Sau khi tắm cho chị gái Edwarda, Colleen O’Bara ân cần chải tóc cho chị, cho chị ăn bằng ống như cô đã từng làm vô số lần trước đây. Đó là một ngày trước lễ Tạ ơn. Sau khi hoàn thành những công việc cho buổi sáng, Colleen dự định pha tách cà phê cho mình.
Cô cúi xuống, hôn chị gái và bảo chị mình sẽ quay lại ngay. “Chị đã dành cho tôi nụ cười tươi nhất mà tôi đã từng nhận được từ chị”, Colleen nhớ lại. “Gương mặt chị rạng rỡ, ánh mắt chị lấp lánh lắm”.
Nhưng ngay sau đó, Edwarda đã nhắm mắt lại. Gia đình cô thay phiên nhau trông chừng, chăm sóc cho cô. Họ chờ đợi ngày Edwarda tỉnh dậy nhưng phép màu đã không bao giờ xảy ra.
Ở tuổi 59, Edwarda qua đời và cô được các chuyên gia y tế đánh giá sống lâu hơn bất kì người nào bị hôn mê.
“Mẹ ơi đừng bỏ con”
Edwarda và Colleen là con của bà Kathryn O'Bara và ông Joe O'Bara (Miami, Florida, Mỹ). Ông bà kết hôn vào năm 1948.
Cũng như bao cặp vợ chồng trẻ khác, họ háo hức bước vào cuộc sống hôn nhân, đợi chờ khoảnh khắc lần đầu được ôm con trong vòng tay, hy vọng gia đình mình sẽ đông vui, lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười.
Ao ước của bà Kathryn là sinh được 2 cô con gái và ước nguyện của bà đã thành hiện thực. Edwarda và Colleen ra đời cách nhau 18 tháng. Edwarda là một đứa trẻ ham học, biết vâng lời và rất đáng yêu. Trong khi đó, Colleen lại khá tinh nghịch, khác với chị.
Colleen nhớ lại: “Tôi luôn nóng nảy khi chúng tôi còn trẻ. Còn chị thì luôn bình tĩnh”.
Edwarda khi còn bé. (Ảnh: dailymail)
Edwarda và Colleen rất thích ngựa. Edwarda đã làm việc tại một trang trại gần đó và đã giúp em mình có được những giờ phút vui vẻ bên những chú ngựa.
“Chị dọn dẹp, chải lông ngựa, cho tôi vui đùa còn chị thì làm tất cả mọi việc. Đó là những gì chị muốn làm cho tôi. Chị là người chị tuyệt vời nhất. Chị là người bạn thân nhất của tôi trên thế giới này”, Colleen chia sẻ.
Nhưng rồi đến cuối năm 1969, Edwarda được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Cô được kê toa dùng thuốc insulin dạng uống - loại thuốc không còn được sử dụng cho thanh thiếu niên bởi những tác dụng phụ có hại.
Dù vậy, bệnh tiểu đường không thể cản trở được việc học hành của Edwarda. Cô luôn đạt được điểm A suốt những năm tháng học trung học, thậm chí còn được nhận vào Đại học Notre Dame - ngôi trường chủ yếu chỉ toàn nam giới.
Cô không ngừng nuôi ước mơ được trở thành bác sĩ nhi khoa.
Gia đình của Edwarda. (Ảnh: dailymail)
Giáng sinh năm đó, trong khi gia đình háo hức đợi đến ngày lễ quan trọng này, Edwarda bất ngờ bị cúm. Cô nôn ói rất nhiều. Nếu Edwarda được tiêm insulin, cô chỉ phải chiến đấu với bệnh cúm mà thôi, không có gì hơn thế.
Nhưng mỗi khi ói, cô lại được cho uống thuốc và vì vậy, lượng dược chất đã tăng lên trong cơ thể cô. Khi mọi người hiểu được chuyện gì đã xảy ra với Edwarda, sức khỏe của cô đã xấu đi rất nhiều.
Một đêm nọ, những khối u từ đường xuất hiện dưới chân của Edwarda khiến cô đau đớn, la hét rất nhiều và bố cô phải xoa hai chân cô để giúp đường có thể di chuyển được. Ngay sau đó, ông liền đưa con đến bệnh viện cấp cứu.
Đó là ngày 3/1/1970, Edwarda đến bệnh viện Đa khoa Bắc Miami vào lúc 2 giờ sáng và đó cũng là kỷ niệm 22 năm ngày cưới của vợ chồng ông Joe, bà Kathryn.
Bác sĩ Louis Chaykin - người trực trong đêm - nhớ rằng ông đã thấy Edwarda và mẹ đã nắm chặt tay nhau trong phòng cấp cứu.
“Tôi nhớ những lời cô con gái nói với người mẹ khi cô nằm trong phòng cấp cứu là: “Mẹ ơi đừng bỏ con” và người mẹ đã trả lời bà không bao giờ làm như thế”, bác sĩ kể lại.
Nhưng rồi phổi của Edwarda ngừng hoạt động, thận bị suy, tim yếu dần khiến não bị thiếu oxy. Bác sĩ Chaykin khi đó 35 tuổi và bà Kathryn đã được một y tá gợi ý nên nhờ ông chăm sóc cho con gái mình bởi ông là một bác sĩ nội tiết giỏi với những kỹ năng đặc biệt.
“Khi tôi thấy cô ấy, cô ấy gần như chết. Đó là một ngày chủ nhật, tôi đã điều trị cho cô ấy suốt nhiều giờ liền. Chúng tôi chăm sóc cho Edwarda và có thể đảo ngược nhiều điều bất thường về sự trao đổi chất nhưng não cô ấy sẽ tổn thương vĩnh viễn. Cô ấy rơi vào hôn mê, phản ứng với cơn đau nhưng chỉ có vậy mà thôi”, bác sĩ Chaykin hồi tưởng.
Bác sĩ Chaykin đã chăm sóc miễn phí cho Edwarda suốt nhiều thập kỉ. (Ảnh: CNN)
Một lời hứa được giữ suốt gần 4 thập kỉ
Colleen (khi đó 15 tuổi) vẫn tiếp tục việc học và nghĩ rằng chị mình rồi sẽ vượt qua. Cô kể: “Tôi không hề nhận ra tình hình tồi tệ thế nào. Bạn thấy đó, chị tôi không gắn máy móc hay bất kì thứ gì cả. Chị chỉ không tỉnh dậy, không nói chuyện mà thôi”.
Edwarda đã nằm viện 5 tháng để điều trị. Gia đình từ chối đưa cô vào nơi chăm sóc đặc biệt không phải vì chi phí mà vì bà Kathryn đã hứa sẽ không bao giờ bỏ con. Vì vậy, họ đã mang con gái trở về nhà. “Với bố mẹ tôi, nếu đã hứa với ai điều gì thì không bao giờ được thất hứa”, Colleen giải thích.
Phòng ngủ của vợ chồng bà Kathryn trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ đã được chuyển thành nơi chăm sóc Edwarda và bà đã trở thành một y tá riêng của con. Giường của Edwarda được đặt trong phòng ngủ của vợ chồng bà, một chiếc ghế được kê sát giường con gái.
Cứ mỗi 2 giờ, bà sẽ cho con ăn qua ống. Mỗi đêm, bà đặt hơn 10 lần báo thức, vào lúc nửa đêm, 2 giờ, 4 giờ, 6 giờ sáng. Bà tiêm insulin cho con, thay tã giúp con.
Bà trở mình cho con mặc cho việc làm này suốt nhiều năm liền cộng với bệnh viêm khớp đã khiến lưng bà còng hơn. Nhưng bà vẫn mặc kệ và kiên trì công việc của mình. Mỗi giấc ngủ của bà chỉ có 75 phút mà thôi.
Bà lo lắng, chăm sóc cho con gái suốt nhiều thập kỉ. (Ảnh: CNN)
Stephen Mayer - Giáo sư thần kinh học và phẫu thuật thần kinh tại Đại học Columbia đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân hôn mê trong nhiều năm.
Ông nói rằng nghiên cứu mới cho thấy bệnh nhân ở trạng thái thực vật có thể nhận thức những thứ xung quanh theo một cách mà các bác sĩ chưa từng hiểu trước đây.
