Mẹ bại liệt, bố tâm thần, phải nhặt rác kiếm sống, con trai làm nên 'kỳ tích'

Hiểu Đan |

Sự xuất sắc của cậu con trai không chỉ nhờ vào nghị lực và bản lĩnh của bản thân mà còn do phương pháp dạy con độc đáo của người mẹ.

Mẹ bị bại liệt, bố bệnh tâm thần, cả gia đình sống trong căn nhà đất dột nát. Để trang trải nợ nần, họ chỉ biết đi nhặt vải vụn, thu gom phế phẩm. Sống trong hoàn cảnh như vậy, nam sinh Bàng Chúng Vọng (Trung Quốc) đã đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, đậu vào Đại học Thanh Hoa - một trong những trường đại học hàng đầu châu Á.

Sự xuất sắc của Bàng Chúng Vọng không chỉ nhờ vào nghị lực và bản lĩnh của bản thân mà còn do người mẹ đã cho con nền giáo dục gia đình quý giá.

Mỗi đau khổ là một cơ hội để trưởng thành

Bà Chí Cần - mẹ của Bàng Chúng Vọng bị tật nứt đốt sống bẩm sinh, hai chân bị cụt. Cha em bị tâm thần, chỉ có thể làm việc bán thời gian với những người cùng làng khi tỉnh táo. Thu nhập hàng năm chỉ từ 4 đến 5 nghìn nhân dân tệ (khoảng hơn 13 triệu đồng). Ông thậm chí còn phải nhặt rác để nuôi sống gia đình.

Bà Chí Cần cũng tự đi làm một số công việc chân tay đơn giản để phụ giúp chồng. Nhưng không may, năm 5 tuổi, cậu con trai bị chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh. Cuộc sống vốn đã khó khăn, làm sao có tiền để phẫu thuật?

Mẹ bại liệt, bố tâm thần, phải nhặt rác kiếm sống, con trai làm nên kỳ tích - Ảnh 1.

Mẹ Bàng Chúng Vọng bị bại liệt, bố bệnh tâm thần, cả gia đình sống trong căn nhà đất dột nát

Nhưng Chí Cần chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, theo quan điểm của cô: khi đau khổ đến, thay vì ngồi than van, hãy bình tĩnh đón nhận và nỗ lực giải quyết. Vì vậy, Chí Cần đã nhờ cậu con trai của mình đẩy xe lăn đi vay tiền từng nhà, cuối cùng có đủ tiền cho ca phẫu thuật. Bàng Chúng Vọng được chữa khỏi, nhưng tình hình kinh tế của gia đình ngày càng tồi tệ.

Điều khiến nhiều người ngưỡng mộ là bà mẹ không bao giờ than vãn với con rằng phải cố gắng học hành chăm chỉ vì nhà quá nghèo. Thay vào đó, khi nhìn thấy những đứa trẻ cùng tuổi có đồ ăn vặt và đồ chơi mà con không có, bà khuyên con có thể nhặt chai nhựa và bìa cứng để bán, sau khi có tiền sẽ mua được thứ mình thích.

"Con phải giải quyết vấn đề đang đối mặt, rồi chuyển sang vấn đề tiếp theo". Đây là chân lý đầu tiên mà Bàng Chúng Vọng học được từ nghèo khó và đau khổ.

Vì vậy, sau này dù gặp khó khăn trong cuộc sống hay học tập, Bàng Chúng Vọng đều giải quyết chúng từng bước một cách thực tế. Chính nhờ thói quen đối mặt trực tiếp với vấn đề mà cậu có thể rút ra sức mạnh và bài học từ mọi vấn đề.

Luôn mỉm cười là vũ khí của sự trưởng thành

Bàng Chúng Vọng học hành chăm chỉ trong giờ học và nhặt phế liệu để phụ giúp gia đình sau khi tan học. Những ngày bận rộn như vậy kéo dài cho đến khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học.

Ai cũng cho rằng, càng trải qua những ngày khó khăn, nụ cười trên khuôn mặt cậu sẽ ngày càng ít đi. Đồng thời, Bàng Chúng Vọng sẽ vô cùng mệt mỏi, có chút tự ti. Nhưng cậu bé 16 tuổi vẫn đứng giữa khoảng sân trống với nụ cười tỏa nắng trên môi và sự tự tin, kiên định trong ánh mắt. Nhìn lại từng bức ảnh khi lớn lên, nụ cười của Bàng Chúng Vọng luôn bình thản, không phải "diễn" để chụp ảnh mà là niềm vui từ trái tim.

