Mẹ lôi xềnh xệch con ra giữa phố, cắt tóc thị uy để con biết nghe lời: Dạy dỗ chưa thấy, chỉ khiến con tổn thương tinh thần cả đời

Ứng Hà Chi |

Trẻ em chưa có suy nghĩ thấu đáo như người lớn. Do đó, trẻ dễ có những hành động sai lầm. Những lúc như thế, cha mẹ không nên dùng đòn roi, cũng không quá nuông chiều hay phớt lờ con.

Giáo dục con cái luôn là vấn đề lớn của các bậc cha mẹ. Nếu quản lý con quá lỏng có thể khiến con đi sai đường, nhưng nếu quá nghiêm khắc sẽ khiến con bị tổn thương. Cách đây không lâu, trên mạng xã hội lan truyền những bức ảnh dạy con có phần cực đoan của một người mẹ.

Theo đó, một bà mẹ ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) đã bắt con gái quỳ ngoài đường rồi dùng kéo cắt đi mái tóc. Cô bé khoảng 13, 14 tuổi phải hứng chịu cơn thịnh nộ từ mẹ trước ánh mắt dò xét của người qua đường. Được biết, vì thấy con không nghe lời nên người mẹ đã phạt theo cách đó, với mục đích dọa cho con sợ, không dám tái phạm.

Tuy nhiên, đây là cách xử lý tiêu cực. Trẻ tuổi vị thành niên thường có lòng tự trọng cao, đặc biệt coi trọng ngoại hình. Nhưng người mẹ đã hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của con gái.

 Mẹ lôi xềnh xệch con ra giữa phố, cắt tóc thị uy để con biết nghe lời: Dạy dỗ chưa thấy, chỉ khiến con tổn thương tinh thần cả đời  - Ảnh 1.

Người mẹ cho rằng áp dụng hình phạt nặng sẽ khiến con không bao giờ dám tái phạm.

Lúc đầu, cô bé còn cố gắng phản kháng nhưng sau chốc lát thì bất lực ngồi im dưới đất, ánh mắt vô hồn, mặc kệ mẹ. Rõ ràng, đây không phải là giáo dục mà là đang xúc phạm đến danh dự, lòng tự trọng và làm tổn thương tâm lý của con.

Có một câu chuyện khác như sau: Một đứa trẻ 4 tuổi phạm lỗi, bị mẹ mắng trước mặt các bạn. Tối hôm đó, khi đang nằm cạnh mẹ, đứa trẻ thủ thỉ tâm sự: "Mẹ đừng mắng con ở bên ngoài được không?".

Một đứa trẻ 4 tuổi đã có lòng tự trọng và biết quan tâm đến thể diện của mình như vậy, nói gì đến một đứa trẻ đang trong độ tuổi mới lớn. Vậy với phương pháp tiêu cực trên của người mẹ, liệu đứa trẻ có trở nên ngoan ngoãn, nghe lời?

5 cách dạy con nghe lời không cần đòn roi

1. Hãy đặt mình vào vị trí của con để thấu hiểu

Theo lẽ thường tình, chúng ta không thể hiểu được người khác đang nghĩ gì nếu không ở trong hoàn cảnh của họ. Vì vậy, việc quan trọng đầu tiên mà cha mẹ cần làm là luôn đặt mình vào vị trí của con trong mọi tình huống để biết con đang mong muốn điều gì, tại sao con lại cư xử như vậy?

Đây chính là phương thức cần thiết để cha mẹ có thể trở thành người bạn đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ với con. Từ đó, cha mẹ sẽ tìm ra các cách thức khuyên răn con.

 Mẹ lôi xềnh xệch con ra giữa phố, cắt tóc thị uy để con biết nghe lời: Dạy dỗ chưa thấy, chỉ khiến con tổn thương tinh thần cả đời  - Ảnh 2.

Việc đầu tiên trong quá trình giáo dục là cha mẹ cần đặt bản thân vào vị trí của con. (Ảnh minh hoạ)

2. Hãy trả cho con sự tự do

Có rất nhiều cha mẹ giữ tư tưởng độc đoán rằng con phải nghe lời mình thì mới nên người. Theo đó, các bậc phụ huynh có toàn quyền lên lịch cho tương lai của con và bắt buộc con phải làm theo ý mình.

Nhưng giữa cha mẹ và con cái luôn tồn tại một khoảng cách thế hệ không thể xóa bỏ. Có những điều là kỳ vọng của cha mẹ nhưng lại không phải là mong muốn của con cái. Cách dạy con nghe lời lúc này là trả cho con sự tự do mà con muốn.

Chính trẻ mới là người đưa ra quyết định sau cùng về tương lai và cuộc sống của mình. Cha mẹ chỉ nên đưa ra đóng góp ý kiến và sự chia sẻ cần thiết với tư cách là người đồng hành tin cậy. Khi cha mẹ thấy con đi sai đường thì hãy khéo léo nhắc nhở, thay vì trách móc.

Đây chính là việc trả sự tự do đúng nghĩa, đúng cách mà vẫn đảm bảo con nằm trong tầm kiểm soát của cha mẹ.

3. Tôn trọng ý kiến của con

Cha mẹ nên lắng nghe con nói, tiếp thu ý kiến và thể hiện thái độ tôn trọng nhất đối với những gì mà con chia sẻ. Quá trình đó sẽ khiến con cảm thấy được tôn trọng, yêu thương.

Ngoài ra, việc hỏi thăm ý kiến còn giúp con phát huy được khả năng sáng tạo bằng cách vận động trí não không ngừng. Điều này rất tốt cho sự phát triển lâu dài của con.

 Mẹ lôi xềnh xệch con ra giữa phố, cắt tóc thị uy để con biết nghe lời: Dạy dỗ chưa thấy, chỉ khiến con tổn thương tinh thần cả đời  - Ảnh 3.

Cha mẹ cần học cách tôn trọng ý kiến của con. (Ảnh minh họa)

4. Xử lý đúng cách khi con phạm sai lầm

Trẻ em chưa có suy nghĩ thấu đáo như người lớn. Do đó, trẻ dễ có những hành động sai lầm. Những lúc như thế, cha mẹ không nên dùng đòn roi, cũng không quá nuông chiều hay phớt lờ con.

Việc cha mẹ cần làm lúc này là hỏi con lý do vì sao làm như vậy bằng một thái độ bình tĩnh, ôn hoà. Sau khi hiểu được nguyên nhân sâu xa, cha mẹ hãy phân tích để con biết mình sai ở đâu. Đây là cách giúp trẻ giảm được tính bướng bỉnh và ương ngạnh, rèn luyện thái độ nhìn nhận mọi việc một cách đúng đắn.

5. Hãy làm gương cho con

Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu tốt nhất cho con học tập theo. Chỉ khi nào cha mẹ có lời nói và hành động tốt mới có thể dạy con nghe lời. Đó là lý do vì sao các chuyên gia tâm lý luôn khuyên bậc phụ huynh cần có lối sống và lối sinh hoạt lành mạnh khi nuôi dạy trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại