Mâu thuẫn nội bộ gia tăng, chính trường Đức rơi vào bế tắc

Anh Tuấn |

Sau cuộc họp kéo dài vừa diễn ra tại Phủ Thủ tướng, đại diện của 3 đảng tạo nên chính phủ trung tả của Đức đã tan rã. Tình huống này xảy ra giữa bối cảnh Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với bất ổn chính trị trong nước, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) rơi vào suy thoái và tình hình thế giới diễn biến phức tạp.

Theo đó, đại diện 3 đảng trong liên minh cầm quyền “đèn giao thông” gồm Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh đã tranh cãi nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan đến các đề xuất cải cách kinh tế. Đỉnh điểm là Thủ tướng đã sa thải Bộ trưởng Tài chính do khác biệt về quan điểm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc "bãi nhiệm" Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner. Ảnh: France Info

Điều gì đẩy liên minh cầm quyền của Đức sụp đổ?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sụp đổ sớm của liên minh cầm quyền do Thủ tướng Olaf Scholz dẫn đầu. Đầu tiên, đó là những rạn nứt liên quan đến những bất đồng trong các chính sách tài khóa sau khi tòa án Tối cao Đức đưa ra phán quyết hồi tháng 9 năm ngoái chống lại các kế hoạch của chính phủ nhằm chuyển mục đích sử dụng số tiền 60 tỷ euro được phân bổ để giảm thiểu hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng chưa chi, cho các dự án hành động vì khí hậu.

Với khoảng trống ngân sách khổng lồ, Chính phủ Đức đứng trước nguy cơ không có khả năng chi trả các chính sách xã hội và khí hậu của đảng SPD và đảng Xanh. Trước tình thế đó, các Đảng thuộc liên minh liên tục có những động thái gây chia rẽ, kéo bè cánh trong nội các nhằm đạt được khả năng thông qua các mục tiêu của Đảng mình đề ra.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Đức tiếp tục rơi vào suy thoái kinh tế, người dân bắt đầu bày tỏ sự bất mãn. Các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều nơi. Đỉnh điểm của các mâu thuẫn là cuộc biểu tình của những người nông dân và lái xe yêu cầu nhà nước phải tăng cường hỗ trợ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng.

Động thái của Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, thuộc đảng Dân chủ Tự do (FDP), về ý tưởng giảm giá xăng và dầu diesel cho người lái xe để bù đắp giá cả tăng vọt đã khiến các thành viên Đảng Xanh phẫn nộ. Từ đó 3 Đảng thuộc liên minh cầm quyền liên tục có những hành động ganh đua và bất hòa. Điều này khiến cử tri Đức ngày càng chán nản và tìm kiếm lối thoát nơi các Đảng khác.

Và các cuộc bầu cử khu vực được tổ chức ở ba bang miền Đông vào tháng 9/2024 như hồi chuông báo động khi các đảng trong liên minh cầm quyền, bao gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã hoàn toàn bị đánh bại trong các cuộc bầu cử này. Với kết quả đáng thất vọng, Bộ trưởng Tài chính Lindner quay ra chỉ trích toàn bộ các chính sách kinh tế và tài chính của Chính phủ đương thời, đồng thời đưa ra tối hậu thư về việc phải thỏa hiệp.

Đối mặt với “sự khiêu khích” từ phía Đảng FDP, Thủ tướng Olaf Scholz cho rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc “bãi nhiệm” ông Lindner và tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ trước Quốc hội vào ngày 15/1/2025 cũng như cho phép đưa ra quyết định về việc bầu cử sớm. Phản ứng trước quyết định này, các thành viên Đảng Dân chủ Tự Do tuyên bố sẽ rời khỏi chính phủ và đánh dấu chấm hết cho liên minh 3 Đảng cầm quyền tại Đức.

Bế tắc chính trị kéo dài

Với quyết định tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ trước Quốc hội vào ngày 15/1/2025, ông Scholz đang hướng đến mục tiêu là tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn. Theo Hiến pháp của Đức, nếu Thủ tướng không đảm bảo được đủ sự ủng hộ, ông có thể chính thức yêu cầu Tổng thống giải tán Hạ viện gồm 733 ghế và triệu tập các cuộc bầu cử mới trong vòng 60 ngày. Điều này có thể đẩy cuộc bầu cử Quốc hội của Đức từ mùa thu năm sau, tức là tháng 9 sang tháng 3/2025.