Cậu nói trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không nghĩ gia đình mình có gì đáng để bàn luận. Mẹ tôi rất tốt, ông bà của tôi rất tốt và mọi thành viên trong gia đình tôi đều tốt như vậy. Tôi cảm thấy những người khác nên ghen tị với gia đình tôi".

Khả năng quản lý cảm xúc tốt của Bàng Chúng Vọng cũng học từ mẹ mình, như chính cậu ấy đã nói: "Dù cuộc sống có vất vả đến đâu, nhưng trong ấn tượng của tôi, mẹ ít khi cau mày mà luôn nở nụ cười. Bởi vì mẹ cười mỗi ngày, tại sao tôi phải cảm thấy khó chịu, đó là sự di truyền tuyệt vời của mẹ".

Áp lực cuộc sống, bệnh tật dày vò, làm sao không có lúc buồn, chỉ là người mẹ không muốn thể hiện ra trước mặt con mà thôi. Vì vậy, con trai chị cũng sẽ mỉm cười đối mặt với mọi thứ trong cuộc sống, bất kể tốt hay xấu, đều có dũng khí nhìn về phía trước.

Giả "yếu đuối" hơn con là cái khôn của mẹ

Không phải điều kiện kinh tế ảnh hưởng nhiều nhất đến tính tự lập của trẻ mà chính là "chỉ số thông minh" của cha mẹ. Khi Bàng Chúng Vọng còn rất nhỏ, cậu đã chứng kiến mẹ mình bị bệnh tật. Khi đó, đứa trẻ này vốn vẫn chưa biết làm gì, người mẹ nói với con: "Vậy thì con có thể dỗ mẹ".

Vì vậy, từ 2 hoặc 3 tuổi, Bàng Chúng Vọng đã gánh vác "trách nhiệm nặng nề" là dỗ dành mẹ. Cậu sẽ kể cho mẹ nghe những câu chuyện thú vị và sẽ chủ động đảm nhận việc nhà để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Khi Bàng Chúng Vọng học trung học cơ sở, mẹ cậu phải nhập viện vì ốm. Bố không thể chăm sóc người khác, vì vậy cậu một tay chăm mẹ, vừa phụ giúp việc vặt ở quán ăn cạnh bệnh viện kiếm thêm thu nhập. Quả thực là vất vả nhưng Bàng Chúng Vọng cảm thấy rất hạnh phúc vì có thể chăm sóc mẹ, vì cuối cùng cậu cũng đã trưởng thành.

Mẹ bại liệt, bố tâm thần, phải nhặt rác kiếm sống, con trai làm nên kỳ tích - Ảnh 2.

Hôm nay, đã 5 năm kể từ khi Bàng Chúng Vọng vào Đại học, giờ cậu đã có bằng tiến sĩ.

Cách làm của mẹ Bàng Chúng Vọng không chỉ rèn luyện được tính tự chăm sóc, tự lập cho con mà còn trau dồi được tinh thần trách nhiệm. Đặc biệt, bà khiến con không thấy mình vô dụng, dù nhỏ nhưng vẫn có thể đóng góp cho gia đình. Chỉ khi cha mẹ cho con nhiều cơ hội thể hiện bản thân, con mới trưởng thành tốt và dễ dàng xây dựng sự tự tin.

Bàng Chúng Vọng dù sống ở quê, dù không ai hướng dẫn chuyên ngành học ở trường đại học nhưng cậu luôn biết rõ mình yêu thích điều gì. Trước khi nhập học, cậu đã biết về chương trình vừa học vừa làm của Thanh Hoa, thậm chí còn có kế hoạch học cao học.

Hôm nay, đã 5 năm kể từ khi Bàng Chúng Vọng vào đại học, giờ cậu đã có bằng tiến sĩ tuyển thẳng (không cần thông qua trình tự các học vị như cử nhân và thạc sĩ), tập trung vào chuyên ngành mình yêu thích. Chỉ đáng tiếc, một năm trước khi Bàng Chúng Vọng tốt nghiệp đại học, mẹ cậu không may qua đời, cuối cùng vẫn không thể nhìn thấy con trai khoác lên mình tấm áo cử nhân đáng tự hào.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại