Năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng linh kiện phụ tùng ô tô của Việt Nam đạt khoảng 4,6 tỷ USD
Ngày 25/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi được quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP và nghị định 125/2017/NĐ-CP.
Theo đó, phần linh kiện, vật tư hoặc nguyên liệu được nhập về để sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước thuộc loại chưa sản xuất được tại Việt Nam, sẽ hưởng thuế suất ưu đãi 0%.
Điều kiện để hưởng thuế suất này, doanh nghiệp phải có hợp đồng mua bán sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô với các công ty có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô do Bộ Công Thương cấp.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh liên quan tới sản xuất phụ tùng, phụ trợ cho ô tô và sở hữu xưởng sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.
Kỳ xét ưu đãi thuế tối đa với doanh nghiệp không quá 6 tháng, xét từ 1/1 đến 30/6 hoặc 1/7 đến 31/12 hàng năm.
Với những nguyên liệu, linh kiện chỉ được lắp ráp đơn thuần bằng những thiết bị giản đơn như vít, bu lông, đinh tán... mà không trải qua quá trình sản xuất, gia công để thành sản phẩm hoàn thiện thì không được hưởng thuế ưu đãi 0%.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/7/2020.
Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2019, mức độ tăng trưởng trung bình phân khúc xe du lịch trong 5 năm qua đạt từ 30 - 40% và dự báo tới 2025, thị trường sẽ nhanh chóng tiệm cận con số 1 triệu xe bán ra/năm.
Đây chính là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất lắp ráp ô tô Việt Nam, đặc biệt là khi các linh kiện chưa sản xuất được trong nước hưởng thuế suất 0%.