MB báo lãi gần 18.200 tỷ sau 9 tháng, tiền gửi không kỳ hạn giảm

Quang Hưng |

Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong 3 quý vừa qua nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi nói chung vẫn tăng trưởng tốt, đi cùng việc cắt giảm gần 26% chi phí dự phòng rủi ro.

Lợi nhuận 9 tháng tăng hơn 53%

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với lợi nhuận hợp nhất nhất trước thuế đạt 6.296 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của MB đạt 18.192 tỷ đồng, tăng 53,1%.

Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong 3 quý vừa qua nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi nói chung vẫn tăng trưởng tốt, đi cùng việc cắt giảm gần 26% chi phí dự phòng rủi ro xuống còn 4.462 tỷ đồng. Riêng quý III, chi phí dự phòng của MB giảm gần một nửa, còn 962 tỷ đồng.

Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính mang về cho ngân hàng 26.394 tỷ đồng trong 9 tháng vừa qua, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần tư kinh doanh ngoại hối cũng tăng mạnh 46,5%, lên 1.340 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ các hoạt động dịch vụ, chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư và góp vốn đầu tư dài hạn, hoạt động kinh doanh khác đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, thu nhập hoạt động trong 9 tháng của MB đạt 33.841 tỷ, tăng 26,2% nhờ sự bứt tốc của thu nhập lãi thuần. Sau khi trừ chi phí hoạt động, ngân hàng này lãi thuần 22.654 tỷ, tăng 26,5%.

Tiền gửi khách hàng giảm gần 19.800 tỷ trong quý III

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản MB tăng 8,2% lên 656.804 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 17,2% đạt 426.233 tỷ đồng.

Sau 9 tháng đầu năm, nợ xấu của MB tăng thêm 1.147 tỷ đồng, lên 4.415 tỷ đồng. Qua đó đưa tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 0,9% hồi đầu năm lên 1,04% tại thời điểm 30/9.

Tiền gửi khách hàng của MB bất ngờ giảm 7.547 tỷ đồng (gần 2%) so với đầu năm, xuống còn hơn 377.145 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, MB ghi nhận số dư tiền gửi khách hàng sụt giảm trong kỳ báo cáo.

Trước đó, tiền gửi khách hàng của ngân hàng đã tăng 12.218 tỷ trong nửa đầu năm, đạt gần 396.910 tỷ đồng. Như vậy, trong quý III vừa qua, tiền gửi khách hàng của MB đã giảm 19.765 tỷ đồng, tương đương gần 5%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm trên chủ yếu do tiền gửi không kỳ hạn giảm mạnh 18.705 tỷ đồng. Tương tự, tiền gửi vốn chuyên dùng và tiền ký quỹ cũng giảm lần lượt 1.289 tỷ và 484 tỷ đồng. Trong khi tiền gửi có kỳ hạn của MB tăng nhẹ hơn 713 tỷ đồng.

 MB báo lãi gần 18.200 tỷ sau 9 tháng, tiền gửi không kỳ hạn giảm  - Ảnh 1.

Liên quan đến hoạt động huy động tiền gửi của MB, ngày 27/10, ngân hàng này đã công bố biểu lãi suất huy động mới và điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động thêm 1-1,2%/năm tại hầu hết các kỳ hạn so với trước đó.

Cụ thể, đối với kỳ hạn 2-6 tháng, lãi suất của MB tăng lên mức kịch trần cho phép là 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng – 8 tháng tăng 1% lên 7,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 9-11 tháng tăng lên 7,7%/năm.

Các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng, 60 tháng có lãi suất lần lượt là 8%, 8,3%, 8,4% và 8,6%/năm, tăng khoảng 1,2% so với biểu lãi suất cũ.

Các khách hàng cá nhân tại chi nhánh thuộc Miền Trung và Miền Nam được áp dụng mức lãi suất cao hơn khoảng 0,1%. Theo đó, lãi suất huy động cao nhất ở khu vực này lên tới 8,7%/năm, dành cho kỳ hạn 60 tháng.

Đối với khoản tiền gửi không kỳ hạn, MB cũng đã tăng lãi suất lên 0,5%/năm, cao hơn trước 0,3%/năm. Đồng thời, nâng lãi suất kỳ hạn 1 tuần – 3 tuần lên mức tối đa 1%/năm, cao hơn trước 0,5%/năm.

Như vậy, hiện lãi suất niêm yết MB đã cao nhất trong các ngân hàng tư nhân lớn như SHB, ACB hay Sacombank và cao hơn khoảng 1%/năm so với nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại