Metro số 1 tăng vốn 7000 tỷ đồng do tư vấn chưa có kinh nghiệm

Nguyễn Cường |

Đường sắt đô thị là dự án hoàn toàn mới, trong khi đơn vị tư vấn trong nước tại thời điểm đó chưa có kinh nghiệm, vì vậy đã đưa ra mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng.

Thông tin trên được Trưởng ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang công bố trong buổi họp báo ngày 8/9.

Nguyên nhân tuyến metro số 1 đội vốn hàng ngàn tỉ

Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, đường sắt đô thị là dự án hoàn toàn mới, trong khi đơn vị tư vấn trong nước tại thời điểm đó chưa có kinh nghiệm, vì vậy đã đưa ra mức đầu tư ban đầu là 17.000 tỉ đồng.

“Trên cơ sở đó TP phê duyệt mức này để kêu gọi đầu tư và làm các bước tiếp theo. Đến năm 2008, được phía Nhật Bản hỗ trợ TP đã chọn được đơn vị tư vấn chuyên ngành, có kinh nghiệm để tính toán và đưa ra mức đầu tư sát với thực tế, nhưng tăng tới 7.000 tỉ” – ông Quang cho biết.

Ông cũng cho rằng khi đó TP đã báo cáo Thủ tướng và các bộ Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, thì “tất cả đều đồng thuận”.

Ông Quang nhấn mạnh rằng nhằm đảm bảo khách quan, tổng mức đầu tư đã được hai đơn vị thẩm định độc lập của Singapore kiểm tra.

“Trên cơ sở đó, cùng với ý kiến đồng ý của các bộ thì Thủ tướng đã giao TP phê duyệt tổng mức đầu tư sau điều chỉnh” – ông nói.

“Các nguyên nhân dẫn đến sự điều chỉnh, cũng như sự thẩm định độc lập của đơn vị thứ ba đã làm sáng tỏ các nguyên nhân và thủ tục pháp lý, từ đó chúng ta có điều kiện đàm phán với phía Nhật Bản, đến nay đã ký được ba hiệp định vay và đang triển khai thi công” – ông Quang cho biết.

Vị Trưởng ban khẳng định từ năm 2011 đến nay, hàng năm Ban quản lý đều có báo cáo gửi UBND TP.HCM để báo cáo Bộ Giao thông vận tải, nơi này cũng thừa ủy quyền của Thủ tướng tiếp tục báo cáo trước Quốc hội.

“TP chủ động thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về thẩm định, điều chỉnh mức đầu tư, báo cáo với Quốc hội. Tuy nhiên đến nay phân bổ vốn vẫn chưa được giải quyết dứt khoát” – ông Quang phản hồi trước những ý kiến của một số cá nhân cho rằng TP tự ý tăng mức đầu tư mà không thông qua các bộ ngành.

Metro số 1 tăng vốn 7000 tỷ đồng do tư vấn chưa có kinh nghiệm - Ảnh 1.

Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang.

Tà-vẹt cho metro được sản xuất tại Long An


Đề cập đến việc lắp ray cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Giám đốc dự án Dương Hữu Hòa cho biết, đến nay nhà thầu đã sản xuất được 8.000 tà-vẹt chống rung, và thiết bị này được một liên doanh với Nhật Bản sản xuất ngay tại Long An.

“Dự kiến ngày 15/10 sẽ lắp đặt thử nghiệm từ ga Phước Long (quận 9) tới ga Thủ Đức (quận Thủ Đức). Nếu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chúng tôi sẽ triển khai lắp đại trà” – ông Hòa nói.

Thông tin về các đoàn tàu, ông Hòa chia sẻ rằng hiện những thiết bị này đang được thiết kế, chế tác tại Nhận Bản, khoảng giữa tháng 10/2018 sẽ đưa về Việt Nam, và trước đó sẽ có đoàn từ Việt Nam qua nghiệm thu.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, thông thường phải làm xong toàn tuyến nhà thầu mới lắp ray, tuy nhiên Ban quản lý đã yêu cầu “linh hoạt” nên “xong phần nào, nhà thầu sẽ lắp ray phần đó để đảm bảo tiến độ.

Tuy nhiên ông Quang thừa nhận việc này có thể gặp khó khăn do chính sách thay đổi đột ngột.

“Trước đây Bộ Tài chính thông báo rằng hàng hóa nhập về để làm đường sắt đô thị sẽ được miễn thuế, nhưng vừa rồi thông tư mới đã xem xét lại vấn đề này, chính vì vậy một số thiết bị, vật tư đã nhập về cảng để chuẩn bị thi công nhưng bị tắc” – ông Quang thông tin.

Để giải quyết khúc mắc này, TP đã xin ý kiến Cục Hải quan, và Cục sẽ tổ chức họp theo hướng “cố gắng giúp Ban quản lý lấy hàng ra để thực hiện cho đúng tiến độ”.

“Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, đôi khi thông tư ra sau không giống trước khiến việc thực hiện bị khó khăn” – vị Trưởng ban “than thở”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại