Máy bay chiến đấu ‘hạng diva’ có làm khó Ukraine?

Thu Hằng |

Kiev được cho là sẽ không dễ dàng để vận hành những chiếc tiêm kích đa năng

Máy bay chiến đấu ‘hạng diva’ có làm khó Ukraine?- Ảnh 1.

Những chiếc F-16 được kỳ vọng sẽ tăng cường sức mạnh cho lực lượng không quân Ukraine. Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Litva

Theo tờ Politico, Ukraine đang chuẩn bị cho sự xuất hiện của các máy bay phản lực General Dynamics F-16 Fighting Falcon trong những tháng tới, nhưng việc kết hợp máy bay chiến đấu siêu thanh một động cơ vào kho vũ khí của họ sẽ gặp nhiều thử thách, không chỉ là đào tạo phi công.

Hơn 60 chiếc F-16 đang được Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ cung cấp, trong khi một liên minh đa quốc gia hiện đang đào tạo phi công và phi hành đoàn. Lô máy bay chiến đấu này là lời đáp của các đồng minh đối với đề nghị của Kiev về trợ lực cho không quân Ukraine trong cuộc chiến không cân sức với Nga.

Tuy nhiên, để đưa số F-16 trên hoạt động được trên bầu trời sẽ vô cùng khó khăn. Trước hết, các căn cứ F-16 của Ukraine sẽ là mục tiêu tấn công hàng đầu của Nga. Bản thân các máy bay sẽ bị không quân Nga “đánh dấu”. Bên cạnh đó, việc sửa chữa, bảo trì chúng sẽ là một thách thức và thậm chí việc sử dụng đường băng không đúng chuẩn cũng có thể phá hoại các máy bay mỏng manh.

Tom Richter, cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, người từng lái F-16 khi còn trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia, cho biết, chiếc máy bay này là “một con thú nhạy cảm” so với các máy bay MiG và Sukhoi thời Liên Xô mà người Ukraine quen bay và bảo trì.

“Nếu bạn từng bước tới và đặt tay lên một chiếc MiG-29 tại một triển lãm hàng không rồi bước ngay tới và đặt tay lên một chiếc F-16, bạn có thể cảm nhận được ngay từ bên ngoài rằng chiếc F-16 được chế tạo cao cấp như thế nào”, Richter nhận xét, “Nó là một ‘diva’, rất nhạy cảm và cần được bảo trì cao. Các máy bay của Liên Xô thô hơn, có thể cất cánh từ sân bay khiêm tốn, và cần ít bảo trì hơn".

Ukraine có thể xây dựng các căn cứ và đường băng hiện đại để tiếp đón các tiêm kích phương Tây, nhưng điều đó là không thể trong chiến tranh.

"Những chiếc Falcon thực sự cần một số sự thích nghi, như sự chuẩn bị cho đường băng vì bộ phận hạ cánh của nó mỏng manh hơn MiG, bánh xe nhỏ, có thể nguy hiểm với các vật thể bị cuốn vào. Nhưng tất cả điều này có thể được giải quyết. Rủi ro vẫn có với tất cả ngành hàng không”, ông Yury Ihnat, người phát ngôn lực lượng không quân Ukraine, vẫn lạc quan nói với tờ Politico.

Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh, cho biết sự chuẩn bị đó sẽ bao gồm cả triển khai các nhóm đi trám kín các vết nứt, kẽ hở hoặc vùng không bằng phẳng trên đường băng. Ông Bronk nói: “Các đường băng cần phải thông suốt và liên tục được kiểm tra xem có mảnh vụn nào vương vãi, vì những chiếc F-16 động cơ đơn dễ bị ảnh hưởng bởi các mảnh vỡ trên mặt đất hơn so với MiG-29”.

Dù sao, được trang bị F-16 vẫn là một sự thay đổi mạnh mẽ so với những chiếc máy bay phản lực mà người Ukraine hiện đang sử dụng.

Vào đầu năm 2022, Ukraine có 71 máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29, 14 máy bay ném bom Su-24M và 31 máy bay tấn công Su-25 - theo báo cáo Cân bằng Quân sự hàng năm của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Bản báo cáo năm 2024 cho biết Ukraine có 78 phi cơ có khả năng chiến đấu. Trong khi đó, Nga có 1.169 chiếc.

Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, Slovakia và Ba Lan đã chuyển khoảng 33 máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine - nhiều máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không và vũ khí cập nhật để đạt tiêu chuẩn của NATO.

Máy bay chiến đấu ‘hạng diva’ có làm khó Ukraine?- Ảnh 2.

Máy bay F-16 của Romania và Bồ Đào Nha trên đường băng tại căn cứ Siauliai tại Litva trong cuộc tập trận của NATO vào 4/7/2023. Ảnh: CNN/Getty Images

Những chiếc F-16, đã phục vụ trong lực lượng không quân phương Tây trong 45 năm, sẽ vừa tăng cường số lượng lớn cho không quân Ukraine vừa mang lại cho lực lượng này khả năng mạnh mẽ hơn nhiều để chống lại Nga. Vai trò đó sẽ thể hiện rõ trên các chiến trường nơi binh lính Ukraine đang bị tấn công bởi bom lượn và tên lửa của Nga.

Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết những chiếc máy bay đầu tiên sẽ xuất hiện ở Ukraine vào mùa hè này.

“Thật khó để thiết lập một thời gian biểu cố định cho việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-16, bởi vì có một số điều kiện phải được đáp ứng để Ukraine sử dụng máy bay được tặng”. Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen nói và lưu ý rằng Ukraine phải nhanh chóng thích nghi trước khi tiếp nhận phi đội F-16.

Có một yêu cầu cơ bản là Ukraine phải đảm bảo mọi thứ từ bộ công cụ đến phụ tùng thay thế và giá đỡ, cũng như thiết bị quản lý an toàn hydrazine, một chất lỏng rất dễ cháy được sử dụng để cung cấp năng lượng cho hệ thống dự phòng khẩn cấp của F-16.

Những người lính của Kiev cần học cách sửa chữa, bảo trì và giấu những chiếc Falcon khỏi radar, tình báo và vệ tinh của Nga. “Các kỹ thuật viên và kỹ sư hàng không của chúng tôi hiện cũng đang được đào tạo ở phương Tây cùng với các phi công. Họ là nền tảng lực lượng trên bộ của chúng tôi”, người phát ngôn Không quân Ukraine, Yury Ihnat tự tin nói.

Ông Ihnat cho rằng F-16 vận hành dễ dàng hơn, hiện đại hơn và tự động hóa hơn MiG. “Nó giống như một chiếc máy bay phản lực lắp ghép. Bạn chỉ cần lấy ra một bộ phận bị hỏng và gửi nó đi sửa chữa”, quan chức này nói và cho biết thêm: “Đây là chiếc máy bay phản lực phổ biến nhất trên thế giới. Một, nó rất dễ bảo trì. Thứ hai, nó có thể thực hiện những nhiệm vụ mà Ukraine cần ở giai đoạn này của cuộc chiến.”

Một kỹ thuật viên Ukraine tên Ihor, đang được huấn luyện với F-16 cũng khẳng định: “Ban đầu khi làm quen với hệ thống này, chúng tôi thấy có vẻ khó hiểu và không thực tế khi xét đến tình hình thực tại. Nhưng bây giờ tôi hiểu rằng nó đơn giản hóa công việc rất nhiều, tiết kiệm thời gian”.

“Lái máy bay chiến đấu thực sự rất thú vị. F-16 nhanh nhẹn hơn. Có cảm giác như chúng muốn bạn lái chúng mạnh mẽ hơn”, phi công Ukraine có biệt danh Moonfish cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại