Kênh truyền thông Channel 12 News của Israel ngày 24/8 đưa tin, Nga dự kiến sẽ triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến Mikoyan MiG-35 tới Căn cứ Khmeimim ở Syria - địa điểm được ví như đầu não chỉ huy không quân của Bộ Quốc phòng Nga tại khu vực Trung Đông.
Theo Channel 12 News, hoạt động này là một phần trong chiến dịch tiếp thị để thúc đẩy chương trình bán dòng máy bay thế hệ 4++ ra thị trường quốc tế. Một số quốc gia đã bày tỏ mong muốn có được loại máy bay tân tiến này do Nga chế tạo, trong đó có Peru, Malaysia và cả Syria.
Kể từ khi can dự vào cuộc chiến chống các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) theo đề nghị chính thức của Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã tiến hành thử nghiệm ở Syria nhiều loại vũ khí mới.
Thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow đã thử nghiệm tại quốc gia Trung Đông này nhiều loại vũ khí hiện đại như máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Su-57, siêu tăng T-14, robot chiến đấu Uran-9 cùng các loại vũ khí công nghệ cao khác.
Từ năm 2015, Nga đã triển khai tất cả các dòng máy bay mới do nước này sản xuất tới Syria để thử nghiệm khả năng chiến đấu.
Tiêm kích MiG-35
Đầu tiên là các mẫu tiêm kích hạng nặng đa nhiệm Su-27SM3 và Su-30SM, tiêm kích-bom Su-24M và Su-34, sau đó là đến tiêm kích chiếm ưu thế trên không Su-35, tiêm kích hạng trung MiG-29SMT và thậm chí các tiêm kích hạm MiG-29K và Su-33.
Theo Military Watch, được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2019 MiG-35 là dòng máy bay chiến đấu hạng trung thế hệ 4++. Xét trên nhiều phương diện, đây là loại tiêm kích mới nhất và tinh vi nhất Không quân Nga.
Xét tới bối cảnh Nga vẫn đang tiến hành chiến dịch không quân ở Syria và đã từng cung cấp cho quốc gia đồng minh thân cận của mình các máy bay mới thì khả năng Moscow triển khai MiG-35 tới Syria để kiểm tra các sứ mệnh chiến đấu chỉ còn là vấn đề thời gian.
MiG-35 được kỳ vọng sẽ trở thành mẫu tiêm kích có độ hấp dẫn cao đối với các khách hàng quốc tế nhờ nhu cầu bảo dưỡng và chi phí hoạt động thấp. So với Su-57, MiG-35 có được lợi thế hơn khi có tỷ lệ xuất kích cao hơn, kíp vận hành ít người hơn và chi phí thấp hơn.
MiG-35 sẽ đặc biệt hấp dẫn với các quốc gia đang vận hành MiG-29 do những điểm tương đồng về cơ sở hạ tầng bảo dưỡng và những quốc gia đề cao hiệu quả chi phí trong khi lại muốn tiếp cận các loại vũ khí thế hệ mới tiên tiến. Theo Military Watch, 5 ứng viên tiềm năng cho MiG-35 gồm có: Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Belarus và Triều Tiên.
Cận cảnh góc cạnh tiêm kích MiG-35