Máy bay bị delay vì “đụng” phải tình huống “cười ra nước mắt”

ĐS |

Việc thay đổi giờ cất cánh ngoài lý do kỹ thuật, thời tiết xấu hoặc máy bay về trễ, nhân viên mặt đất và tiếp viên hàng không còn tiết lộ thêm những lý do “khó đỡ” khiến họ phải “cười ra nước mắt”.

Mua vé máy bay bị lừa đi… xe bus

Chuyến bay từ Sài Gòn đi Hà Nội vào tháng 8/2015, một bà cụ hơn 70 tuổi không chịu lên xe bus để ra tàu bay. Cụ chỉ đứng khóc nức nở. Suốt gần một tiếng đồng hồ, nhân viên mặt đất vẫn không hiểu lý do vì sao mà vị khách này nhất định không trả lời. Cụ một mực đòi điện thoại về gặp người thân. "Ôi giời ơi lừa đảo con ơi, mua vé máy bay mà bắt đi xe bus ra Hà Nội thì bao giờ mới đến. Mẹ không đi nữa đâu", anh Cao Kiến Quốc, nhân viên mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, kể lại.

Máy bay bị delay vì “đụng” phải tình huống “cười ra nước mắt” - Ảnh 1.

Hành khách lớn tuổi hiểu lầm rằng mua vé máy bay nhưng phải đi xe buýt nên nhất định không lên xe. @ Internet

"Cụ bà được con cái dặn là không trả lời người lạ nếu không sẽ bị lừa gạt, bắt đi. Vì thế, ai hỏi cụ cũng không trả lời. Để ổn định và giải thích cho hành khách hiểu, chúng tôi mất gần một tiếng đồng hồ. Cảm xúc lúc đó vừa thương, vừa thông cảm vì những người lớn tuổi lần đầu đi máy bay. Nhưng bên cạnh đó là áp lực từ hành khách khác và hệ quả chuyến bay bị muộn hơn 1 tiếng", anh Quốc chia sẻ.

Cũng "khó đỡ" không kém là chuyến bay từ Hà Nội vào TP.HCM dịp tết Nguyên đán 2019. Một tiếp viên hàng không cho biết sau khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, máy bay còn sót lại một hành khách đang ngủ.

Tiếp viên thay nhau đánh thức vị hành khách này nhưng bất lực vì hành khách ngủ quá say. Sự cố này khiến cho quy trình vệ sinh, kiểm tra tàu bay bị gián đoạn hơn nửa tiếng, ảnh hưởng đến lịch trình bay các chuyến tiếp theo. Đáng buồn là khi tỉnh dậy, hành khách lại gây gổ với tiếp viên khiến bộ phận an ninh sân bay phải can thiệp.

Mải mua sắm hàng miễn thuế quên cả lối về

Trong số những nguyên nhân máy bay bị delay do hành khách, không thể không nói tới chuyện chậm chuyến vì shopping.

Anh Phạm Nhật Trường, một tiếp viên hàng không, cho biết các sân bay ở Hongkong, Hàn Quốc, Singapore là thiên đường hàng miễn thuế và sống ảo hấp dẫn. Hành khách không mua sắm trong chuyến đi mà tập trung vào cửa hàng miễn thuế trong sân bay. "Khách làm thủ tục xong say mê mua sắm quên cả giờ lên tàu bay và không còn chú ý tới hiệu lệnh phát trên loa", anh Trường nói.

Trong chuyến bay sát tết năm 2019 từ Hàn Quốc về Việt Nam, một hành khách nữ đi cùng con nhỏ 2 tuổi sau khi làm thủ tục xong đã vào mua sắm tại sân bay rồi "chìm đắm" trong đó, quên cả giờ ra máy bay. Tất cả hành khách của chuyến bay đã ổn định trên tàu bay nhưng không thể cất cánh. Nhân viên mặt đất nháo nhào đi tìm vị khách này. "Trong khoang hành khách, mọi người đang rất sốt ruột, một số hành khách đã kích động và lớn tiếng với tiếp viên. Do khách đi cùng con nhỏ, nhân viên mặt đất phải gấp rút tìm kiếm và phải xem lại camera. Sau gần 1 tiếng tìm kiếm, nhân viên mặt đất đã phải hộ tống khách nữ và con nhỏ lên máy bay với khoảng 5 túi đồ mua sắm nặng trĩu", anh Trường nhớ lại.

Máy bay bị delay vì “đụng” phải tình huống “cười ra nước mắt” - Ảnh 2.

Nhiều hành khách có sở thích mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế, vừa tiếp kiệm lại mua được nhiều mặt hàng xịn sò nhưng không may quên giờ lên tàu bay và bị lố ký. @ Internet

Một chuyến bay khác từ Việt Nam đi Singapore cũng cất cánh muộn 30 phút vì một khách mải mê thử sản phẩm tại cửa hàng mỹ phẩm mà quên cửa ra tàu bay và giờ khởi hành. Nhân viên mặt đất đã một phen tìm kiếm và khi đến nơi phải đợi một lúc cho khách tẩy trang hết các vết lem của son và mascara.

Chậm chuyến là điều mà hành khách và chính các hãng hàng không đều không mong muốn. Mỗi cá nhân tham gia chuyến bay đều cần rèn thói quen chấp hành quy định của ngành và hãng bay. Nếu không những chuyện chậm chuyến dở khóc, dở cười nói trên sẽ khiến bao khách bực mình và hãng thì thiệt thòi. Chậm chuyến còn gây thiệt hại cả về kinh tế, đặc biệt là đối với các hãng khi mà tất cả chi phí từ sân bay, bãi đỗ, các dịch vụ mặt đất đi kèm, nhiên liệu và nhân sự, họ đều phải trả phí theo từng giây, từng phút và phụ thuộc vào nhiều đơn vị liên quan.

Chứng minh thân nhân bằng hợp đồng… cầm đồ

Do sử dụng chứng minh nhân dân và bằng lái xe để cầm cố lấy một khoản tiền, khi bay từ Vinh ra Hà Nội, một hành khách đã lấy hợp đồng cầm đồ thay cho giấy tờ tùy thân để làm thủ tục tại sân bay Vinh. Sau một hồi lớn tiếng với nhân viên quầy làm thủ tục, hành khách điện thoại nhờ người thân bổ sung giấy tờ. "Giấy tờ mà chúng tôi nhận được là giấy khai sinh và hộ khẩu của hành khách cùng với một trận "lôi đình nảy lửa" do khách gây ra khiến cả sân bay náo loạn, bộ phận an ninh phải can thiệp", một nhân viên mặt đất tại sân bay Vinh kể về trường hợp hy hữu này. Cách hành xử "vô đối" của vị khách nói trên đã gây ảnh hưởng đến quá trình làm thủ tục của hành khách và nhân viên sân bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại