Miệng kề miệng, loài kiến không hôn nhau mà đang "nôn" vào miệng nhau để hình thành quan hệ xã hội

RYANKOG |

Đó là một cách để kiến trao đổi thông tin với nhau.

Kiến là một loài sống theo cộng đồng, chúng có mạng lưới xã hội và các cá thể giao tiếp với nhau, tương tự như con người chúng ta. Tuy nhiên, con người trao đổi thông tin qua qua lời nói, chữ viết và internet,... thì lũ kiến làm có cách làm khác, chúng nôn vào miệng nhau.

Theo Adria LeBoeuf, trợ lý giáo sư và đứng đầu một phòng thí nghiệm tại Đại học Fribourg ở Thụy Sĩ, hầu hết các loài côn trùng đều có ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Tuy nhiên, đối với côn trùng xã hội, phần ruột trước đã trở thành một loại 'dạ dày xã hội'. Những gì bên trong phần ruột giữa và sau sẽ được tiêu hóa, trong khi những thứ trong phần ruột trước là để chia sẻ.

Miệng kề miệng, loài kiến không hôn nhau mà đang nôn vào miệng nhau để hình thành quan hệ xã hội - Ảnh 1.

‘Trophallaxis’ là từ dùng để chỉ hành vi trào ngược thức ăn vào miệng một sinh vật khác, rất phổ biến ở những loài có tính xã hội cao như kiến. Các chất dinh dưỡng và protein được truyền từ dạ dày xã hội của cá thể này sang dạ dày xã hội của cá thể khác, và thông qua một loạt các trao đổi này, kiến tạo ra một "hệ thống tuần hoàn xã hội" kết nối mỗi thành viên trong đàn với nhau.

Kiến thợ mộc (Camponotus) liên tục truyền các chất dinh dưỡng cho nhau theo cách này. Nếu bạn nhìn vào một tổ kiến, trong một phút, bạn có thể thấy 20 lần hành vi này diễn ra.

Miệng kề miệng, loài kiến không hôn nhau mà đang nôn vào miệng nhau để hình thành quan hệ xã hội - Ảnh 3.

Hành vi này không chỉ đơn thuần là giúp kiến trao đổi chất dinh dưỡng, mà chúng còn tạo ra một mạng xã hội tiêu hóa, mà trong đó thông tin và năng lượng tuần hoàn liên tục thông qua tổ kiến cho những con kiến nào cần. Điều này giống như cách bộ não của bạn có thể tiết ra một loại hormone và truyền nó đến hệ thống tuần hoàn để đi đến gan của bạn.

Lebouf nói rằng một đàn kiến không chỉ là một tập hợp các cá thể kiến, mà còn là một “siêu sinh vật theo tổ”, tất cả những con kiến hoạt động cùng nhau như một cơ thể, giống như cách một cơ thể có các mô và cơ quan thực hiện những công việc hỗ trợ cho mục đích chung.

Miệng kề miệng, loài kiến không hôn nhau mà đang nôn vào miệng nhau để hình thành quan hệ xã hội - Ảnh 4.

LeBoeuf và nhóm đã phân tích thành phần dạ dày xã hội của kiến thợ mộc ở cả tổ tự nhiên và trong môi trường thí nghiệm. Họ đã xác định được 519 protein được truyền xung quanh đàn kiến, trong đó có 27 protein phổ biến được tìm thấy ở tất cả cá thể.

Các nhà nghiên cứu nhận định kiến thợ kiếm thức ăn, biến thức ăn đó thành các protein cụ thể và sau đó truyền đi xung quanh. Khi tổ kiến lớn hơn, chúng sẽ có nhiều protein dự trữ hơn, đóng vai trò như một nguồn thức ăn cô đặc. Thậm chí, nhiều kiến trưởng thành còn không cần thức ăn, chúng sẽ hấp thụ nguồn protein dinh dưỡng này, nhường thức ăn cho cá thể khác cần hơn.

Bằng cách phân tích loại protein được tìm thấy, LeBoeuf và đồng nghiệp có thể biết được sự khác biệt giữa tổ kiến mới và cũ, cũng như sự khác biệt giữa tổ kiến trong môi trường thí nghiệm và tổ tự nhiên, vì tổ tự nhiên có sự đa dạng protein trong dạ dày xã hội cao hơn nhiều.

Miệng kề miệng, loài kiến không hôn nhau mà đang nôn vào miệng nhau để hình thành quan hệ xã hội - Ảnh 6.

Họ cũng có thể phát hiện ra vai trò của một con kiến thông qua dạ dày xã hội của nó. Những con kiến có nhiệm vu chăm sóc con non sẽ có lượng protein chống lão hóa cao hơn, có khả năng đảm bảo chúng sống sót để chăm sóc cho thế hệ tương lai.

Việc nghiên cứu các hệ thống như trao đổi chất dinh dưỡng ở kiến có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cách thức phân chia trao đổi chất trong các sinh vật.

Tham khảo: LiveScience

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại