Hệ thống HIMARS được sử dụng để phóng ATACMS.
Tấn công nhanh
Theo ông Igor Korotchenko, tiêm kích siêu âm MiG-31K tuần tra ở Biển Đen là tiến hành các cuộc tấn công tức thời bằng tên lửa Kinzhal siêu thanh vào các cơ sở lắp đặt tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp cho Ukraine được tình báo xác định.
"Phi đội chiến đấu cơ này sẽ tấn công cực chính xác bằng tên lửa Kinzhal. Những vũ khí đó được kích hoạt và có thể được sử dụng bất cứ lúc nào để tấn công ngay lập tức nhằm vào các mục tiêu được xác định trong bối cảnh bắt đầu chuyển giao hệ thống tên lửa ATACMS của Mỹ cho Ukraine", ông Korotchenko nói.
Nhà phân tích Nga nói thêm rằng tên lửa Kinzhal sẽ được sử dụng trong khuôn khổ tuyến trinh sát và tấn công, hoạt động đặc biệt cho nhiệm vụ xác định kịp thời các bệ phóng, vị trí bắn và nơi cất giữ tên lửa ATACMS.
Đánh giá về nhận định của ông Korotchenko, chuyên gia quân sự và biên tập viên tạp chí Kho vũ khí của Tổ quốc Alexey Leonkov đồng tình và cho biết:
"Máy bay MiG-31K mang theo Kinzhal ban đầu là máy bay đánh chặn tầm xa tốc độ cao, chức năng chính của nó là tiếp cận khu vực đánh chặn mục tiêu càng nhanh càng tốt.
Kết hợp với tên lửa Kinzhal, điều này giúp giảm mạnh phản ứng thời gian tới các vị trí được xác định của bệ phóng loại MLRS mà từ đó tên lửa ATACMS được phóng đi", chuyên gia Leonkov nói.
Sân bay tại Berdyansk sau vụ tập kích bằng ATACMS của Ukraine.
Sử dụng Kinzhal còn đạt được mục tiêu khác
Theo ông Korotchenko, việc tiêm kích MiG-31K mang theo Kinzhal tuần tra Biển Đen không loại trừ khả năng ở đây có thể có những mục tiêu khác.
"Ở một mức độ nhất định, Kinzhal là loại vũ khí được triển khai ở phía trước, vì vậy đây là một minh chứng rõ ràng rằng Nga không loại trừ bất kỳ lựa chọn phản ứng nào trong trường hợp có quyết định chính trị hoặc quân sự.
Chúng ta hiểu rằng vũ khí như Kinzhal có thể được sử dụng cả ở phiên bản thông thường và với đầu đạn hạt nhân đặc biệt", nhà phân tích giải thích.
Chuyên gia Leonkov nhấn mạnh thêm rằng khi phát triển, nhiệm vụ chính của tên lửa siêu thanh Kinzhal là chống lại các chiến hạm cỡ lớn và tàu sân bay Mỹ.
"Khả năng đâm xuyên rất mạnh bằng ngay cả đầu đạn thông thường của Kinzhal cho phép một số tên lửa đánh chìm tàu lớn như vậy.
Ở Biển Đen, điều này có thể hữu ích trong trường hợp xác định được các tàu vận tải hạng nặng chở máy bay không người lái, tên lửa cung cấp cho Ukraine", chuyên gia Leonkov ghi nhận.
Đòn khoét sâu hậu cứ
Theo chuyên gia quân sự Joseph Trevithick của tờ War Zone, dù không phải là biến thể hiện đại nhất nhưng ATACMS vẫn cho phép Ukraine tập kích mục tiêu xa gấp hai lần so với các loại đạn của HIMARS và MLRS M270 mà Kiev được viện trợ trước đó.
Tên lửa ATACMS sẽ cho phép quân đội nước này phá vỡ tuyến tiếp tế, tập kích căn cứ không quân và mạng lưới đường sắt tại các khu vực Nga đang kiểm soát mà trước đây họ không thể đánh trúng.
ATACMS là tên lửa đạn đạo, có thể phóng về mục tiêu với vận tốc nhanh và từ độ cao lớn. Cơ chế phát tán đạn con trên diện tích rộng khiến nó khó bị đánh chặn hơn so với các vũ khí dùng đầu đạn đơn nhất mà Ukraine thường dùng để tập kích hậu phương Nga, như tên lửa Storm Shadows/SCALPS, Neptune và UAV tự sát.
Cũng nhờ đặc tính gây sát thương trên diện rộng, ATACMS là vũ khí thích hợp để tấn công các mục tiêu như sân bay. Chuyên gia Trevithick cho rằng chỉ cần vài quả ACTAMS là đủ khiến tất cả máy bay đậu ngoài trời ở căn cứ bị loại khỏi vòng chiến đấu, bởi khi một phi cơ mang theo bom đạn phát nổ, nó sẽ tạo ra vụ nổ liên hoàn, phá hủy mọi thứ xung quanh.
Trong loạt vụ tập kích vào sân bay Nga hôm 17/10, giới chức Ukraine tuyên bố phá hủy tổng cộng 9 trực thăng, một hệ thống phòng không và một kho chứa đạn.
"Phần lớn căn cứ Nga ở Ukraine đang bị đe dọa bởi một loại vũ khí hiệu quả cao, khó bị đánh chặn và có sức sát thương rộng", chuyên gia Mỹ cho biết và nói thêm rằng tên lửa ATACMS còn có thể tấn công lực lượng Nga ở phía bắc Crimea.
Mối đe dọa từ tên lửa ATACMS dùng đạn chùm sẽ khiến Nga phải phân tán khí tài, đưa máy bay, trực thăng ra xa tiền tuyến, nằm ngoài tầm bắn của tên lửa. Điều này làm giảm hiệu quả phòng không, gây thêm áp lực lên hệ thống hậu cần, cũng như ảnh hưởng tới năng lực tác chiến của không quân Nga.
"Việc Nga phải rút các khí tài quan trọng về nơi an toàn sẽ hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của chúng. Điều này đặc biệt đúng với trực thăng, phương tiện có tầm hoạt động ngắn, và cả các hệ thống phòng không, vũ khí cần phải ở gần mục tiêu mới có thể phát huy hiệu quả", Trevithick nói
Clip Ukraine sử dụng ATACMS tấn công căn cứ Nga.