May mắn gặp gỡ tỷ phú từng trò chuyện với Warren Buffett và Bill Gates, tôi rút ra được 8 bài học xương máu trong kinh doanh: Không phải cứ giàu là có cơ hội

LINH HÂN |

Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ các tỷ phú giàu có trên thế giới. Nhưng nếu gặp được, bạn sẽ thu về nhiều bài học quý giá hơn mình tưởng.

"Đã được 2 người. Còn 2666 người nữa".

Đó là những gì mà tôi đã nghĩ đầu tiên khi nhận được tin nhắn từ Bill Cummings. Vị doanh nhân này đã đọc được bài viết của tôi về ông trên một trang tin điện tử, nên quyết định liên lạc.

Cần phải nói thêm, Bill Cummings là 1 trong 2668 tỷ phú đang có mặt trên thế giới. Ông sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 2 tỷ USD.

Tôi từng có cơ hội phỏng vấn Bob Clark - một thành viên khác của CLB tiền tỷ này. Giờ đây, tôi lại may mắn được gặp gỡ một bộ óc tuyệt vời khác.

***

Bill Cummings từng làm qua một số công việc trước khi mua lại Old Medford Foods - một doanh nghiệp sản xuất nước trái cây - vào năm 1964. Ông đã gây dựng nó rồi bán nó vào năm 1970 để chuyển sang một lĩnh vực mới: bất động sản.

Sau đó, Cummings thành lập Cummings Properties - một công ty BĐS có trụ sở ở Boston (Mỹ). Danh mục BĐS của ông trải dài hơn 1 triệu m2 trên khắp 11 khu vực ngoại ô của thành phố.

Thành công trong lĩnh vực BĐS giúp Cummings trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, ông không nghĩ đó là thành tựu lớn nhất trong cuộc đời mình.

May mắn gặp gỡ tỷ phú từng trò chuyện với Warren Buffett và Bill Gates, tôi rút ra được 8 bài học xương máu trong kinh doanh: Không phải cứ giàu là có cơ hội - Ảnh 1.

Tỷ phú Bill Cummings và vợ

"Chẳng có gì tuyệt vời bằng việc quyên góp một số tiền lớn cho những tổ chức ý nghĩa. Khi nhận ra mình có nhiều tài sản hơn mức cần thiết, tôi và vợ đã thành lập Quỹ Cummings để làm từ thiện", ông chia sẻ.

Tính đến nay, Quỹ Cummings đã trao hơn 375 triệu USD cho các tổ chức phi lợi nhuận trong khu vực Boston.

Không chỉ quyên góp tiền, tỷ phú Cummings còn cho đi một thứ ý nghĩa khác: bí quyết để thành công trong kinh doanh.

1. Bắt đầu sớm

Khi còn học cấp ba, Cummings đã bắt đầu kiếm tiền từ những công việc đơn giản như lau cửa sổ, đạp xe bán kem,... Nhờ đó. ông có thêm nhiều kinh nghiệm quý giá.

"Bất kỳ công việc làm thêm hồi nhỏ nào cũng có thể mang lại lợi thế to lớn cho những người vừa mới bước chân vào thị trường lao động. Họ sẽ học được cách tự tin, đạo đức nghề nghiệp, ý thức trách nghiệm từ những công việc này và phát huy chúng trong tương lai", vị tỷ phú giải thích.

2. Rèn kỹ năng thương lượng

Sự nghiệp của Cummings bắt đầu khởi sắc từ thương vụ đàm phán để mua lại Old Medford Foods - một doanh nghiệp có tuổi đời 100 năm. Ông thành công nhờ áp dụng chiến lược: yêu cầu đối tác đưa ra giá "chào bán".

Hành động này thể hiện rằng bạn mong đợi người bán thương lượng ở mức giá thấp hơn so với con số ban đầu được đưa ra. Mỗi cá nhân sẽ có một cách đàm phán khác nhau, nhưng việc luyện tập thường xuyên có thể giúp cải thiện đáng kể kỹ năng đàm phán của họ.

3. Đừng sợ thay đổi

Không phải ai cũng can đảm chuyển ngành từ sản xuất nước ép sang BĐS. Thế nhưng, không phải ai cũng có được thành công như tỷ phú Cummings.

"Chưa đến 30 tuổi, tôi đã gây dựng được một công ty ăn nên làm ra, chuyên sản xuất và cung cấp nước ép hoa quả cho căng-tin của hàng trăm trường đại học và cao đẳng tại Boston và các vùng lân cận", ông kể.

"Thế rồi, tôi xây dựng tòa nhà thương mại đầu tiên để cho các công ty khác thuê. Lúc này, tôi nhận ra thị trường BĐS có thể đem đến những cơ hội nhiều lợi nhuận hơn. Ngay lập tức, tôi biết rằng phát triển BĐS thương mại sẽ là con đường sự nghiệp vững chắc cho mình."

"Nhờ vậy, chưa đến 35 tuổi, tôi đã có đủ tiền để nghỉ hưu sớm chỉ bằng lợi nhuận thu về từ 3 tòa nhà đầu tiên".

Vì vậy, nếu nhìn thấy một cơ hội kinh doanh đáng giá hơn, đừng ngần ngại nắm lấy.

4. Hiểu rõ giới hạn bản thân

Nhìn vào khối tài sản của Cummings, nhiều người cho rằng ông khó có thể gặp sai lầm trong kinh doanh. Tuy nhiên, vị tỷ phú này cũng từng gặp thất bại.

"Sai lầm lớn nhất của tôi là sở hữu và điều hành Beacon Grille - một nhà hàng bít-tết ở Massachusetts. Bằng ý chí tuyệt đối, tôi đã khiến nhà hàng trở nên thành công. Phần lớn thời gian tôi điều hành nơi này cũng rất vui vẻ.

Tuy nhiên, việc vận hành một nhà hàng nổi tiếng đòi hỏi năng lực quản lý cấp cao hơn so với những gì chúng tôi đã dự đoán. Nó đòi hỏi tôi và các cộng sự ở Cummings Properties phải dành phần lớn thời gian để cống hiến.

Nhờ sai lầm này, tôi hiểu được hậu quả của việc làm quá sức mình. Việc quản lý nhà hàng đã ảnh hưởng quá nhiều đến công việc và cuộc sống cá nhân của tôi. Bài học rút ra là: Tự lượng sức mình, đừng để một nhiệm vụ nhỏ khiến bạn phân tâm khỏi sự nghiệp lớn", ông chia sẻ.

Đây là một lời nhắc nhở hữu ích dành cho những người đang cố gắng làm quá nhiều nghề tay trái cùng lúc.

5. Người thành công cũng cần cố vấn

Năm 2011, tỷ phú Cummings và vợ đã ký vào thỏa thuận The Giving Pledge. Đây là một chiến dịch do Warren Buffett, Bill Gates và Melinda French khởi xướng, nhằm xây dựng truyền thống từ thiện trong giới siêu giàu.

"Khi vợ chồng tôi tham dự lần đầu tiên, cả ba nhà sáng lập đã chào đón và tương tác với chúng tôi một cách rất nồng hậu. Họ luôn hiện diện trong các buổi họp hàng năm. Có lần, Warren Buffett đã dạy tôi cách mọi thứ vận hành ở Cộng hòa Rwanda - nơi vợ chồng tôi đang làm từ thiện vào lúc đó", ông nhớ lại.

"Nhờ tham gia The Giving Pledge, tôi và vợ có cơ hội kết nối và học hỏi từ vô số những cá nhân có chung ý tưởng từ thiện. Tổ chức này không chỉ đơn giản là một CLB xã giao hay một nhóm xây dựng mạng lưới quan hệ.

Mỗi người chúng tôi chỉ có khoảng 5-6 phút/năm để trò chuyện với những người sáng lập. Thế nhưng, thế là đủ để tôi có một câu trích dẫn của Melinda French Gates trên bìa cuốn sách của mình".

6. Trở thành tỷ phú không có nghĩa là mọi cánh cửa đều rộng mở

Tỷ phú Cummings có viết một cuốn sách có tựa đề "Starting Small and Making it Big", kể lại hành trình lập nghiệp của mình. Tuy nhiên, trở thành tỷ phú không có nghĩa là ông được mọi người săn đón. Ông đã phải tự xuất bản cuốn sách của chính mình.

"Tôi tự mình viết ‘Starting Small bằng tay, trên một cuốn sổ nhỏ trong suốt hơn 2 năm. Tôi nhanh chóng từ bỏ việc tìm một nhà xuất bản hay mong chờ nó xuất hiện trong các nhà sách địa phương", ông nhớ lại.

"Thay vào đó, tôi nhận lời làm diễn giả tại hơn 100 địa điểm, phần lớn là các trường đại học và cao đẳng. Tôi không bán sách ở đó, mà thỏa thuận với ban tổ chức: tôi sẵn lòng không lấy phí nếu họ đặt mua ít nhất 200 cuốn sách để gửi tặng những người tham dự sự kiện".

Đây là một ví dụ điển hình cho việc tận dụng kiến thức kinh doanh và khả năng thuyết trình để tiếp thị bán sách. Nhờ đó, tỷ phú Cummings đã đưa tác phẩm của mình đến với nhiều người đọc hơn.

7. Bị từ chối chỉ là một bước lùi tạm thời

Một trong những ngôi trường mà tỷ phú Cummings thường đến nói chuyện là Trường Kinh doanh Harvard. Nhờ vậy, ông đã nhận được một đặc quyền hết sức thú vị.

Sau những buổi Cummings đến nói chuyện với sinh viên, Trường Kinh doanh Harvard quyết định tự viết một case study mang tên "Bill Cummings: The Cummings Way". Hiện nay, case study này không chỉ được giảng dạy ở Harvard mà còn trên nhiều cơ sở giáo dục khác.

Điều trớ trêu nhất là, Trường Kinh doanh Harvard cũng là nơi duy nhất từ chối hồ sơ học thạc sĩ của tỷ phú Cummings, sau khi ông vừa tốt nghiệp ĐH Tuft.

8. Kích thích ham muốn của người khác

Khi phỏng vấn các doanh nhân thành đạt, tôi thường kết thúc bằng câu hỏi: "Anh/chị có lời khuyên gì dành cho các doanh nhân trẻ đầy tham vọng?"

Tuy nhiên, tỷ phú Cummings không trả lời tôi. Ông đề nghị sẽ cung cấp thông tin cho tôi vào lần sau.

Đến lúc này, tôi mới hiểu: Giống như tôi, ông muốn có thêm một buổi phỏng vấn khác.

Bài chia sẻ của Ash Jurberg - cây viết tự do, BTV cho nhiều tạp chí như Inspired Writer, Greener Pastures Magazine, and With Love.

(Theo Entrepreneur's Handbook)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại