Tạm ngừng lưu thông vì thủ tục hành chính?
Ngày 21/6 vừa qua, thanh tra Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra thanh tra toàn diện tại Coca Cola Việt Nam. Việc thanh tra này diễn ra tại 3 nhà máy của công ty này ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
Sai phạm mà Bộ chỉ ra là đơn vị này đã có sản xuất thực phẩm bổ sung, trong khi công ty chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp để sản xuất thực phẩm bổ sung.
Chính vì vậy mà Bộ đã yêu cầu tạm ngừng lưu thông 13 sản phẩm của Coca Cola Việt Nam nhằm hoàn tất các giấy tờ theo quy định. Các sản phẩm này bao gồm:
Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai; nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin các sản phẩm của Coca Cola Việt Nam bị ngừng lưu thông được đăng tải thì giấy phép đủ điều kiện sản xuất do Cục An toàn thực phẩm (cũng Bộ Y tế) được thông báo đã ban hành.
Theo lý giải của Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, vấn đề của Coca Cola Việt Nam là vấn đề thủ tục, chứ không phải là do chất lượng sản phẩm.
Coca Cola Việt Nam trước đây chỉ sản xuất nước giải khát nên theo thẩm quyền, chi cục an toàn thực phẩm TP.HCM cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc đơn vị này sản xuất thêm 1 số nước uống có bổ sung vitamin, theo nguyên tắc được quy định tại thông tư cũ thì Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải cấp giấy chứng nhận này để đáp ứng yêu cầu về điều kiện.
Đặc biệt, Thông tư 13 của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển và Nông thôn, Bộ Công Thương có quy định: với một cơ sở mà một đơn vị cấp giấy rồi, thì đơn vị khác sẽ không cấp thêm giấy để tránh phiền hà cho doanh nghiệp.
"Cục An toàn thực phẩm hiểu rằng do có giấy được cấp ở bên dưới rồi nên không cấp nữa, tránh phiền hà cho doanh nghiệp.
Thế nhưng khi thanh tra lại yêu cầu là vẫn phải hai giấy, chúng tôi đã cấp lại ngay vì thủ tục rất là đơn giản. Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh chứ không phải là giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm", ông Phong nói.
Như vậy, cùng một sự việc nhưng 2 cơ quan ở Bộ Y tế lại có cái nhìn khác nhau.
Cục An toàn thực phẩm coi đây chỉ là một thủ tục hành chính, không liên quan đến chất lượng sản phẩm nên quyết định tạm dừng lưu thông sản phẩm của doanh nghiệp là "khó hiểu" (nhận xét của ông Nguyễn Thanh Phong), còn người đồng nghiệp ở Thanh tra Bộ Y tế thì ký công văn yêu cầu tạm dừng lưu thông.
Trong thông báo tạm ngừng lưu thông sản phẩm của Coca Cola Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An (nơi có trụ sở của công ty Coca Cola) yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm này để hoàn tất các giấy tờ theo quy định.
Thế nhưng, trả lời báo chí, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong lại nhận mạnh: "Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ gửi ra thì phải ưu tiên cấp ngay, chứ không thể để dừng hoạt động vì một thủ tục hành chính.
Chúng tôi sẽ cấp phép ngay, bình thường thời gian xin giấy phép này mất khoảng 15 ngày, nhưng trong trường hợp cần thiết thì chỉ trong vòng 1-2 ngày, vì họ đã có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh của Sở Y tế TP.HCM, ngoài ra có chứng nhận ISO".
Coca Cola dừng lưu thông sản phẩm trước khi có quyết định của Bộ?
Theo như quy định của pháp luật, khi 1 sản phẩm không đảm bảo các yếu tố liên quan đến sản xuất thì sẽ không được lưu thông ra ngoài thị trường. Nếu sản phẩm đã bán ra ngoài thị trường thì nhà sản xuất sẽ có nhiệm vụ và trách nhiệm phải thu hồi số hàng đã được tung ra ngoài.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại và truyền thông của hãng nước giải khát đến từ Mỹ cho biết: "Công ty đã tạm dừng sản xuất, tạm dừng lưu thông, thu hồi các sản phẩm liên quan và nhanh chóng khắc phục bằng việc hoàn tất hồ sơ để đăng ký đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm vào tháng trước".
Nguyên nhân là do "một vài tháng trước đây, qua thanh tra nội bộ, chúng tôi nhận thấy có thêm một yêu cầu về điều kiện sản xuất các sản phẩm nước giải khát có bổ sung vi chất, hay còn được gọi là thực phẩm bổ sung", ông Mỹ nói.
Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, dâu, xoài và nước cam có tép Minute Maid TEPPY tại Co.op Mart Hà Đông. Ảnh: M.Đ
Thế nhưng, hiện tại, 13 sản phẩm của Coca Cola Việt Nam bị tạm dừng lưu thông vẫn được bày bán rộng rãi trên thị trường.
Tại các siêu thị lớn tại Việt Nam như Co.op Mart, Big C, sản phẩm của Coca Cola Việt Nam được bày bán trên các kệ hàng. Các quán nước bên đường hầu như đều có sản phẩm của Coca Cola, nhiều nhất là các loại nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost.
Như vậy, dường như hiện thực lại không giống như những gì vị đại diện này nói. Bởi lẽ, nếu đơn vị này đã có động thái thu hồi sản phẩm hoặc có thông báo về việc ngừng lưu thông 13 sản phẩm trên thì việc khan hàng là điều khó tránh khỏi.
Đến nay, khi Thanh tra Bộ Y tế ra công văn tạm dừng lưu thông loạt sản phẩm này của Coca Cola thì các mặt hàng trên vẫn tràn lan tại các siêu thị, quán xá.
Người đại diện của Coca Cola cũng không trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong là công ty có tiến hành thu hồi những lô sản phẩm sản xuất thời điểm trước khi công ty được cấp giấy phép cho thực phẩm bổ sung hay không?