Như vậy, với việc liên minh cầm quyền tan rã và không có khả năng đưa ra bất kỳ quyết định gì, các chuyên gia địa bàn nhận định Đức đang rơi vào tình trạng bế tắc chính trị trong ít nhất là 4 tháng tới. Thế khó này chỉ có thể được tháo gỡ trong trường hợp ông Scholz có thể tìm ra được một liên minh đa số mới hoặc điều hòa lại nội bộ 3 đảng cầm quyền.

Tuy nhiên, theo tình hình thực tế, điều này là gần như không thể xảy ra. Và ngay cả trong trường hợp Thủ tướng Đức làm được điều không tưởng, thì các đàm phán về chính sách cũng như cách thức phối hợp của liên minh mới cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, được tính bằng đơn vị tháng.

Nhưng điều đáng nói ở đây là tương lai của nước Đức, một cuộc bầu cử sớm trong bối cảnh Đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) đang đạt được sự ủng hộ to lớn của người dân Đông Đức, có thể khiến Thủ tướng Olaf Scholz phải trả giá đắt. Nhiều khả năng Đức sẽ phải chấp nhận sự tham gia của phe cực hữu trong liên minh cầm quyền khóa mới. Và kết quả này sẽ ảnh hưởng đến các quyết định của Đức trên trường quốc tế, từ chính sách ngoại giao với Mỹ cho đến việc ủng hộ Ukraine.

Bước đi đối ngoại của Đức

Diễn ra chỉ một ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng bàn thảo đưa ra phản ứng thống nhất về những thay đổi có khả năng xảy ra - từ khả năng áp thuế mới của Mỹ cho đến cuộc xung đột Nga - Ukraine hay tương lai của NATO. Rõ ràng với một chính quyền còn đang loay hoay các vấn đề đối nội, thì những bước đi đối ngoại của Đức có lẽ cũng khó có thể thúc đẩy, khiến ảnh hưởng đến cả khối.

Tình hình hiện tại của Berlin không chỉ khiến người dân Đức lo ngại mà ngay cả các đồng minh của Đức, đơn cử như Pháp, tỏ ra bối rối. Đầu tiên, với sự bãi nhiệm của Bộ trưởng Tài chính Lindner, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp, Antoine Armand, đã buộc phải hủy bỏ chuyến công tác đến Đức. Và trong bối cảnh nguy cơ chủ nghĩa “bảo trợ kinh tế” đang trở lại tại Mỹ, việc không có đối tác đàm phán đã khiến liên minh Pháp - Đức rơi vào thế khó. Hệ quả là trụ cột Pháp - Đức lung lay ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đưa ra quyết định của Khối 27.

Tương tự, bế tắc chính trị sẽ khiến tiếng nói của Berlin suy giảm nghiêm trọng, đẩy châu Âu vào thế bấp bênh khi giờ đây cả Liên minh không còn đầu tầu vững chắc, nhất là trong bối cảnh chính trường Pháp cũng đang vấp phải những khó khăn chính trị chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, có một điểm sáng le lói với chính trường châu Âu, đó là việc Đảng Tự do dân chủ rút lui khỏi liên minh cầm quyền tại Đức giúp cho giới chuyên môn có cái nhìn rõ ràng hơn về quan điểm của Berlin trong các vấn đề kinh tế hay chính trị tại EU bởi ông Scholz chia sẻ nhiều quan điểm chung với Đảng Xanh. Nhưng điểm cộng này chỉ có giá trị khi ông Scholz đạt được đa số tại Quốc hội hoặc thành lập được một liên minh vững chắc.

Thế nên việc Khối 27 có thể tiếp tục duy trì việc thống nhất ủng hộ Ukraine hay theo đuổi các biện pháp cứng rắn với Trung Quốc đều là những thách thức với EU trong thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại