Câu chuyện dưới đây là chia sẻ của bà Dương Hoa (61 tuổi), hiện đang sống tại Hồ Bắc, Trung Quốc.
Người xưa thường nói, cha mẹ không còn, con gái đi lấy chồng không nên về nhiều. Trước đây tôi hoàn toàn không tin vào điều này. Tôi nghĩ rằng tôi và anh cả có mối quan hệ rất tốt dù bố mẹ có qua đời thì chúng tôi vẫn gắn bó với nhau.
Nhưng thực tế không phải vậy. Sau khi bố mẹ qua đời, tôi nhận ra mình và anh trai, chị dâu chỉ có thể coi nhau như họ hàng.
Cha mẹ tôi qua đời một năm trước, bố tôi qua đời trước, mẹ tôi cũng mất ba tháng sau đó. Tôi và anh cả cùng nhau lo liệu tang lễ cho bố mẹ. Tài sản như nhà đất, vàng bố mẹ để lại tôi không lấy mà đưa cho anh và chị dâu. Duy chỉ có số tiền mặt 10.000 NDT (khoảng 35 triệu đồng) là tôi giữ lại.
Chị dâu tôi không hài lòng. Chị đã phàn nàn rằng tôi là con gái nhưng không đến chăm ông bà mà dám cầm tiền cha mẹ để lại. Tôi biết nói gì đây?
Trước khi bố mẹ mất, tôi xin nghỉ phép hơn một tháng để sang chăm sóc. Trong thời gian tôi ở nhà, chị dâu không nấu một bữa ăn nào, tôi làm hết việc nhà và không hề kêu than. Tôi thông cảm cho hoàn cảnh chị còn cháu nhỏ nên muốn chia sẻ nhưng chị không hề trân trọng điều đó.
Tôi đã hơn 60 tuổi, cơ thể không còn khỏe mạnh như trước. Tôi cũng không buồn giải thích với họ. Sau một tháng chăm bố mẹ, tôi ngỏ ý muốn thuê bảo mẫu. Chính tôi sẽ trả tiền. Chị dâu tôi nghe vậy không vui, nói ở nhà còn có người đi làm, nếu thuê bảo mẫu thì tốt nhất là đưa tiền, chị ấy sẽ chăm sóc mẹ tôi.
Vì vậy tôi đưa cho họ thêm 3.000 NDT (khoảng 10 triệu đồng) tiền “phí bảo mẫu” ngoài chi phí sinh hoạt hàng tháng là 1.000 NDT (3,5 triệu đồng). Cũng từ đó, chị dâu tôi không còn phàn nàn thêm.
Sau khi mẹ mất, những chiếc vòng tay vàng và dây chuyền vàng của mẹ đều được giao lại cho chị dâu. Duy chỉ có tiền mặt mẹ viết rõ là chia cho tôi nên tôi không trả lại. Điều này khiến chị dâu không hài lòng. Cũng từ đó, chị đi kể khắp nơi rằng tôi không phụng dưỡng cha mẹ nhưng vẫn cầm tiền.
Tôi không muốn lời qua tiếng lại nên chọn cách giữ im lặng. Sau khi bố mẹ mất, tôi không có lý do gì để quay lại nên hiếm khi về nhà anh cả. Thứ nhất, đó không còn là nhà của bố mẹ. Thứ hai, tôi chưa đủ tuổi nghỉ hưu. Việc chạy đi chạy lại không chỉ tốn thời gian mà sức khỏe của tôi cũng không cho phép. Dù không về thăm thường xuyên nhưng tôi vẫn giữ đúng lễ nghĩa. Tôi và các con đều đến thắp hương cho cha mẹ vào dịp lễ tết.
Ngoài ra, tôi cũng sẽ đưa cho anh chị một chút tiền. Lúc đó tôi vẫn còn đi làm nên đều đặn gửi 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng). Sau khi nghỉ hưu, tôi chỉ có thể gửi cho họ 500 hoặc 600 NDT (khoảng 1,7 - 2,1 triệu đồng). Chị dâu tôi không vui và nói rằng sau khi bố mẹ mất, tôi cũng dần lạnh nhạt với họ.
Một lần về thăm nhà, tôi thấy chị dâu tỏ rõ thái độ. Gần đến giờ cơm, chị không có ý định nấu ăn. Anh tôi thấy vậy thì nhắc nhở. Ngay trước mặt tôi, chị dâu to tiếng với chồng. Anh cả vốn là người sợ vợ, vì chị dâu đã nói lời này nên anh cả không thể phản bác được gì nên chỉ có thể im lặng.
Chứng kiến cảnh này, tôi chào anh trai và chị dâu rồi rời đi. Trên đường về, tôi ngẫm nghĩ, câu nói xưa cũng không phải vô lý. Cha mẹ không còn thì con gái về nhà chỉ là khách. Khi cha mẹ còn thì gọi là nhà. Khi họ mất, nơi đó chỉ còn là nhà người thân.
Mỗi người đều có cuộc sống riêng của mình, vì vậy không nên lúc nào cũng làm phiền họ. Hãy sống cuộc sống của riêng bạn để đôi bên cùng thoải mái. Suy cho cùng, ai cũng có gia đình riêng cần chăm sóc, không thể cố chấp để rồi gây ra những tranh cãi không đáng có.
Theo Sohu