Mẹ đảm ở Hà Nội chia sẻ 7 mẹo giúp gia đình tối giản chi tiêu

Hồng Nhung |

Áp dụng cách chi tiêu khoa học, "nói không" với ăn uống ngoài hàng, mua đồ sale hoặc đồ trưng bày... đã giúp chị Thanh Ly giải quyết được bài toán kinh tế trong thời điểm bão giá.

Chưa khi nào, chị em cầm tiền ra chợ lại cảm thấy cháy ví như giai đoạn bão giá cao điểm vừa qua. Vừa trải qua 2 năm dịch căng thẳng, thu nhập nhiều ngành nghề sa sút. Cuộc sống bắt đầu bình thường trở lại cũng là lúc giá cả tăng cao.

Chẳng có cách nào khác, chị Thanh Ly (một bà nội trợ đang sống tại Hà Nội) phải tự "thắt chặt" chi tiêu so với trước đây. Chị Ly có một số nguyên tắc để tối giản chi tiêu mà bản thân vẫn thực hiện và áp dụng trong thời kỳ bão giá thấy hiệu quả.

Mẹ đảm ở Hà Nội chia sẻ 7 mẹo giúp gia đình tối giản chi tiêu - Ảnh 1.

Chị Thanh Ly (Hà Nội) phải tự "thắt chặt" chi tiêu khi bão giá. Ảnh: NVCC.

1. Sử dụng thực phẩm vừa đủ, tránh lãng phí

Nhiều khi, bữa cơm của gia đình chỉ cần một bát canh ngon và đĩa rau luộc. Chị Thanh Ly cũng rất quan tâm đến thức ăn cho các con nhưng cũng không quá cầu kì. Bữa hôm nay có thể ăn tôm rang cùng thịt ba chỉ thì ngày hôm sau ăn canh cà bung nấu với thịt, đậu phụ.

Bữa thì ăn chả lá lốt kèm canh rau muống luộc dầm sấu, bữa lại ăn canh cua, canh xương nấu sấu, đậu phụ rán chấm mắm tỏi… Nói chung bữa cơm gia đình thường bao gồm một món mặn, một món canh và đĩa rau xào hoặc luộc.

Đồ uống thì thường là mua hoa quả, mùa nào thức nấy ở chợ. Thi thoảng sẽ là quả dừa tươi, nước cam, đỗ đen hay tào phớ... Nhà cũng luôn sẵn sấu ngâm đường, bột sắn dây để pha nước mát.

Chị Thanh Ly thường xuyên chuẩn bị đồ ăn mang đi làm để tiết kiệm tiền. Ảnh: NVCC.

2. Chỉ mua đồ mới thay thế cho đồ cũ đang dùng đã hỏng hẳn

Nhiều người thích thay thế đồ dùng trong nhà khi mới gặp trình trạng trục trặc. Nhưng gia đình chị Ly thì không như vậy. Chị sẽ chỉ mua đồ mới để thay thế cho đồ cũ đang dùng khi món đồ đó đã hỏng hẳn. Đây là quy tắc chị áp dụng để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Chị cũng nói không với việc mua "dự trữ" trước các món đồ trong nhà với số lượng nhiều trừ khi đó là đồ cần phục vụ cho vấn đề an toàn sức khoẻ.

Đặc biệt, những đồ vẫn còn có thể sửa chữa được để dùng tiếp thì sẽ sửa. Bằng việc đóng lại, khâu lại, vá lại, dán lại, thay thế phụ tùng, sửa lại... những món đồ này thì gia đình có thể để dùng tiếp, hạn chế mua đồ mới tốn kém thêm.

Chị Thanh Ly dùng chính nồi cơm để đồ xôi và nấu các món hầm. 1 sản phẩm mà đa chức năng nếu khéo léo sử dụng. Ảnh: NVCC.

