Mỹ: 3 tháng 5 tiêm kích F/A-18 và F-16 bị rơi
Khoảng 22h30 đêm ngày 28/7, tức 12h30 giờ Việt Nam, một chiếc máy bay chiến đấu 1 chỗ ngồi F/A-18C Hornet của lực lượng hải quân đánh bộ (thuộc Hải quân Mỹ) đã bị nổ tung ngay trên bầu trời khiến phi công lái chiếc máy bay đó thiệt mạng.
Theo tin từ Pess TV, sự cố này diễn ra ở khu vực gần thành phố Twentynine Palms, bang California. Theo một nhân chứng có mặt gần khu vực đó, chiến đấu cơ F/A-18 đã nổ tung ngay trên không trung, rơi xuống đất chỉ là các mảnh vỡ nát của nó.
Theo đó, khi chiếc F/A-18C cất cánh thực hiện chuyến bay huấn luyện từ căn cứ không quân Miramar tại thành phố San Diego, bang California, đang tiến hành một cuộc bay tập thì vụ tai nạn bất ngờ xảy ra khiến phi công không kịp phản ứng phóng ghế bung dù đào thoát.
Một quan chức thuộc Thủy quân Lục chiến Mỹ tiết lộ, hiện nguyên nhân khiến máy bay rơi vỡ tan tành vẫn chưa được xác định, giới chức Mỹ đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Đây là máy bay F/A-18 thứ tư mà quân đội Mỹ bị mất do tai nạn trong vòng 3 tháng qua, kể từ ngày 26/5, hai chiếc F/A-18 F Super Hornet của thủy quân lục chiến Mỹ đã bị rơi cùng một lúc do va chạm trên không, trong khi tiến hành bay tập với nhau
Theo hải quân Mỹ, 2 chiếc máy bay đã va vào nhau khi đang tiến hành một chuyến bay tập thông thường ở khu vực ngoài khơi bang Bắc Carolina. 2 chiếc F/A-18 này thuộc đội chiến đấu cơ tấn công số 211, đóng tại căn cứ hải quân Oceana.
2 chiếc máy bay này đã va chạm với nhau vào lúc 10h30 giờ địa phương, ngày 26/5 và rơi xuống vùng biển cách bờ biển Bắc Carolina 40km, lực lượng cứu hộ và các tàu cá địa phương đã kịp thời cứu sống cả 4 phi công trên 2 chiếc máy bay này.
Sau đó, vào ngày 02 tháng 6, một chiếc F/A-18 của đội bay biểu diễn “Thiên thần xanh” (Blue Angels) của hải quân Mỹ đã bị rơi ngay sau khi vừa cất cánh tại sân bay Smyrna ở Tennessee để bắt đầu bài bay tập buổi chiều, 5 chiếc khác thuộc Blue Angels đã hạ cánh an toàn.
Máy bay F/A-18 của Mỹ bay tập trên hàng không mẫu hạm
Vụ tai nạn xảy ra ở địa điểm cách đường băng nơi chiếc F/A-18 cất cánh 3,2 km. Viên phi công là Đại úy Jeff Kuss (32 tuổi), đã bị thương khi máy bay rơi và đã tử vong sau đó. Đội bay Blue Angel đã phải hủy buổi biểu diễn tại một triển lãm hàng không dự kiến vào cuối sau đó.
Cũng trong ngày hôm đó, một chiếc F-16 thuộc phi đội bay trình diễn Thunderbird của Không quân Mỹ rơi ở bang Colorado ngay sau khi kết thúc màn nhào lộn tại lễ tốt nghiệp của các học viên Học viện Không quân Mỹ ở Colorado Springs, bang Colorado.
Chiếc máy bay này đã rơi ngay trước mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama, khi ông đến dự và có bài phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp đó. Rất may là phi công đã bung dù thoát khỏi máy bay và tiếp đất an toàn ở khu vực Căn cứ Không quân Peterson, cách đó khoảng 9 km.
Những vụ tai nạn liên tiếp trong thời gian qua đối với các máy bay chiến đấu Mỹ đã khiến các quan chức nghị viện Mỹ nổi giận và đòi điều tra khẩn cấp, xác định nguyên nhân và quy trách nhiệm cho những người đã để xảy ra tình trạng sự cố liên tiếp đối với không lực nước này.
Những nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay liên tiếp ở Mỹ
Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, ngân sách bị cắt giảm, thiếu máy bay huấn luyện, khiến số lượng các chuyến bay huấn luyện của các phi công Mỹ bị giảm đi đáng kể và thiếu thiết bị dự phòng là hai vấn đề cốt lõi khiến các vụ tai nạn máy bay chiến đấu Mỹ gia tăng mạnh trong thời gian qua.
Thiếu tiền: Thiếu máy bay trực chiến, máy bay huấn luyện, giảm giờ bay tập
10 năm qua, Bộ quốc phòng Mỹ đã cắt giảm một nửa kinh phí cho các chương trình của không quân, cùng với thực trạng các chương trình chế tạo máy bay F-35 đang trì hoãn dẫn đến tình trạng thiếu thốn máy bay trầm trọng.
Kể từ khi kết thúc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư, số lượng máy bay của không quân Mỹ giảm 40%, số lượng phi đội máy bay chiến đấu giảm 60%, còn số lượng nhân viên không quân các loại cũng giảm tới 30%.
Hiện nay, nhóm hàng không của lực lượng hải quân đánh bộ Mỹ đang bị teo tóp, chỉ còn 276 chiếc F/A-18 Hornet, chiếm hơn 2/3 số lượng máy bay của toàn bộ lực lượng (còn lại là khoảng 140 chiếc AV-8B Harrier đã cũ, tỷ lệ rơi và gặp sự cố kỹ thuật cao).
Ngày 20/4 năm nay, Phó tư lệnh hải quân đánh bộ, phụ trách lực lượng không quân của USMC là ông Jon Davis đã báo cáo trước Thượng viện Mỹ rằng, trong số 276 chiếc F/A-18 Hornet (số hiện đại nhất) cũng chỉ có 87 chiếc đủ điều kiện an toàn bay, chiếm tỷ lệ có 32%.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện thường xuyên, để hàng trăm phi công có đủ số giờ bay tích lũy kinh nghiệm điều khiển máy bay, sử dụng thành thạo vũ khí, họ cần phải có ít nhất là 58% số lượng máy bay F/A-18 đủ điều kiện cất cánh.
Hơn nữa, hiện khoảng 40 chiếc Hornet đang được triển khai ở tây Thái Bình Dương và chiến trường Trung Đông. Ngoài ra, còn 30 chiếc khác đang trong biên chế các phi đội huấn luyện cơ bản của hải quân đánh bộ Mỹ (USMC - United States Marine Corps).
Điều này khiến cho hàng trăm phi công khác của hải quân đánh bộ (không tham gia đánh IS hoặc tuần tiễu ở Tây Thái Bình Dương) đang sử dụng vẻn vẹn có 17 chiếc F/A-18.
Mà những chiếc máy bay này vì tránh quá tải nên mỗi tuần cũng chỉ cất cánh vài lần, trong thời gian ngắn, không đủ để các phi công có số giờ bay tương đối, nhằm mục đích tối thiểu là duy trì kỹ thuật bay của bản thân.
Theo tiêu chuẩn của Thủy quân Lục chiến Mỹ, các phi công lái máy bay Hornet cần phải có số giờ bay trung bình trong một tháng là 16,5 giờ nhưng hiện nay, số giờ bay của các phi công đã bị giảm xuống từ 6 đến 9 giờ/người.
Máy bay và linh kiện đã thiếu thốn nhưng vấn đề quan trọng nhất là con người cũng không đủ. Lực lượng không quân trong tất cả các quân chủng hiện thiếu khoảng 4.000 chuyên gia và thợ kỹ thuật để có thể duy trì hoạt động của các máy bay trong điều kiện cần thiết.
Thiếu tiền: Dùng máy bay và phụ tùng nghĩa địa
Do lâm vào tình trạng thiếu máy bay trầm trọng nên, trong khi dự án F-35B bị đình trệ và ngân sách mua F/A-18 mới không thấm vào đâu nên lực lượng không quân của Hải quân đánh bộ Mỹ đã phải lôi chiến đấu cơ F/A-18 cũ từ "nghĩa địa máy bay" ra sử dụng.
Kênh truyền hình Mỹ Fox News cho biết, độ tuổi trung bình của chiến đấu cơ theo quy định trong điều lệ kỹ thuật của máy bay quân sự Mỹ là 27 năm. Sau đó chúng sẽ được chuyển về nghĩa trang máy bay Davis-Monthan ở Tucson - bang Arizona.
Chiến đấu cơ F/A-18 ở nghĩa trang máy bay Davis-Monthan
Đây cũng là nơi đặt đại bản doanh của Trung tâm sửa chữa và tái chế máy bay số 309 (Aerospace Maintenance and Regeneration Center-AMARC) của không quân Mỹ, với 7.000 nhân viên, chuyên làm nhiệm vụ bảo dưỡng, bảo quản và tháo gỡ thiết bị máy bay.
Có khoảng 30 máy bay tiêm kích phiên bản cũ F/A-18C Hornet đã được hải quân Mỹ kéo về sử dụng. Đây là các máy bay được đánh giá là trong tình trạng còn tương đối tốt, chỉ cần trải qua một đợt đại tu là sẵn sàng đưa ra sử dụng trong thời gian ngắn nhất.
Cho đến đầu năm 2016, Boeing đã hoàn thành cải tạo 2 trong tổng số 30 máy bay chiến đấu cũ, chúng đã nhiều năm "đóng bụi và bị rỉ sét bao phủ" tại căn cứ không quân Davis-Monthan ở Tucson, nơi nổi tiếng là "nghĩa địa của công nghệ hàng không".
Ngoài ra, việc thiếu hụt ngân sách đã khiến cho không quân và không quân/hải quân Mỹ phải cắt giảm số lượng lớn nhân lực và vật lực, cả lực lượng tác chiến và lực lượng bảo đảm, đồng thời không có nguồn linh kiện, phụ tùng tốt để thay thế.
Do đó, họ đã phải sử dụng đến các linh kiện, phụ tùng máy bay F/A-18 cũ, đã hết hạn sử dụng từ các nghĩa địa máy bay để thay thế cho những thiết bị hỏng hóc trên những chiếc hiện đang sử dụng.
Theo dữ liệu của Trung tâm An toàn Hải quân, chỉ tính riêng trong khoảng thời gian từ tháng 10/2014 đến tháng 4/2016, Hải quân Mỹ đã thiệt hại trên 1 tỷ USD do tai nạn. Tính từ năm 2015 đến nay, quân đội Mỹ cũng đã mất tới 30 phi công các loại vì tai nạn.
Do đó, các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, việc máy bay chiến đấu của không quân nước này vừa qua liên tiếp bị rơi cũng là điều dễ hiểu. Nếu tình trạng cắt giảm ngân sách còn tiếp diễn, nó sẽ trở thành "đại nạn" đối với không quân và hải quân nước này.