Quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi chính phủ Đức đang phải vật lộn với các quyết định chiến lược về chính sách kinh tế. Các tình huống dẫn đến quyết định này phần nào nêu bật những thách thức trong chính phủ liên minh gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Olaf Scholz, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) liên quan đến sự đồng thuận về các vấn đề ngân sách.
Thời gian gần đây chứng kiến những rạn nứt gia tăng giữa Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Tài chính Lindner do quan điểm khác nhau về định hướng tài khóa cho Đức. Căng thẳng lên đến mức Bộ trưởng Lindner đề xuất khả năng bầu cử sớm như một cách để giải quyết bế tắc, song đã không được Thủ tướng Scholz chấp nhận.
Thủ tướng Scholz thông báo sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào ngày 15/1/2025, một bước đi có thể dẫn đến bầu cử liên bang sớm vào tháng 3 tới: “Tôi vừa yêu cầu Tổng thống sa thải Bộ trưởng Tài chính. Tôi cảm thấy buộc phải thực hiện bước đi này để tránh thiệt hại cho đất nước. Chúng ta cần một chính phủ có khả năng hành động, có đủ sức mạnh để đưa ra những quyết định cần thiết. Đó là điều tôi nghĩ là quan trọng trong ba năm qua và cũng rất quan trọng trong thời điểm này. Tôi đã đưa ra một đề xuất toàn diện khác cho đối tác liên minh Dân chủ Tự do về cách chúng ta có thể thu hẹp bất đồng liên quan tới ngân sách liên bang mà không khiến cho đất nước chúng ta rơi vào tình trạng hỗn loạn".
Giới chuyên gia nhận định, Đức có thể rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong vòng 6-7 tháng tới, bởi vì nếu diễn ra cuộc bỏ phiếu tín nhiệm và bầu cử trước thời hạn như thời gian trên thì Đức có thể không có một chính phủ mới hoạt động cho đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6/2025.
Liên minh cầm quyền của Đức tranh cãi liên quan các đề xuất cải cách kinh tế do Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đưa ra.
Đề xuất dài 18 trang gồm cắt giảm thuế cho doanh nghiệp, bãi bỏ quy định về khí hậu và giảm phúc lợi xã hội. Những đề xuất này không chỉ bị chỉ trích mạnh mẽ mà còn được coi là một sự khiêu khích đối với các đối tác trong liên minh, bao gồm đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh. Cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cũng lên tiếng cảnh báo chính phủ liên minh hiện nay có thể sụp đổ vào “thời điểm tồi tệ nhất”.
“Tất nhiên chúng ta biết rằng chính phủ liên minh không phải lúc nào cũng có danh tiếng tốt. Chúng ta có nhiều bất đồng. Tôi muốn lưu ý tới bi kịch ngày hôm nay khi nước Đức cần thể hiện tinh thần đoàn kết và khả năng hành động ở châu Âu. Thủ tướng đã sa thải Bộ trưởng tài chính. Nhưng cho dù bất cứ điều gì xảy ra thì điều quan trọng là Đức vẫn đảm nhận trách nhiệm quốc tế của mình".
Cuộc khủng hoảng chính phủ Đức diễn ra giữa lúc nền kinh tế đầu tàu châu Âu đang trong tình trạng trì trệ, cơ sở hạ tầng già cỗi. Một cuộc cải tổ chính trị có thể làm gia tăng sự thất vọng đối với các đảng phái chính thống của Đức, mang lại lợi ích cho các phong trào dân túy trẻ tuổi hơn, bao gồm cả đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) chống nhập cư.