Mẹ để lại hơn 10 tỷ cho 3 anh em nhưng chị dâu muốn chia phần cho cả cháu: Tôi phải làm sao?

Nhất Lưu |

Người đàn ông cảm thấy “khó xử” khi đứng trước “áp lực tình thân”. Liệu có nên chia thừa kế cho các cháu?

Mẹ để lại hơn 10 tỷ cho 3 anh em nhưng chị dâu muốn chia phần cho cả cháu: Tôi phải làm sao? - Ảnh 1.

Một người đàn ông giấu tên ở Mỹ vừa chia sẻ câu chuyện phân chia tài sản của gia đình mình. Được biết, anh có một người anh trai và một chị gái.

Khi người mẹ qua đời tại Arizona, bà để lại cho ba anh em một ngôi nhà và 20.000 USD trong tài khoản ngân hàng. Bất động sản đó nhanh chóng được bán với giá 420.000 USD. Vì vậy, tổng khối tài sản người mẹ để lại lên tới 440.000 USD (khoảng 10,3 tỷ đồng).

Người mẹ không để lại di chúc nên họ nhanh chóng ra tòa để tiến hành phân chia. Ban đầu, 3 anh em không có bất đồng căng thẳng và dự định chia mọi thứ làm ba. Tuy nhiên, chị dâu của người đàn ông cho rằng, con cái của họ cũng xứng đáng được chia một phần.

Được biết, người anh trai có 5 đứa con và chị gái có 3 đứa. “Tôi không có con và họ nói rằng tôi có thể nhận 58.000 USD từ tổng số tài sản. Nếu không, thậm chí sẽ chẳng có gì cả. Tôi không biết làm thế nào là đúng, liệu tôi có nên nhận tiền hay không”, người đàn ông chia sẻ.

Mẹ để lại hơn 10 tỷ cho 3 anh em nhưng chị dâu muốn chia phần cho cả cháu: Tôi phải làm sao? - Ảnh 2.

Sau khi nghe câu chuyện của người đàn ông này, chuyên gia tư vấn nói rằng luật pháp sẽ đứng về phía anh.

Theo luật của Arizona, khi một người qua đời mà không để lại di chúc thì vợ/chồng của người đã khuất sẽ được hưởng mọi thứ, ngay cả khi họ có con cái. Nếu có con và không có vợ hoặc chồng thì con cái sẽ thừa hưởng tất cả. Luật không đề cập đến phân chia tài sản cho thế hệ thứ ba, chỉ khi những người con không còn sống, các cháu mới có quyền thừa kế.

Vì vậy, theo chuyên gia, anh chị của người đàn ông đang “tận dụng” mối quan hệ gia đình cũng như “tình cảm chú-cháu” để buộc anh phải giảm khoản thừa kế từ 147.000 USD xuống còn 58.000 USD (mất khoảng 89.000 USD).

Nhưng cả về tình và lý, điều này là không đúng. Người đàn ông không cần phải chia cả tài sản cho những đứa cháu của mình. “8 đứa trẻ nên nhận tiền thừa kế từ cha mẹ chúng chứ không phải bạn”, chuyên gia nhận định.

Bên cạnh đó, công ty luật Berk Law Group ở Scottsdale, Arizona cho rằng dù người đàn ông có chấp nhận yêu cầu của anh chị mình cũng khó có thể “gỡ rối” mối quan hệ này. Bởi lẽ, họ đã định giá “tình cảm” bằng 89.000 USD và điều đó chẳng thể thay đổi.

Phía công ty luật khẳng định nếu người đàn ông không có con cho đến lúc qua đời, đồng thời không có di chúc thì những cháu gái và cháu trai này mới được thừa kế tài sản của anh, hoặc gián tiếp bằng cách thừa kế tài sản đó từ cha mẹ của họ - những người sẽ nhận được tài sản khi người đàn ông qua đời.

Trường hợp khác, nếu anh chị của người đàn ông qua đời, anh cũng không có con, không có di chúc cho đến lúc mất thì các cháu sẽ nhận thừa kế từ người chú một cách trực tiếp.

Thứ ba, nếu họ quá “dồn ép” người đàn ông, có thể anh sẽ lập di chúc ngay bây giờ và quyền thừa kế trong các trường hợp trên sẽ “tan thành mây khói”. Hoặc trong tương lai, nếu người đàn ông có con thì các giả định trên sẽ không được thiết lập.

Vì vậy, công ty luật đưa ra lời khuyên rằng người đàn ông nên làm những gì anh cho là đúng đắn chứ không nên đưa ra quyết định từ “áp lực tình thân”. Hãy phân tích “nhược điểm” của cả 2 lựa chọn “cho hay không” để có hành động đúng đắn nhất.

Tham khảo MarketWatch

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại