Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật!

Quang Huy |

Chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 mệnh danh là "Thiên nga trắng" đang chuẩn bị hạ cánh, nó bị cuốn vào đám mây khí ga và nổ tung… Sự việc xảy ra vào ngày 18 tháng 9 năm 2003.

Tổng công trình sư Tu-160, ông Valentin Bliznyuk chia sẻ với trang điện tử "Business Online" (Nga) về những câu chuyện thú vị liên quan tới "Thiên Nga trắng".

Vừa qua, các kỹ sư và nhà chế tạo hàng không Nga tổ chức kỷ niệm 35 năm kể từ ngày đầu tiên chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cất cánh.

Sự kiện này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng – Nga quyết định khôi phục tại thành phố Kazan hoạt động sản xuất Tu-160 phiên bản nâng cấp toàn diện với tên gọi Tu-160M2.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật! - Ảnh 1.

Ảnh: Valentin Bliznyuk (thứ tư từ phải sang) tại Lễ bàn giao Tu-160 phiên bản mới nhất diễn ra ở Kazan. Ảnh: Nhà máy chế tạo hàng không Kazan.

Chiếc máy bay mà cả nước cùng bỏ công sức

"Để hiểu được quy mô của công việc đó, tôi xin nói thế này: Chiếc máy bay này được cả nước cùng bỏ công sức, BCH Trung ương ĐCS Liên Xô giám sát với quy định rất nghiêm ngặt. Bộ trưởng Công nghiệp hàng không hàng tháng đều đặn tới Kazan, cùng với Tư lệnh Không quân tổ chức các cuộc họp ở đây.

Tất cả các nhà thầu, toàn bộ các tổng công trình sư có liên quan đều có mặt", nguyên tổng giám đốc Nhà máy chế tạo trực thăng Kazan, ông Alexandr Lavrentyev hồi tưởng lại.

Ba nguyên mẫu được tập hợp từ năm 1977 tại Moscow (phần vỏ được chế tạo tại Kazan, cánh và khoang động cơ – tại Voronez, đuôi và cửa lấy gió – tại Irkutsk, càng – tại Kubyshev) – 2 nguyên mẫu bay thử và 1 nguyên mẫu thử tĩnh.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật! - Ảnh 2.

Tu-160

Cùng thời điểm đó, tại Kazan diễn ra công tác chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất hàng loạt. Để sản xuất cỗ máy mới, người ta không chỉ tăng gấp đôi diện tích nhà máy chế tạo hàng không Kazan mà còn tiến hành cắt titan, làm quen với nhiều những công nghệ đặc biệt khác.

Hôm 18/12/1981, phi công lái máy bay thử nghiệm Boris Veremey đưa cỗ máy này lần đầu tiên cất cánh. Chiếc Tu-160 đầu tiên sản xuất loạt đã cất cánh ở Kazan hôm 10/10/1984, cơ trưởng vẫn là ông Veremey.

Tu-160 được chế tạo như một câu trả lời tương xứng dành cho chiếc máy bay cùng loại B-1 của người Mỹ. Tới đầu những năm 1990, Mỹ đã bàn giao cho quân đội 100 chiếc B-1, và mặc dù quan hệ chính trị đã bớt căng thẳng, nhưng họ vẫn bắt tay vào nghiên cứu chế tạo B-2.

Nhưng ở Nga, các kế hoạch liên quan tới việc sản xuất hàng loạt Tu-160 (theo dự kiến ban đầu khoảng 100 chiếc) đã thay đổi vì Mỹ không còn là kẻ thù. Vào tháng 2/1992, tổng thống Nga Boris Eltsin quyết định dừng sản xuất Tu-160.

Thực ra, vào năm 1997 (cũng theo quyết định của Eltsin), người ta định quay lại sản xuất Tu-160, nhưng đó là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Sau đó, chỉ có 2 chiếc được xuất xưởng: 1 chiếc được bàn giao vào năm 2000, chiếc thứ hai – vào năm 2008.

"Ở Kazan từng có nhiều chuyên gia tay nghề cao"

Một chiếc Tu-160 đang hoạt động hiện nay mang tên của tổng công trình sư – "Valentin Bliznyuk". "Một người đàn ông tuyệt vời – hiểu biết rộng, chân chất và thân thiện", cựu phi công trưởng Nhà máy chế tạo hàng không Kazan, ông Mikhail Kovbasenko đã nói như vậy.

Ông Valentin Bliznyuk sinh ngày 12/4/1928 tại ngôi làng Malorossiyskoe (phía đông Kazakstan). Năm 1975 ông được bổ nhiệm làm Tổng công trình sư Tu-160 và Phó tổng công trình sư Nhà máy "Opyt" Moscow, nơi chế tạo nguyên mẫu Tu-160 này.

"Business Online" đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Valentin Bliznyuk. Thời gian gần đây ông bị bệnh, tuy nhiên tổng công trình sư vẫn trả lời một số câu hỏi của phóng viên.

- Thưa ông, tại sao người ta lại chọn Kazan làm nơi sản xuất Tu-160?

Bởi vì nhà máy Kazan từng là nhà máy trí tuệ nhất, vì thế dễ hiểu rằng người ta đã đặt niềm tin vào nó. Tôi cho rằng, mọi người ở Kazan đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn để hoàn thiện Tu-160.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật! - Ảnh 3.

Tu-160

Có giai đoạn khi hầu như tuần nào tôi cũng có mặt ở Kazan. Nhà máy đã tạo cho tôi một ấn tượng tốt: Nhà xưởng mới và khang trang. Và nhiều chuyên gia tay nghề cao.

- Ông có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về giám đốc Nhà máy vào thời điểm đó, ông Vitaly Kopylov, hay không? Chúng ta phải biết ơn ông ấy…

Tôi thích con người ấy. Một nhân vật xuất chúng, tràn đầy nhiệt huyết. Ông đóng góp rất nhiều cho việc tổ chức sản xuất hàng loạt Tu-160. Nhưng nguyên mẫu thử nghiệm được chế tạo tại Moscow.

Chúng ta đã có cơ sở mạnh ở đó, cả một tổ hợp mà hiện giờ đã bị bòn rút: chỉ còn một phân khu với chức năng chưa rõ ràng. Dường như, thời kỳ đen tối đã qua, phòng thiết kế đang được khôi phục…

- Ông nghĩ thế nào về ý tưởng phục hồi hoạt động sản xuất các máy bay Tu-160 phiên bản nâng cấp toàn diện?

Đúng, quyết định đã được đưa ra, nhưng, theo tôi, mọi người chưa toàn tâm toàn ý. Vào thời điểm của tôi, đích thân ông Dementyev đứng ra tổ chức phối hợp các nhiệm vụ liên quan tới Tu-160, tất cả mọi thứ đã được thực hiện rất nhanh…

Tôi coi ý tưởng khôi phục sản xuất Tu-160 là rất tốt, hiện giờ nó được coi là cỗ máy mới nhất trong số các máy bay ném bom kiểu này trên thế giới. Không có loại nào mới hơn.

- Vậy chiếc B-1 của Mỹ thì như thế nào? Nó đã được cải tiến đáng kể.

B-1 là một cỗ máy khó hiểu, nhiều khả năng chỉ là thể hiện thôi.

- Thì ra là vậy?! Nhưng người ta nói rằng, Tu-160 rất giống với nó và có vẻ như sao chép rất nhiều từ B-1…

Giống thì giống thật, nhưng chúng ít có điểm chung. Chiếc máy bay của chúng ta lớn hơn gấp 1,5 lần. Máy bay của chúng ta là chiến lược, còn của họ là chiến thuật – tầm bay ngắn. Ngoài ra, gần như không có điểm gì giống nhau.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật! - Ảnh 4.

Máy bay ném bom B-1 của Mỹ.

- Trong lịch sử Tu-160 từng 2 lần gặp tai nạn. Nếu như với lần đầu tiên, vào năm 1987, có điều gì đó còn rõ ràng – thiết bị trục trặc, thì trong trường hợp thứ hai xảy ra vào năm 2003, cho đến này vẫn còn nhiều uẩn khúc…

Trong trường hợp đầu tiên, người ta phải bỏ nó vì hỏng hóc, còn chiếc máy bay thứ hai là do khí ga tích tụ trong khu vực Kubyshev.

- Nhưng trong các giả thiết chính thức của vụ tai nạn không đề cập tới điều này, người ta chỉ nói rằng, chiếc máy bay có thể đã rơi xuống các kho chứa khí ga ngầm dưới mặt đất… Vậy sự việc xảy ra như thế nào, thưa ông?

Rất đơn giản. Chiếc máy bay đang chuẩn bị hạ cánh, nó bị cuốn vào đám mây khí ga và nổ tung…

- Tại sao vào đầu những năm 1990 Nga dừng sản xuất Tu-160?

Vì những kẻ cơ hội.

"Có những thứ ta đã từng có và sẽ có"

Tổng cộng đã có khoảng 40 chiếc Tu-160 (bàn giao cho quân đội vào năm 1987) được xuất xưởng tại Kazan. Sau khi Liên Xô tan rã, 19 chiếc nằm lại Ukraine, nơi có một trong những căn cứ của không quân chiến lược.

8 chiếc được trả lại sau những cuộc đàm phán kéo dài về các khoản nợ khí đốt, một chiếc để lại trong viện bảo tàng ở Pryluky (Ukraine), còn 10 chiếc được tiêu hủy bằng tiền của người Mỹ tài trợ. Theo đánh giá, hiện nay còn khoảng 16 chiếc Tu-160 đang hoạt động.

Có thông tin cho rằng, còn 2 khung vỏ đang được chế tạo ở nhà máy Kazan. Cũng có phỏng đoán về việc chính 2 khung vỏ này sẽ là những nguyên mẫu thử nghiệm đầu tiên của phiên bản Tu-160M2.

Nhưng theo chia sẻ của trợ lý tổng thống Nước cộng hòa Tatarstan về lĩnh vực hàng không, ông Ravil Zapirov, những mẫu thiết kế từ thời Liên Xô sẽ không hoàn thiện để phục vụ công tác thử nghiệm. Cũng theo lời ông, tiền liên quan tới công tác nghiên cứu – thiết kế Tu-160M2 đã được chuyển cho nhà máy.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 nổ tung, Không quân Nga thiệt hại nặng: Giải mật! - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Putin trên buồng lái của một chiếc Tu-160.

Không có gì là bí mật khi dự án khôi phục sản xuất Tu-160 nhận được nhiều sự phản đối – có người cho rằng chi phí quá lớn, tiền nên dùng để chi vào các công việc khác quan trọng hơn, thêm nữa, chiếc máy bay này đã lỗi thời. Và bây giờ chúng ta có cần các máy bay như thế này không?

"Chiếc Tu-160 phiên bản mới sẽ sở hữu "bộ não", vũ khí mới hoàn toàn, một cỗ máy khác hẳn sẽ được chế tạo. Chính vì thế, mọi thứ không hề đơn giản… Có cần chiếc máy bay này hay không? Có những thứ ta đã từng có và sẽ có.

Chúng ta, đáng tiếc, sống trong thế giới mà chúng ta đang sống. Những gì đặt ra tại Nhà máy Kazan phải được triển khai.

Ơn Trời, chúng ta chợt hiểu ra rằng, chúng ta không phải đang sống ở thời kỳ những năm 1991-1992 khi người ta khẳng định chắc nịch với chúng ta rằng chúng ta không cần gì, chúng ta sẽ hội nhập vào đâu đó và nói chung sẽ không có bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra.

Khi ấy họ từng mời chúng ta tham dự những cuộc họp cấp cao, nơi mà họ nói với chúng ta: Nga không có bất cứ lợi ích nào ngoài vấn đề nội bộ. Nhưng không thể như thế được!

Để bảo vệ lợi ích của mình, cần phải có lá chắn. Bởi vậy, bây giờ chúng ta đã nhận ra và bắt đầu quan tâm tới nhà máy mà bị lãng quên trong một thời gian dài", ông Lavrentyev kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại