"Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", câu trả lời rất quan trọng, mẹ đừng bao giờ xem thường câu hỏi này của trẻ

TÚ UYÊN |

'Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm? Sao mẹ không ở nhà với con?', khi con bạn hỏi điều này, bạn trả lời thế nào?

Hai bà mẹ với hai câu trả lời khác nhau khi được hỏi "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?"

Một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội có nội dung như sau, một đứa trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?". 

Người mẹ trả lời: "Mẹ đi làm để kiếm tiền mua đồ ăn, đồ chơi và đóng học phí cho con". Đứa trẻ lặng lẽ cúi đầu: "Hóa ra, con luôn là gánh nặng của mẹ".

Cùng một câu hỏi, một bà mẹ khác trả lời: "Bởi vì mẹ muốn học kiến thức mới và quen thêm nhiều bạn mới, giống như con là học sinh cần phải học hành và kết bạn".

Hai câu trả lời khác nhau sẽ phản ánh quan điểm khác nhau nhau của những người làm mẹ. Thẳng thắn mà nói, đối với những người làm người mẹ, nếu đi làm thì không có thời gian bên con, nếu bỏ việc thì không có tiền nuôi con.

Đối với trẻ thơ, lời của cha mẹ chính là "khuôn vàng thước ngọc", ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ đối với công việc và cuộc sống sau này.

Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?, câu trả lời rất quan trọng, mẹ đừng bao giờ xem thường câu hỏi này của trẻ - Ảnh 2.

Đối với trẻ thơ, lời của cha mẹ chính là "khuôn vàng thước ngọc", ảnh hưởng đến quan điểm của trẻ đối với công việc và cuộc sống sau này (Ảnh minh họa).

Adele Farber, nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ từng nói: "Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của lời nói đến cuộc sống của trẻ".

Khi trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", câu hỏi của trẻ thể hiện suy nghĩ đối với thế giới bên ngoài, câu trả lời của cha mẹ là vô cùng quan trọng vì tác động trực tiếp đến trẻ.

Câu trả lời khác nhau sẽ mở ra một chân trời mới đối với trẻ. 

Nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy câu hỏi của trẻ thật nực cười bởi không đáng mang ra bàn luận, có người nghe xong sẽ cho rằng trẻ đang gây rối khi đặt một câu hỏi vô lý, thế nên họ gân cổ lên hét: "Nếu mẹ không đi làm, tiền đâu mua đồ ăn và đồ chơi cho con? 

Chẳng lẽ chúng từ trên trời rơi xuống à?".

Không thể phủ nhận, tất cả cha mẹ đều mong con có thể thấu hiểu nỗi khổ kiếm tiền và cách cha mẹ chống chọi với cuộc sống mưu sinh. 

Nhưng nếu ở trường hợp của trẻ, trẻ sẽ cảm nhận thế nào khi nghe câu trả lời? 

Trẻ sẽ tư duy: "Bố mẹ đi làm là để kiếm tiền mua đồ ăn và thức uống", thậm chí trẻ sẽ gặp chấn động về tâm lý và nghĩ rằng trẻ là gánh nặng, là lý do khiến bố mẹ phải đi làm, thế là trẻ không dám trông mong được dành thời gian ở bên bố mẹ.

Một cô bé 5 tuổi đã khóc thét khi bày tỏ mong muốn mẹ ở nhà chơi với bé. Người mẹ khó xử hỏi: "Mẹ không đi làm thì tiền đâu mua kẹo cho con?". Bé gái nghe xong ném kẹo về phía mẹ, bé hét lớn: "Từ giờ trở đi con sẽ không ăn kẹo nữa".

Cảnh tượng như vậy thật đáng buồn. Khát vọng của trẻ là được ở bên bố mẹ nhiều hơn, nếu bố mẹ không ở nhà, không dành thời gian cho trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bất an.

Thực ra, bạn có thể trả lời: "Bố mẹ thích công việc bởi có thể học hỏi kiến thức và mang đến niềm vui cho mọi người. Bố mẹ đi làm nên không thể ở bên con, nhưng bố mẹ vẫn luôn nhớ đến con". 

Câu trả lời như vậy đương nhiên không thể thỏa mãn khát vọng của trẻ là muốn ở bên bố mẹ, nhưng nó sẽ mang đến cho trẻ cảm giác an toàn, đồng thời bố mẹ có thể truyền đạt tín hiệu tích cực là công việc khiến bố me vui nên trẻ sẽ có niềm tin và nỗ lực đối với cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai.

Một người cha từng gửi thư cho con gái, ông viết rằng: "Bố chưa bao giờ nói bố đi làm là để kiếm tiền, bởi bố sợ con nghĩ tiền quan trọng hơn con". 

Tiền rất quan trọng, nhưng giúp trẻ nâng tầm tư duy, khai mở giá trị sống còn quan trọng hơn. Câu trả lời khác nhau của cha mẹ sẽ quyết định trình độ tư duy khác nhau của trẻ.

Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?, câu trả lời rất quan trọng, mẹ đừng bao giờ xem thường câu hỏi này của trẻ - Ảnh 4.

Trong chương trình "Thiếu niên nói", đài truyền hình Trung Quốc sản xuất, một cô bé hét lớn trên khán đài: "Mẹ ơi, mẹ không yêu con nữa sao? 

Sao mẹ nói chuyện với người ngoài rất nhiều nhưng không thể nói chuyện với con? Có một lần con gọi điện, điện thoại của mẹ báo bận, sau đó mẹ nghe cuộc gọi và hờ hững hỏi con có việc gì không? 

Mẹ hết yêu con rồi sao? Nếu đúng là như thế, mẹ có thể yêu con thêm lần nữa không?".

Tiếng khóc của cô bé đã khiến mọi người xung quanh khán đài xúc động và rơi nước mắt. Trên thực tế, nhiều cha mẹ đi sớm về khuya vì muốn cải thiện điều kiện sống của gia đình, muốn con tiếp cận với nền giáo dục tốt nhất. 

Tuy nhiên, không phải sự hy sinh nào cũng được trẻ thấu hiểu. Bởi trẻ nhìn thấy là bố mẹ chỉ quan tâm đến công việc và không ngó ngàng đến trẻ.

Trong mắt trẻ, cha mẹ là cả thế giới. Trẻ khát khao nhận được sự quan tâm của cha mẹ. Điều mẹ có thể làm chính là dịu dàng nói với trẻ: "Công việc của cha mẹ rất bận, nhưng con sẽ luôn là người cha mẹ yêu thương nhất".

Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?, câu trả lời rất quan trọng, mẹ đừng bao giờ xem thường câu hỏi này của trẻ - Ảnh 6.

Trẻ em là tấm gương phản chiếu hình ảnh cha mẹ, cha mẹ cũng là tấm gương sáng để trẻ noi theo (Ảnh minh họa).

Thái độ làm việc của cha mẹ sẽ tác động đến tâm lý trẻ như thế nào?

Có một câu chuyện được chia sẻ thế này. 

Một người mẹ thường than phiền với con về công việc mệt mỏi, sếp mới khó tính và tăng ca cả ngày khiến chị cảm thấy nhức đầu. Một hôm, con gái nói: "Mẹ ơi, hôm nay con không muốn đi học. 

Giáo viên toán giao cho con rất nhiều bài tập, chỉ cần nghĩ đến con liền cảm thấy nhức đầu. Con ghét đi học, nếu không đi học thì tốt quá".

Người mẹ trách mắng con: "Con còn nhỏ mà đã muốn trốn học, còn đòi bỏ học, muốn ăn đòn đúng không?". Thế là con gái hỏi mẹ: "Tại sao mẹ được phép ghét công việc, còn con không được phép ghét việc học?". 

Công việc quả thật mệt mỏi, thậm chí nhiều căng thẳng, nhưng nếu cha mẹ truyền tải áp lực công việc sang cho trẻ sẽ chẳng khác nào gieo mầm độc trong tâm trí trẻ nhỏ. 

Điều này sẽ khiến trẻ sợ hãi, ảnh hưởng đến tương lai, xem công việc là một tai họa và mang đến nhiều đau khổ. Bất kể công việc khổ sở thế nào, cha mẹ cũng nên truyền năng lượng tích cực cho trẻ.

Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?, câu trả lời rất quan trọng, mẹ đừng bao giờ xem thường câu hỏi này của trẻ - Ảnh 8.

Một buổi sáng mùa đông lất phất mưa rơi, một người mẹ là nhân viên vệ sinh chuẩn bị đi làm. Cậu con trai 5 tuổi với đôi mắt trĩu nặng vì cơn buồn ngủ, bé khóc lóc gọi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm sớm thế?".

Người mẹ hỏi: "Mỗi ngày con đi bộ đến trường, nếu phải đi trên một con đường dơ bẩn, đầy rác, con có vui không?". Đứa trẻ đáp: "Con sẽ không vui, bởi mẹ từng nói rằng, trẻ ngoan là trẻ thích sạch sẽ". 

Người mẹ tiếp lời: "Bởi thế, mẹ cần dậy sớm quét dọn đường phố sạch sẽ, chỉ có như vậy mới khiến những người bạn nhỏ như con đến trường vui vẻ mỗi ngày". 

Cậu bé nghe xong cảm thấy rất vui, cậu đưa ngón tay cái lên hào hứng tán thưởng: "Mẹ thật vĩ đại".

Đôi khi, thái độ đối với công việc của cha mẹ cũng là thái độ của họ đối với cuộc sống. Người có tầm nhìn hạn hẹp sẽ luôn ám ảnh bởi tình trạng hiện tại của họ, họ sẽ phàn nàn về bản thân và những bất công trong xã hội.

Ngược lại, những người có kiến thức rộng, thậm chí nắm giữ những chức vụ bình thường cũng sẽ đạt được những thành tựu phi thường khi luôn khiến bản thân vui vẻ.

Trẻ em là tấm gương phản chiếu hình ảnh cha mẹ, cha mẹ cũng là tấm gương sáng để trẻ noi theo. Thái độ của cha mẹ về công việc sẽ quyết định tầm nhìn và hình mẫu của trẻ về mọi thứ xung quanh trẻ.

Mẹ của tỷ phú Mỹ Elon Musk từng nói: "Hãy để trẻ trưởng thành trong môi trường làm việc chăm chỉ của cha mẹ, hãy để trẻ biết rằng càng nỗ lực sẽ càng gặt hái được nhiều thành tích và đạt được may mắn".

Cha mẹ là người dẫn đường trong cuộc sống của trẻ, những lời cha mẹ nói sẽ để lại dấu ấn trên hành trình phát triển của trẻ.

Do đó, khi bé hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", mẹ hãy cúi xuống và kiên nhẫn giải thích với trẻ. Câu trả lời của cha mẹ, thái độ làm việc của cha mẹ sẽ quyết định tương lai của trẻ đối với sự nghiệp và cuộc sống sau này. 

Cho dù cha mẹ có khổ cực, có mệt mỏi, cũng nên tạo một câu chuyện cổ tích thật đẹp để giúp trẻ nắm lấy tương lai bằng tình yêu và niềm hy vọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại