Bài viết của tác giả Lý Thu Nhạn trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Thời điểm cuối năm, vợ chồng tôi đều đã được nghỉ Tết nhưng lại không có ý định về quê, thậm chí vé tàu cũng mới được trả lại. Khi mọi người nô nức dọn hành lý, xách vali ra ga tàu, lên máy bay thì chúng tôi lại dọn dẹp nhà cửa để đón cái Tết đầu tiên tại thành phố.
Tối qua mẹ chồng tôi gọi điện hỏi khi nào về quê, chồng tôi chỉ nói năm nay sẽ không về do thời gian nghỉ quá ngắn. Câu trả lời khiến mẹ chồng vô cùng sửng sốt, cố thuyết phục nhưng không được nên lại gọi riêng cho tôi. Lúc này tôi cũng thật thà đáp lại rằng mỗi lần về quê ăn Tết với hai vợ chồng “như một cuộc chiến”, vất vả mệt mỏi quá nên chúng tôi quyết định ở lại thành phố năm nay.
Mẹ chồng tức giận nói: “Không muốn thì đừng về” rồi cúp máy. Vợ chồng tôi đều cảm nhẹ nhõm hơn nhiều. Sẽ có nhiều người thắc mắc vì sao đi làm xa cả năm như vậy, có mỗi dịp Tết để đoàn tụ gia đình lại không muốn về. Thực tế không phải chúng tôi không nhớ nhà hay bất hiếu, chỉ là một số chuyện trong dịp Tết năm ngoái khiến cả hai vợ chồng đều ngao ngán khi nghĩ đến chuyện trở về.
Tết người làm không hết việc, người thì dửng dưng
28 Tết năm ngoái vợ chồng tôi mới về quê chưa kịp nghỉ ngơi mẹ chồng đã vội giục: “Nhanh cất hành lý rồi ra đây, còn nhiều việc lắm”. Mẹ nói chúng tôi lên thị trấn mua câu đối Tết và trà bánh chiêu đãi khách tới chơi sau đó về giặt giũ, lau dọn hết đồ đạc trong nhà trước khi sang năm mới.
Làm hết việc được giao, cả 2 vợ chồng đều mệt đến mức choáng váng. Chồng tôi bày tỏ thắc mắc vì sao anh trai và chị dâu có nhiều thời gian ở nhà nhưng lại đợi chúng tôi về mới dọn dẹp, mua sắm. Anh chồng không đưa ra được lý do nào, chỉ nói gần Tết đừng chấp chuyện nhỏ nhặt để không khí gia đình hòa thuận.
Thực tế đây không phải chuyện diễn ra 1 năm mà gần như Tết nào vợ chồng tôi cũng “đầu tắt mặt tối” trong khi gia đình anh chồng lại dửng dưng. Thế nhưng chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng bỏ qua để đón Tết vui vẻ hơn. Chỉ đến mùng 4 Tết năm ấy, vợ chồng tôi mới cảm thấy tức giận đến mức không muốn về quê.
Mâu thuẫn “bùng lên” sau một bữa cỗ
Chuyện là bố chồng mời họ hàng đến nhà ăn cỗ, chúng tôi cũng rất sẵn lòng chuẩn bị chu đáo đón khách tới chơi. Từ sáng sớm 2 vợ chồng lên thị trấn nhưng vẫn không kịp mua đủ nguyên liệu bố dặn, kết quả là bị ông mắng té tát ngay trước nhà. Chúng tôi tất tả đi tìm mua thêm cả quà cho khách, về đến nhà là 10h sáng thì anh chồng mới thức dậy, uể oải ra sofa xem tivi.
Bận rộn cả sáng nhưng đến trưa người đứng bếp vẫn là tôi và chồng, không có ai giúp sức thêm vì mẹ chồng nói bà không khỏe, bố vốn không biết nấu ăn còn anh chồng đã đi chơi ở đâu đó. Vì ít người lại nhiều việc nên dẫn đến sai sót một con cá còn vảy không cạo sạch, lông ngỗng cũng chưa được xử lý kỹ lưỡng.
Bố mẹ chồng nhìn thấy liền tỏ ra không hài lòng, may mắn họ hàng đều khen các món ăn ngon vừa miệng, sắc mặt ông bà mới khá hơn. Xong bữa ăn vợ chồng tôi vẫn chưa được nghỉ ngơi mà phải dọn rửa bát đĩa, lau sạch nhà cửa, tiễn họ hàng ra về. Vậy mà bố mẹ chồng tôi vẫn không hài lòng, phàn nàn đồ ăn lên chậm, quà tặng không đủ.
Chồng tôi bình thường rất ít khi cãi lời bố mẹ nhưng lần này anh cũng không nhịn được mà lên tiếng: “Chúng con vất vả cả ngày vẫn bị trách mắng trong khi anh và chị dâu đã ở đâu hôm nay?”. Lời nói của anh khiến bố chồng sững người nhưng vẫn to tiếng khẳng định con không được cãi lời bố, em phải phải biết giúp đỡ anh chị.
Tối hôm đó hai bố con cãi nhau rất lâu, cuối cùng vợ chồng tôi lên thành phố ngay sáng sớm hôm sau. Mâu thuẫn đến năm nay vẫn chưa được giải quyết vì không bên nào chịu “xuống nước” làm hòa. Kết quả là chồng chủ động bàn với tôi việc Tết này trả vé tàu, không về quê nữa để dành thời gian hiếm hoi trong năm để nghỉ ngơi thay vì cứ mãi tất bật với việc nhà cửa cho bố mẹ và anh chị.
Nếu Tết năm sau sẵn sàng chúng tôi vẫn sẽ trở về, chỉ mong tất cả các thành viên trong gia đình đều nỗ lực và san sẻ trách nhiệm với nhau. Như vậy ai cũng có thể tận hưởng không khí đón năm mới vui vẻ thay vì cảm giác nặng nề như những Tết vừa qua của vợ chồng tôi.