Máy bay Nga - Mỹ cố tình dọa đâm nhau tại Syria?

Tuấn Vũ |

Việc những máy bay hàng đầu của Nga - Mỹ suýt va chạm do không nhìn thấy nhau tại Syria gây ra nghi vấn đây có thể là hành động cố ý.

Tướng Jeff Harrigian, chỉ huy Bộ chỉ huy trung tâm Không quân Mỹ cho biết rằng một chiếc tiêm kích Su-35 của Nga và chiếc E-3 Mỹ đã suýt đâm nhau trên không phận gần thành phố Deir al-Zour, Syria hôm 17/10. Theo tướng Harrigian, tiêm kích Nga đã không nhìn thấy máy bay Mỹ trong màn đêm.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, ông Igor Konashenkov hôm 29/10 đã đổ lỗi cho phía Mỹ về sự cố này. Truyền thông Nga cho biết, ngay sau sự cố, bộ chỉ huy Lực lượng hàng không vũ trụ Nga ở Syria đã liên lạc với phía Mỹ để tìm ra câu trả lời thỏa đáng, sau đó "phía Mỹ đã xin lỗi Nga về sự cố trên", ông Igor Konashenkov cho biết.

Tầm giám sát siêu mạnh

Dù Mỹ đã chính thức xin lỗi Nga nhưng viêc cả tiêm kích Su-35 và máy bay do thám E-3 không nhìn thấy nhau ở khoảng cách 500 m nói trên khiến giới chuyên gia đặt nghi vấn rằng, rất có thể đây là hành động cố ý của cả hai bên.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở bởi cả Su-35 và E-3 đều được coi là dòng máy bay hàng đầu của Không quân 2 nước.

Theo những thông tin được Nga công bố, những chiếc Su-35 được điều đến Syria được trang bị hệ thống điều khiển radar hiện đại hóa IRBIS-E. 

Theo Tổng giám đốc Nhà máy công cụ Ryazan, ông Pavel Budagov, công việc hiện đại hóa radar IRBIS-E đã được hoàn thành, hai nước cũng đã ký hợp đồng cung cấp 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35S, được trang bị hệ thống radar cải tiến mới, mạnh mẽ hơn rất nhiều so với phiên bản cũ.

 Máy bay Nga - Mỹ cố tình dọa đâm nhau tại Syria?  - Ảnh 1.

Tiêm kích Su-35 hoạt động tại Syria

Hệ thống radar N035 IRBIS-E thuộc loại radar mảng pha thụ động (PESA), có khả năng phát hiện, theo dõi và điều phối tấn công rất nhiều mục tiêu trong bất kỳ thời tiết nào, trong cả ngày lẫn đêm, cũng như khi kẻ định sử dụng các loại nhiễu chế áp khác nhau.

Radar này được chế tạo theo công nghệ đỉnh cao trên thế giới, vượt trội hơn rất nhiều so với các radar của các nước khác trên thế giới. Đặc điểm nổi bật của nó là hoạt động theo cơ chế thụ động (không phát ra bức xạ điện từ), nâng cao khả năng chống trinh sát và chế áp radar của địch.

IRBIS-E có cự ly phát hiện máy bay thông thường lên tới 350 km, tàu chiến cỡ lớn là 400 km. Đặc biệt nó có khả năng phát hiện các loại máy bay tàng hình có bề mặt tán xạ radar dưới 3 m ở khoảng cách xa 100 - 150 km.

Với mô hình thiết kế vừa sục sạo vừa theo dõi, loại radar này còn cung cấp cho Su-35S khả năng cùng lúc bắt chết 30 mục tiêu và đồng loạt phóng 8 quả tên lửa dẫn đường bằng radar chủ động, để tấn công 8 mục tiêu khác nhau.

Hệ thống phân biệt địch - ta

Theo nhà sản xuất Boeing, E-3 Sentry là máy bay chỉ huy, cảnh báo sớm hiện đại hàng đầu thế giới. 

Chiếc đĩa xoay trên thân E-3 chính là điểm quan trọng nhất của chiếc máy bay này, bên trong nó là radar AN/APY-1/2 AWACS của hãng Northrop Grumman, như đã nói khi radar ở chế độ hoạt động đĩa sẽ xoay 6 vòng/phút, còn khi radar không hoạt động đĩa sẽ xoay 1 vòng mỗi 4 phút.

Loại radar sử dụng trên E-3 này có các chế độ hoạt động: Quét xung Doppler không độ cao (PDNES) cho chức năng giám sát mục tiêu trên không, quét xung Doppler có độ cao (PDES) để xác định độ cao mục tiêu, chế độ quét radar ngoài đường chân trời, nhận thông tin chỉ huy thụ động, chế độ giám sát biển sử dụng xung cực ngắn để giám sát tàu bè, cuối cùng là chế độ chờ.

Sau đó Tập đoàn Boeing, với công nghệ cảm biến điện tử của riêng họ và sự hỗ trợ của Northrop Grumman với vai trò là nhà thầu phụ đã tiến hành chương trình nâng cấp radar cho E-3 Sentry tập trung ở khả năng phát hiện cho radar AN/APY-1/2 các mục tiêu độ phản xạ hiệu dụng nhỏ, tên lửa hành trình và khả năng chống gây nhiễu điện tử.

Khả năng này đạt được nhờ việc lắp đặt máy tính cho hệ thống radar cảnh giới (SRC) mới thay thế cho công nghệ Doppler kĩ thuật số cũ và chuyển các phần mềm tích hợp thành ngôn ngữ ADA.

Đặc biệt, trên E-3 còn trang bị hệ thống phân biệt địch - ta AN/APX-103, nó liên tục cung cấp thông tin về tất cả các mục tiêu trong tầm quét, thông tin sẽ là tình trạng IFF (cho biết mục tiêu là quân mình hay quân địch, khoảng cách, phương vị, độ cao và mã nhận điện).

Với trang bị này, việc cả Nga và Mỹ tuyên bố không nhìn thấy nhau khi những máy bay này bay cách nhau chỉ 500 m trên bầu trời Syria đang khiến nhiều người nghi ngờ rằng đây là động thái cố ý tiếp cận nhau của cả 2 bên. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ vì sao Mỹ lại lên tiếng xin lỗi Nga trong tình huống này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại