Miếng kẹo cao su 9.500 năm tuổi này có gì thú vị khiến các nhà khoa học nhảy vào nghiên cứu?

Tấn Minh |

Vào thời điểm 9.500 năm trước, kẹo cao su không phải để nhai cho vui mà được dùng làm chất kết dính cho các công cụ và vũ khí.

Đối với người Scandinavi cổ đại, kẹo cao su không phải là một món ăn nhai để giết thời gian hay giúp hơi thở thơm mát. Nó là một công cụ thiết yếu trong cuộc sống. Các nhà khảo cổ học tin rằng những miếng vỏ thân cây bạch dương đã được nhai qua - chính là kẹo cao su của người cổ đại - được dùng như một loại chất kết dính để liên kết các công cụ hay vũ khí với nhau.

Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm hiểu sâu hơn nữa về loại công cụ thú vị này, để xem những người cổ đại từ hàng thiên niên kỷ trước sử dụng chúng như thế nào.

Các nhà nghiên cứu đã tập trung vào ba mẫu vật được tìm thấy tại một di chỉ khảo cổ ở Thụy Điển. Bộ ba cổ vật này trông như những cục đá nhỏ với dấu răng hay dấu tay trên đó.

Bên trong những cục đá là những sợi siêu nhỏ chứa DNA của con người, chủ yếu có nguồn gốc từ...nước bọt. Những sợi này đã cho chúng ta biết về cách mà những con người ở thời kỳ đồ đá giữa (Mesolithic) tương tác với môi trường xung quanh họ.

Natalija Kashuba, một nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Đại học Uppsala ở Thụy Điển - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Đây không phải là DNA từ những người cổ đại đã qua đời - chúng thực ra là DNA thu được từ một con người khi họ vẫn còn sống và đang làm gì đó...".

Sử dụng công nghệ di truyền học hàng đầu hiện nay, Kashuba và các đồng sự đã có thể phân tích mẫu DNA người được bảo quản trong mẫu hóa thạch kẹo cao su nói trên.

"Chúng (những mẫu hóa thạch kẹo cao su) đã được xử lý bởi con người theo cách nào đó. Hoặc họ đã nhai chúng, hoặc cầm chúng trên tay đủ lâu để DNA của họ được lưu giữ vào trong vật liệu này. Và việc của chúng tôi là trích xuất nó ra".

Miếng kẹo cao su 9.500 năm tuổi này có gì thú vị khiến các nhà khoa học nhảy vào nghiên cứu? - Ảnh 1.

Những mẩu vỏ cây bạch dương đã được nhai có niên đại 9.500 năm tuổi, chứa bên trong DNA của những người Scandinavi săn bắt - hái lượm cổ đại

Bằng cách so sánh các chuỗi DNA với các thư viện di truyền học của cư dân loài người cổ đại, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đã nhai những mẩu vỏ cây kia thuộc về một nhóm người Scandinavi chuyên săn bắt - hái lượm thời kỳ đầu tiên.

Những người này đã sống trước khi Thụy Điển bị bao phủ bởi băng trong thời kỳ băng hà cuối cùng, tức hơn 9.500 năm trước.

Miếng kẹo cao su nói trên được phát hiện tại một di chỉ khảo cổ học có tên Huseby Klev nằm gần bờ biển phía Tây Nam của Thụy Điển. Di chỉ này hiện nằm trên bờ, nhưng hàng ngàn năm trước, khi mực nước biển cao hơn hiện nay đến 24 mét, nó lại là một bãi biển nằm ở cuối một vịnh hẹp.

Huseby Klev ban đầu được khai quật vào những năm 1980 và đã mang lại cho các nhà khảo cổ học một lượng dồi dào các di sản từ hàng ngàn năm văn minh xa xưa, được bảo quản khá tốt dưới nhiều lớn đất sét và cát biển.

Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra nhiều dấu vết của xương động vật tại di chỉ, chủ yếu là các loài cá, ngoài ra còn có cá voi và cá heo. Nhiều mẩu xương đã được mài sắc thành các công cụ, như đầu mũi tên hay lưỡi móc câu.

Những mẩu vỏ cây bạch dương đã được nhai kia đã gây hứng thú cho các nhà khảo cổ kể từ khi được phát hiện vào những năm 1980, nhưng nghiên cứu này là lần đầu tiên người ta xem xét đến các dấu vết di truyền để lại bởi những người từng nhai chúng. Nghiên cứu còn giúp các nhà khảo cổ học hiểu thêm về một trong những xã hội xưa nhất của loài người ở Scandinavi.

"Nghiên cứu này có thể giúp mở rộng cánh cửa" - Kashuba nói - "Chúng ta vốn đã có thể trích xuất DNA từ những tàn tích của người cổ đại, như xương và tóc. Nhưng đây là một cách khác, một cách hoàn toàn mới".

Tham khảo: AtlasObscura

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại