2 viên nhưng giá sẽ cao hơn là mua theo pack.
Mỗi pack 4 viên sẽ có thêm hộp đựng tiện lợi.
Dù có chung kích thước nhưng bên trong 2 loại pin khác biệt khá nhiều. Loại của Xiaomi chỉ có dung lượng 700mAh nhưng được hứa hẹn chu kì sạc tối đa 1500 lần và dùng 1 năm cũng chỉ tiêu hao 20%. Loại Beston dung lượng 1100mAh, chu kì sạc tối đa 1000 lần và hứa hẹn dùng 1 năm tiêu hao 15%.
Loại của Xiaomi vì là hàng nội địa nên chỉ có tiếng Trung, loại Beston có đủ thông tin bằng tiếng Anh dễ hiểu hơn.
Giá hai món này cũng có nhiều khác biệt. Loại của Xiaomi có giá khoảng 150 - 180k/vỉ 4 viên, còn của Beston là khoảng 100k thôi. Cả hai pin đều dùng lõi Ni-MH và điện áp chỉ ở mức 1.2v nên một số thiết bị yêu cầu đúng định mức 1.5v sẽ không hoạt động được. Đây là điểm lưu ý lớn nếu các bạn muốn thử dùng.
Cả hai đều có thể sạc lại nhiều lần bằng các bộ sạc pin thỏi AA/AAA.
Riêng về chất liệu lõi Ni-MH cũng đã có hàng tá lợi ích so với lõi pin thông thường như dung lượng cao hơn trên cùng thể tích, an toàn hơn khi vận chuyển, chứa ít chất độc hại hơn và dễ tái chế hơn.
Dùng có tốt như tưởng tượng không?
Sau vài tháng sử dụng, mình không thấy có vấn đề gì với cả 2 loại pin, kể cả khi cố tình ghép chung với các viên pin thường đã cũ. Vì dung lượng thấp hơn đáng kể nên pin Xiaomi nhanh cạn hơn nhưng cũng chẳng to tát lắm khi đã có bộ sạc mini đi kèm.
Pin Xiaomi có hiển thị thông báo khi sạc đầy, còn loại của Beston thì không.
Nhắc về bộ sạc, cả 2 hãng đều bán nhưng mình chỉ mua loại của Xiaomi với giá cao hơn (140k so với chỉ 60k của Beston). Loại của Xiaomi khi sạc cho pin Xiaomi có đèn nháy, bao giờ đầy sẽ sáng liên tục để báo. Loại pin Beston cũng có đèn nhưng chỉ nháy chứ không biết bao giờ sạc đầy, phải tự ước chừng bao lâu rồi tháo ra. Đúng là đồ rẻ thì được cái này, mất cái khác.
Vì sao bạn nên đổi sang dùng pin sạc lại?
Không chỉ là pin của Xiaomi hay Beston mà bất cứ loại pin sạc lại nào khác với chất lượng đủ tốt đều xứng đáng để thay thế cho pin dùng 1 lần.
Dù là hàng tầm trung như Xiaomi, giá rẻ như Beston hay đắt tiền như Panasonic thì pin sạc lại đều mang nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường hơn so với pin thỏi thông thường.
Bạn vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ cả túi tiền về lâu dài. Mỗi viên pin sạc lại có thể dùng tới vài năm nên tính ra chắc chắn sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với các thỏi pin thông thường, vốn nếu mua loại cao cấp từ thương hiệu lớn đã chẳng rẻ mạt gì cho cam.
Các thương hiệu chuyên về pin lớn nhỏ như Sony, Panasonic, Energizer… cũng đã bán ra pin sạc lại từ lâu nhưng chưa hẳn phổ biến. Hầu hết đều có nhiều kích cỡ và dung lượng khác nhau, nhưng điểm cộng chung vẫn là tiết kiệm, an toàn và bảo vệ môi trường hơn so với pin dùng 1 lần.
Nơi mua các loại pin sạc lại dạng thỏi