Ông cho biết: “Bằng chứng tốt nhất là họ không nghe theo mệnh lệnh và trông giống như thực vật. Nhưng sau vài năm tỉnh dậy, họ bắt đầu làm theo lệnh, yêu cầu”.
Ông chưa từng điều trị cho Edwarda nhưng ông tin rằng “Edwarda nhận thức được những gì xảy ra xung quanh mình ở mức độ nào đó suốt 40 năm nhưng thực sự không thể giao tiếp với mọi người theo cách để chúng ta tin. Và có thể sự tiếp xúc thường ngày, giọng nói, vuốt ve của những người yêu thương dành cho cô mỗi ngày là lý do để cô ấy sống”.
Ông phát biểu: “Một điều tôi biết được sau nhiều năm với tư cách là người điều trị cho bệnh nhân hôn mê và cố gắng cứu họ là có một điều gì đó rất quan trọng về sự tiếp xúc giữa người với người, mang đến ý nghĩa cho cuộc sống của bạn, cho người bạn yêu thương”.
Kathryn hoàn toàn tin tưởng vào điều đó. Bà Kathryn chưa bao giờ mất niềm tin vào sự hồi phục của con gái, bà cũng chưa bao giờ thất hứa với con gái. Bà rất hiếm khi rời xa con hay để con ở nhà một mình.
Duy nhất chỉ có 1 lần vào Ngày của Mẹ năm 1982, bà Kathryn bị đau tim khi đang ngồi cạnh Edwarda nhìn con gái ngủ. Bà đã phải nằm viện 10 ngày và đó là lần đầu tiên bà xa Edwarda trong suốt 12 năm chăm sóc con.
Một ngày tháng 3/1983, bà Kathryn chợt nghe thấy tiếng con gái gọi: “Hey”. Khi đó bà đang ở trong bếp cùng vài người bạn và họ đã lập tức chạy vào phòng.
“Bạn sẽ không bao giờ biết cảm giác đó như thế nào. Đó là giọng của Edwarda. Tất cả chúng tôi đều chạy vào. Con mỉm cười như thể con đã làm điều gì đó tuyệt vời”, bà Kathryn kể lại với Charles Whited - người phụ trách một chuyên mục của Miami Herald.
Đêm tiếp theo, Edwarda lại nói “hey” một lần nữa. Kathryn đã khóc bên giường con suốt 1 giờ. Nhưng kể từ đó, Edwarda không nói nữa.
Bức ảnh chụp vào năm 2005 khi bà Kathryn đã được 77 tuổi còn Edwarda 52 tuổi. (Ảnh: dailymail)
Năm tháng đến rồi đi. Người mẹ vẫn kiên định, hy vọng và không ngừng cầu nguyện. Khi Edwarda bị bệnh vào Giáng sinh năm 1969, cô đang đọc tiểu thuyết Hawaii của James Michener.
Và trong suốt những năm Edwarda hôn mê, người mẹ đã giúp con đọc cuốn tiểu thuyết đó hơn 10 lần.
Bác sĩ Chaykin chấp nhận điều trị miễn phí cho Edwarda và đối với gia đình Edwarda, ông chính là một thiên thần. Dù vậy, gia đình họ vẫn rơi vào nợ nần.
Gánh nặng về tài chính trên vai, ông Joe vẫn phải làm nhiều việc cùng lúc, vừa sơn nhà, sửa động cơ thuyền để có thể thu nhập. Nhưng nỗi đau về cả tài chính lẫn tinh thần đã quá sức chịu đựng với người cựu binh mạnh mẽ.
6 năm sau ngày con gái rơi vào tình trạng hôn mê, năm 1976, ông Joe qua đời. Bố mất, Colleen phải tạm gác giấc mơ đại học để giúp gia đình trả nợ. Biết được tình trạng của chị mình cộng với cái chết của bố đã khiến Colleen đau đớn vô cùng.
Cô tự hỏi vì sao gia đình cô lại phải chịu sự tra tấn khủng khiếp như vậy.
Bác sĩ Chaykin thăm Edwarda vào năm 2006. (Ảnh: Internet)
Đến tháng 3/2008, ở tuổi 80, bà Kathryn đã qua đời. Người ta tìm thấy bà đã chết trên sàn nhà trong phòng của con gái sau gần 4 thập kỉ chăm sóc con. Bà đã giữ lời hứa với cô con gái bé bỏng của mình trong suốt 38 năm.
Đã có lúc bà lo lắng mọi chuyện sẽ thế nào nếu bà chết trước con gái. Bà tự hỏi: Liệu Colleen có thể chịu được áp lực chăm sóc Edwarda hay không?
Bà đã giữ lời hứa với cô con gái bé bỏng của mình trong suốt gần 40 năm qua. (Ảnh: Facebook)
“Chúng ta làm điều đó vì gia đình”
Mẹ mất, Colleen cố gắng để sống một cuộc sống bình thường nhất có thể nhưng vẫn không thể làm nỗi đau trong cô mất đi. Chị gái - người bạn thân nhất của cô - đang nằm đó hôn mê.
Người bố - bạn tâm giao của cô, là người để cô có thể tìm sự an ủi mỗi khi mẹ bận rộn chăm sóc chị - lại qua đời khi cô mới 21 tuổi. Những nỗi đau đó là quá lớn lao với bất kì ai và giờ đây, nó khiến một người phụ nữ trẻ đơn độc phải cố gắng tìm cách vượt qua.
Năm 1974, khi bố vẫn còn sống, Colleen kết hôn ngay trong phòng của Edwarda. Năm 1976, sau khi bố cô mất 8 ngày, cô sinh con trai Richard. Nhưng cuộc hôn nhân của Colleen chỉ kéo dài 6 năm mà thôi.
Sau khi ly hôn, Colleen về nhà mẹ ruột cùng với con trai. “Hôn nhân tan vỡ và tôi không cảm nhận được mình thuộc về bất kì nơi nào. Tôi tìm đến với ma túy”, Colleen kể. Những rắc rối đã đưa Colleen ngày càng đi xa hơn. Cô đã bị bắt vì một loạt tội liên quan đến ma túy vào đầu những năm 1990, phải ngồi tù 9 tháng.
Phía sau cánh cửa tù, Colleen dần chiêm nghiệm ra rằng, nếu có chuyện gì xảy ra với mẹ khi cô đang ngồi tù, Edwarda sẽ chẳng có ai để chăm sóc. Tất cả là bởi sự ích kỉ của cô.
Colleen tổ chức hôn lễ ngay trong phòng của chị. (Ảnh: CNN)
“Tôi ngồi tù và cuộc đời tôi đã thay đổi. Tôi đã biết đâu là nơi tôi thuộc về”, Colleen chia sẻ. Ra tù, cô trở thành một người huấn luyện ngựa, làm việc không quá xa nhà. Nhiều lần cô ước có thể đưa Edwarda đến nơi cô làm việc.
Mẹ qua đời, Colleen lập tức bỏ việc về nhà chăm sóc chị dù khi đó cô đang bị đa xơ cứng. “Mẹ lo lắng tôi không thể chăm sóc chị nhưng khi yêu ai đó, chúng ta có thể làm được. Chúng ta làm điều đó cho gia đình mình”, Colleen tâm sự.
Colleen thay mẹ chăm sóc cho chị gái. (Ảnh: dailymail)
Colleen tổ chức tiệc sinh nhật cho chị vào năm 2012. (Ảnh: dailymail)
(Ảnh: dailymail)
Vậy là cả ngày lẫn đêm, Colleen cần mẫn chăm sóc chị. Suốt 5 năm như thế cho đến buổi sáng tháng 11/2012, khi Edwarda trút hơi thở cuối cùng. “Khi tôi mệt mỏi, chị sẽ tặng tôi nụ cười thật tươi, nó khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Tôi nói chuyện với chị hệt như đang nói chuyện với bạn đây”, Colleen nói.
Chị mất rồi, Colleen vẫn giữ thói quen thức dậy trước khi mặt trời mọc, chuẩn bị tinh thần chăm sóc chị. Nhưng rồi cô chợt nhận ra chị đã không còn nữa.
Colleen bảo: “Tôi biết tôi yêu chị nhưng cho đến khi chị không còn ở đây nữa, tôi mới nhận mình đau thế nào. Tôi cảm thấy một lỗ hổng trong dạ dày, trong tim tôi”.
Một tang lễ lặng lẽ diễn ra vào ngày 28/11/2012, Edwarda đã được chôn cất cạnh bố mẹ.
Những sự trùng hợp đến bác sĩ cũng chẳng thể giải thích
Nhìn những vất vả, khó khăn mà gia đình Edwarda trải qua để có thể chăm sóc, lo lắng cho con gái, đã có lúc bác sĩ Chaykin nghĩ rằng ông đã sai lầm khi cứu sống cô.
Nhưng rồi theo thời gian, ông đã thay đổi quan điểm. Ông tin rằng, sự tồn tại của Edwarda nhất định là một sự sắp đặt của Thượng đế.
Ông nhớ mình đã từng thấy hàng trăm người đến thăm Edwarda vì họ tin rằng sẽ có phép màu xảy ra với họ nếu họ đến thăm Edwarda và chạm vào người cô. Ông nói: “Có nhiều điều khác nhau đã xảy ra mà tôi không thể nào giải thích được với tư cách là một bác sĩ”.
Ông tự hỏi liệu có một sự trùng hợp hay điều gì đó hơn thế. Không ai nhớ chính xác trường hợp đầu tiên nhận được điều kì lạ này khi đến thăm Edwarda bởi hầu hết họ giờ đây đã qua đời.
Một người tên Joi Mejia - là học trò mà bà Kathryn đã dạy vào cấp mẫu giáo - đã mang hai con gái của mình (khoảng 6 tuổi và 8 tuổi) đều bị xơ nang đến thăm Edwarda. Một thời gian sau đó, Mejia nói rằng con gái bà không còn bị xơ nang nữa.
Một người phụ nữ ở Nam Mỹ từng đến thăm Edwarda khi đang mang trong mình khối u não. Bà đã cầu nguyện suốt bên giường của Edwarda và “6 đến 9 tháng sau đó, một chiếc xe tải chở đồ nội thất đầy tầng trệt với lời nhắn: “Tôi đã đến bác sĩ, khối u đã biến mất”, bác sĩ Chaykin cho biết.
Hình ảnh trong tang lễ Edwarda. (Ảnh: Internet)
Sau khi Edwarda qua đời, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Thống đốc bang Florida Jeb Bush, ca sĩ Neil Diamond và nhiều người nổi tiếng khác đã đến thăm nhà của cô trong nhiều năm liền.
Tác giả Wayne Dyer đã viết quyển sách “A Promise Is A Promise” để nói về tình yêu vô bờ bến của Kathryn dành cho con mình. Không chỉ vậy, hàng ngàn người, từ Nhật đến Úc, từ Ý đến Canada đã viếng thăm ngôi nhà của gia đình O’Bara cũng bởi sự tận tụy của người mẹ.
Một người được xem là hôn mê khi họ bất tỉnh hơn 6 giờ. Trong khi hôn mê, bệnh nhân không thể tỉnh dậy và dù đôi khi trông họ dường như tỉnh nhưng họ vẫn không thể cảm nhận, nói, nghe hay cử động.
Khoảng 40% trường hợp hôn mê là do thuốc gây ra, trong khi đó, 25% do thiếu oxy não hãy 20% do đột quỵ. Chấn thương đầu, suy dinh dưỡng hoặc nồng độ glucose bất thường là nguyên nhân gây ra khoảng 15% trường hợp hôn mê. Hôn mê có thể kéo dài vài ngày, vài tuần hay thậm chí vài năm.
Elaine Esposito ở Tarpon Springs, Florida, Mỹ đã hôn mê 37 năm - trường hợp hôn mê dài thứ 2 được ghi nhận, sau Edwarda O’Bara. Bà Esposito chỉ là một đứa bé 6 tuổi khi được gây tê để phẫu thuật cắt ruột thừa vào ngày 6/8/1941.
Nhưng bà mãi không thể tỉnh táo bình thường sau cuộc phẫu thuật. Những từ cuối cùng bà nói với mẹ là: "Mẹ đừng lo. Đừng lo lắng". Bà mất ngày 25/11/1978 ở tuổi 43.
(Nguồn: dailymail)
(Nguồn: CNN)