Mẹ đã gỡ hết xương cá nhưng con 2 tuổi vẫn bị hóc nghẹn phải đi cấp cứu vì bộ phận không ngờ của con cá

TÚ CẦU |

Nguyên nhân con khó thở lại khiến cô khó thể tưởng tượng được. Con gái cô không hóc xương cá mà bị nghẹn bởi bộ phận khác của con cá.

Khi con bắt đầu tập ăn thô, cha mẹ ngoài việc phải chú ý đến cân bằng dinh dưỡng thì vấn đề hóc nghẹn cũng khiến cha mẹ đau đầu không kém. 

Nhất là ở những bé ăn nhai không tốt hoặc háu ăn, ăn quá vội vàng, chuyện hóc thức ăn có thể xảy ra "như cơm bữa".

Mới đây một bé gái 2 tuổi tên Tiểu Điềm Điềm ở Trung Quốc đã phải nhập viện cấp cứu vì ăn cá. Cô bé háu ăn, có thể tự xúc ăn khá tốt vì thế mẹ Điềm Điềm hiếm khi phải thúc giục con ăn. Bé còn đặc biệt thích ăn cá. 

Nhưng ai cũng biết cá là một món ăn khá phiền phức cho trẻ nhỏ khi nó có nhiều xương nhỏ. Nếu mẹ không gỡ cẩn thận con rất dễ bị hóc xương cá.

Chính vì con gái thích ăn cá nên mẹ Điềm Điềm rất hay chế biến món cá với nhiều cách khác nhau cho con. Cô gỡ xương cá đặc biệt kỹ càng, thường chọn cá to và những loại cá ít xương dăm cho con ăn. 

Bữa ăn hôm đấy, sau khi gỡ xương cá cẩn thận thì cô để cá vào đĩa để con tự xúc. Vừa hay có điện thoại mẹ Điềm Điềm đứng dậy nghe máy.

Nào ngờ khi cô quay lại đã bắt gặp cảnh tượng hãi hùng khi con gái cô đang có biểu hiện khó thở do hóc nghẹn thức ăn.

Mẹ đã gỡ hết xương cá nhưng con 2 tuổi vẫn bị hóc nghẹn phải đi cấp cứu vì bộ phận không ngờ của con cá - Ảnh 1.

Mẹ bé lập tức đưa con vào bệnh viện. (Ảnh minh họa)

Cô vội vàng thực hành những biện pháp sơ cứu cho con nhưng không có tác dụng. 

Người mẹ này lập tức đưa con vào bệnh viện, cũng may con gái cô sau đó được các bác sĩ cứu chữa kịp thời. Nhưng nguyên nhân con khó thở lại khiến cô khó bề tưởng tượng được. 

Con gái cô không hóc xương cá mà bị nghẹn bởi bộ phận khác của con cá. Đó là bong bóng cá!

Mẹ Điềm Điềm nhớ lại, con cá cô mua khá to nên cái bong bóng cũng khá lớn. Cô nghĩ bộ phận ấy mềm mại sẽ chẳng gây hại gì, cũng quên luôn việc cắt nhỏ nó. 

Nhưng bong bóng cá lại dai, do khả năng nhai của bé còn kém, bé không nhai nhỏ được mà nuốt cả miếng to thành ra bị nghẹn.

Qua câu chuyện trên chúng ta có thể thấy, mọi phương diện ở trẻ nhỏ đều còn rất yếu ớt và mỏng manh. Trẻ có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, với những thứ tưởng chừng như chẳng có ảnh hưởng gì.

Để hạn chế tối đa vấn đề hóc nghẹn khi ăn ở trẻ, cha mẹ phải lưu ý:

Không để trẻ vừa ăn vừa chơi

Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ vừa ăn vừa chơi đồ chơi, xem điện thoại là bình thường miễn sao trẻ hoàn thành bữa ăn. Thực tế vừa ăn vừa chơi khiến trẻ không tập trung vào bữa ăn, còn tạo nên thói quen xấu trong ăn uống. 

Nghiêm trọng hơn, điều đó khiến trẻ dễ bị hóc nghẹn hơn. Cha mẹ cũng cần làm tấm gương tốt cho con noi theo khi chính bản thân cha mẹ cần phải bỏ điện thoại ra khỏi bàn ăn trước.

Mẹ đã gỡ hết xương cá nhưng con 2 tuổi vẫn bị hóc nghẹn phải đi cấp cứu vì bộ phận không ngờ của con cá - Ảnh 2.

Không nên giục giã trẻ ăn nhanh

Cha mẹ khi thấy trẻ ăn chậm sẽ có thói quen giục trẻ ăn nhanh lên hoặc rủ trẻ chơi trò thi xem ai ăn nhanh hơn. 

Điều đó thật sự không tốt chút nào. Thứ nhất, khả năng tiêu hóa của trẻ còn hạn chế, ăn nhanh nhai không kĩ khiến trẻ khó tiêu. 

Thứ hai, nó có thể tăng nguy cơ trẻ bị hóc nghẹn do chưa nhai đã nuốt. Cha mẹ phải dạy con nhai kỹ trước khi nuốt và cho con đủ thời gian để trẻ hoàn thành bữa ăn.

Không bắt trẻ ăn khi trẻ đang khóc

Đã có trường hợp trẻ bị mẹ ép ăn cháo khi đang khóc dẫn đến ngạt thở và tử vong được ghi nhận. Điều đó cho thấy việc cho trẻ ăn khi trẻ đang khóc nguy hiểm thế nào. 

Hành động ấy của cha mẹ dễ làm thức ăn rơi vào khí quản, chặn đường thở của trẻ. Hãy dỗ trẻ ngừng khóc và để trẻ bình tĩnh lại trước khi cho trẻ ăn. 

Thậm chí là khi trẻ đang cười cũng vậy, cha mẹ không được cho trẻ ăn với lý do tương tự như khi trẻ đang khóc.

Mẹ đã gỡ hết xương cá nhưng con 2 tuổi vẫn bị hóc nghẹn phải đi cấp cứu vì bộ phận không ngờ của con cá - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại