Toyota Motor ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong quý gần nhất, song loạt bê bối chất lượng trước đó đang khiến các nhà cung cấp kêu than vì chi phí tăng và sản lượng cắt giảm, theo Nikkei Asia.
“Việc ngừng sản xuất đã gây gánh nặng tài chính cho các nhà cung cấp và đại lý”, giám đốc kế toán của Toyota Masahiro Yamamoto cho biết và thừa nhận rằng mặc dù các vụ bê bối chứng nhận chỉ tác động nhỏ đến thu nhập của tập đoàn, song vẫn đang gây tổn hại cho các nhà sản xuất phụ tùng.
Sau công bố lợi nhuận quý II cao kỷ lục 1,3 nghìn tỷ yên (8,9 tỷ USD), nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nhật Bản cho biết sẽ tăng cường đầu tư nguồn nhân lực và hỗ trợ phía nhà cung cấp. Chi phí lao động và năng lượng ngày càng tăng của các nhà cung cấp trong nửa cuối năm tài khoá kết thúc vào tháng 3 năm sau cũng sẽ tiếp tục được trang trải, giống như cách Toyota đã làm trong nửa đầu năm.
Hoạt động của Toyota tại Nhật Bản tăng trưởng lợi nhuận, song điều này chủ yếu do tác động của đồng yên yếu. Sản lượng trong nước của thương hiệu xe hạng sang Lexus, cỗ máy kiếm tiền cho các nhà máy Nhật Bản, đã giảm 9% xuống còn 760.000 xe.
Một trong những thành viên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tập đoàn Toyota là Daihatsu Motor - công ty đã buộc phải tạm dừng sản xuất sau hành vi gian lận trong quá trình thử nghiệm. Tại chính Toyota, sai phạm đã được phát hiện ở 7 mẫu xe, trong đó có 3 mẫu đã bị dừng sản xuất. Một số mẫu khác vẫn đang chờ được phía cơ quan chức năng đánh giá. Tác động của vụ bê bối có thể lan rộng.
Tuy nhiên, so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các đợt thu hồi rộng khắp năm 2009 và 2010, hiệu suất thu nhập và khối lượng sản xuất của Toyota vẫn giữ vững.
Năm tài chính này, công ty dự kiến lợi nhuận 4,3 nghìn tỷ yên - giảm 20% so với năm ngoái, nhưng vẫn là một cải thiện lớn so với các đợt suy thoái trước đây. Về sản xuất, sản lượng dự kiến tăng 40% lên 10 triệu xe trong năm tài chính này, so với khoảng 7 triệu xe trong năm kết thúc vào tháng 3 năm 2010.
Tuy nhiên, không rõ mục tiêu trên có thể thực hiện khi mà các vụ bê bối chứng nhận khiến các thành viên của tập đoàn như Aisin và Toyoda Gosei phải cắt giảm sản lượng. Một công ty con của Futaba Industrial đã phải đóng cửa dây chuyền sản xuất.
“Không rõ việc cắt giảm có thể được bù đắp trong năm hay không”, Fumiki Yazawa, giám đốc nhà sản xuất Chuo Spring cho biết.
Để ứng phó với các vụ bê bối, Toyota hạ mức trần sản lượng hàng ngày trong nước xuống 500 xe so với mức 14.500 trước đó, với lý do tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất có thêm thời gian.
“Về mặt lợi nhuận, sự thật là chúng tôi muốn họ kiếm được nhiều hơn”, một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất phụ tùng ở tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản, quê hương của Toyota, cho biết.
Toyota đặt phụ tùng từ tổng cộng 60.000 công ty tại Nhật Bản, với các giao dịch hàng năm khoảng 10 nghìn tỷ yên. Việc cắt giảm sản xuất sẽ tác động đặc biệt lớn đến các công ty vừa và nhỏ có danh mục sản phẩm và quy mô sản xuất khiêm tốn.
Hơn hết, khi các nhà sản xuất phụ tùng đang phải vật lộn với giá vật liệu và chi phí lao động tăng cao, câu hỏi đặt ra là liệu họ có tăng giá hay không.
Theo Teikoku Databank, tỷ lệ nhà cung cấp cấp một của Toyota có thể vượt qua mức tăng toàn bộ chi phí vật liệu là 2,2%, thấp hơn mức trung bình 4,6% trong tất cả các ngành.
“Gánh nặng đối với các nhà cung cấp cấp một là rất lớn”, một đại diện tại công ty nghiên cứu cho biết.
Trước đó, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết Toyota và 4 nhà sản xuất khác đã thừa nhận nhiều sai sót trong các cuộc kiểm tra về an toàn. Hãng hiện đã ngừng vận chuyển và bán các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại Nhật Bản do đơn đăng ký chứng nhận sử dụng những “dữ liệu không đầy đủ trong các bài kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe”.
Báo cáo của ISS cho biết: “Đánh giá từ các thành viên hội đồng quản trị cũng như các biện pháp đối phó được công ty công bố, xu hướng bảo vệ văn hóa doanh nghiệp của Toyota đã bị nghi ngờ. Ông Toyoda nên phải chịu trách nhiệm về việc đó”.
Sai phạm tương tự Toyota cũng được phát hiện tại các nhà sản xuất ô tô Honda Motor, Mazda Motor và Suzuki Motor. Sự việc khiến Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản lên tiếng yêu cầu 85 công ty trong ngành - bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô và thiết bị - điều tra xem liệu có tồn tại bất kỳ những bất thường nào trong văn bản đăng ký chứng nhận mẫu xe hay không. Giới chức coi đây là vụ việc gây “suy giảm niềm tin người dùng, đồng thời lung lay nền tảng hệ thống chứng nhận ô tô quốc gia”.
Theo Bộ, cả Toyota, Mazda và Yamaha đều thừa nhận gian lận đã xảy ra trong quá trình sản xuất. Một số mẫu xe cụ thể đã bị yêu cầu dừng vận chuyển cho đến khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về chất lượng.
Atsushi Osanai, giáo sư Đại học Waseda, cho biết: “Tôi tin rằng đó là kết quả của sự tự tin thái quá và ngây thơ của các nhà sản xuất ô tô khi nghĩ rằng việc đi chệch khỏi các quy tắc hiện hành ở một mức độ nào đó là không vấn đề gì”.
“Những bất thường liên quan đến động cơ sẽ khiến các nhà sản xuất động cơ mất lòng tin và bất an. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nên cẩn trọng vì chiến lược sản phẩm cũng sẽ bị ảnh hưởng”, giáo sư Atsushi Osanai nhận định.
Theo: Nikkei Asia, CNN