3. Ưu tiên mua đồ có chất lượng tốt bền vững

Tiêu dùng nhanh không phải là phương án chị Thanh Ly lựa chọn cho lối sống của gia đình. Mà ngược lại, dù đắt đỏ hơn nhưng chị ưu tiên mua về những món đồ có chất lượng tốt và bền vững. Những đồ dùng này giá có thể cao nhưng chất lượng dùng được lâu dài không phải thay mới trong thời gian ngắn. Như vậy sẽ tốt hơn là các đồ rẻ chỉ dùng được vài lần đã hỏng phải bỏ đi. Tính toán thời gian sử dụng lâu dài thì vẫn là một món đồ mang tới giá trị cho cuộc sống, lại bảo vệ môi trường.

Chị Ly ưu tiên mua về những món đồ có chất lượng tốt và bền vững. Ảnh: NVCC.

4. Lựa chọn sử dụng những dịch vụ có mức giá vừa phải

Ngoài các khoản chi tiêu cố định cần an toàn cho sức khỏe và thực phẩm ăn uống, chị lựa chọn sử dụng những sản phẩm, dịch vụ ở mức giá vừa phải và vẫn có công dụng như nhau.

Ví dụ lúc trước gia đình chị dùng viên giặt của Nhật thì bây giờ chuyển sang dùng nước giặt 3 in 1 tích hợp nước xả của Việt Nam với mức giá chỉ bằng 1/3 viên giặt Nhật. Chị cũng cắt luôn phần nước xả và quần áo vẫn sạch sẽ thơm tho.

Chị Thanh Ly lựa chọn đi tàu cao tốc trên cao để vừa thoáng, chi phí rẻ hơn khi thời điểm xăng tăng giá. Ảnh: NVCC.

5. Tìm mua hàng sale hoặc hàng trưng bày

Khi cần phải thay một món đồ gì đó thì chị Thanh Ly sẽ tìm mua hàng đang được sale hoặc hàng trưng bày. Điều này được áp dụng đối với một số mặt hàng trưng bày không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Có thể chọn model cũ hơn các model đang thịnh hành nhưng công năng vẫn đáp ứng được nhu cầu của gia đình. Vậy là cũng tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá.

6. Tiết kiệm thiết bị điện trong gia đình

Nhiều gia đình đến tháng hè là hóa đơn điện tăng vù vù với lý do, trời nóng quá, bật điều hòa cả ngày lẫn đêm. Nhưng gia đình chị thường để nhiệt độ mùa hè từ 35 độ trở lên, buổi trưa mới bật điều hòa. Buổi tối sớm nhất là từ 9h đến khoảng 4-5h sáng là tắt, mở hé cửa sổ và bật quạt cho thoáng phòng.

7. Mua sắm quần áo tối giản, duy trì không gian thư giãn tại gia đình

Chị Thanh Ly chủ yếu ăn mặc đơn giản như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Ảnh: NVCC.

Về quần áo chị Thanh Ly khá ưng các thiết kế tối giản, kiểu dáng và màu sắc đơn giản thanh lịch, không nhiều chi tiết họa tiết rườm rà, giá cả cũng vừa phải và chất lượng quần áo dùng tốt và bền. Một chiếc áo có thể phối hợp thành nhiều outfit khác nhau cho các ngày trong tuần. Chủ yếu ăn mặc đơn giản như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.

Nhiều năm nay, chị vẫn giữ thói quen mua sắm quần áo theo mỗi mùa. Chị mua đồ mặc nhà, đồ đi chơi cho mình và các con chỉ vài bộ. Giầy dép cũng thế, chỉ 2-3 đôi dùng đi học và đi chơi. Ngoài ra chị di chuyển tới các nơi làm việc cũng như đi chơi bằng phương tiện công cộng như: xe bus, xe bus điện vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí.

"Có lẽ nhờ cách sống tối giản mà tôi vẫn cảm thấy duy trì đời sống vật chất và tinh thần ổn thỏa cho gia đình nhỏ của mình. Quan trọng nhất là mình lạc quan, luôn tìm cách cải thiện cuộc sống tốt hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, không bất mãn so sánh với mọi người xung quanh", chị Thanh Ly chia sẻ.

Mẹ đảm ở Hà Nội chia sẻ 7 mẹo giúp gia đình tối giản chi tiêu - Ảnh 7.

Góc thư giãn tại nhà rất chill lại tiết kiệm của chị Thanh Ly. Ảnh: NVCC.

Bài viết ghi lại theo chia sẻ của nhân vật

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại