Một chiếc Boeing 727 đời 1965 đã được tái sinh thành khách sạn độc đáo mang tên Fuselage Home nằm trong khu nghỉ mát Costa Verde.
"Độ" máy bay không phải chưa từng có, dù ít. Máy bay bị loại bỏ với mức giá thấp là một phôi độ thích hợp để biến thành nhà. Trở ngại lớn nhất là khó di chuyển.
Khung cảnh khách sạn máy bay nhìn từ trên cao - Ảnh: Costa Verde
Trong trường hợp cụ thể này, việc di chuyển chiếc máy bay Boeing 727 từ sân bay San Jose đến vị trí mới cần đến 5 chiếc xe 18 bánh và khung máy bay được “xẻ” thành nhiều phần.
Fuselage Home khởi đầu là một chiếc Boeing 727 đời 1965 từng do hãng hàng không Nam Phi vận hành, và sau đó là Hãng hàng không Avianca của Colombia.
Allan Templeton, người thành lập khu nghỉ mát Costa Verde, đã nảy ra ý tưởng biến máy bay thành khách sạn sau khi biết được về sáng kiến tương tự ở Mỹ. Ông đã liên lạc với người Mỹ này, nhưng thất vọng khi biết anh ta chỉ có ý tưởng chứ chưa làm thực tế.
Allan Templeton chỉ còn cách tự làm. Anh bắt đầu tìm “những cách mới để mang đến sự tiện lợi và sang trọng cho mảnh nhôm phế liệu thô tục”. Hợp tác với Faith Mulvill, cựu tiếp viên hàng không nay trở thành người môi giới bất động sản, Templeton mua lại chiếc máy bay cũ nằm trong một góc sân bay, chỉ còn được sử dụng trong các cuộc tập dượt chữa cháy.
Họ “bẻ nhỏ” máy bay, đưa đến khu rừng nhiệt đới ven biển giữa Vườn quốc gia Manuel Antonio và Thái Bình Dương.
Chiếc máy bay cũ được “bẻ nhỏ” để di chuyển từ sân bay đến rừng rậm - Ảnh: Costa Verde
Ban đầu, họ định để nguyên “khách sạn” nằm trên bánh xe. Nhưng vì lốp liên tục xì hơi, họ đổ bê tông làm bệ chống và gắn khung máy bay lên bệ với sự trợ giúp của cần cẩu 90 tấn. Bằng cách này, bất cứ ai ở trong đều có cảm giác bay bổng khi nhìn ra cửa sổ.
Do bánh không chịu được sức nặng mới, họ buộc phải thay bằng bệ bê tông để vẫn tạo ra cảm giác bồng bềnh như ngồi trong máy bay thật - Ảnh: Costa Verde
Do đã quá cũ, phần lớn chiếc 727 bị loại bỏ, chỉ giữ lại vỏ, ghế buồng lái và cửa sổ cabin. Bên trong, Fuselage Home trông giống một cabin bằng gỗ hơn là một chiếc máy bay, vì được bao phủ bằng gỗ tếch địa phương được làm thủ công, mang lại cảm giác ấm cúng và rung cảm tự nhiên.
Nội thất đã được chia thành 2 phòng ngủ (1 cho 4 người và 1 cho 2 người). Mỗi phòng đều có phòng tắm riêng, sân hiên riêng, lối vào riêng.
Trong máy bay có 2 phòng ngủ thoải mái cho 6 người - Ảnh: Costa Verde
Có 2 bếp nhỏ, 2 phòng tắm, và khu vực ăn uống ở sảnh khách chung, cũng như đài quan sát trong buồng lái cũ. Mỗi sân hiên nằm trên các cánh. Một sân hiên có tầm nhìn ra đại dương.
Du khách có thể tự chuẩn bị bữa ăn nhẹ trong bếp nhỏ, hoặc đến 1 trong 4 nhà hàng của khu nghỉ mát Costa Verde.
Các khu vực khác trong máy bay - Ảnh: Costa Verde
Có thể thưởng thức bữa ăn nhẹ và ngắm cảnh biển từ khoang lái cũ - Ảnh: Costa Verde
Sân hiên trên cánh máy bay - Ảnh: Costa Verde
Từ máy bay có tầm nhìn ra đại dương - Ảnh: Costa Verde
Một trong các nhà hàng cũng được làm từ máy bay, chiếc Fairchild C-123, được gọi là El Avion. Có thể nói, cả khu nghỉ mát Costa Verde mang đậm chủ đề hàng không.
Cả Mulvill và Templeton chưa bao giờ tiết lộ chi phí thực hiện dự án tham vọng này. Nhưng khả năng cao là họ đã thu hồi được vốn.
Một đêm nghỉ tại khách sạn máy bay độc đáo (họ gọi là “khách sạn độc nhất ở Costa Rica”) có giá 450 USD (chưa thuế)/ngày vào mùa giảm giá, và 1.153,5 USD (chưa thuế)/ngày vào mùa cao điểm.