Mặt xấu dần hé lộ về xâm phạm quyền riêng tư của thanh toán không dùng tiền mặt

Tấn Minh |

Người dùng tại thủ phủ công nghệ Trung Quốc, ngôi nhà của những gã khổng lồ Tencent, Huawei, DJI, cùng vô vàn các startup mới nổi khác, đang ngày một quan ngại về vấn đề quyền riêng tư dữ liệu giữa thời đại số.

Vừa bực bội, vừa đói, Wang Xiaoxu - một kỹ sư 28 tuổi tại Thâm Quyến - cuối cùng chấp nhận bỏ một bữa ăn với bạn bè tại một nhà hàng địa phương sau khi hệ thống đặt hàng chặn yêu cầu khi cô từ chối chia sẻ dữ liệu cá nhân qua điện thoại di động.

"Chẳng có thực đơn bằng giấy, chỉ có một mã QR dùng để quét trên bàn", Wang nói. "Tôi phải chấp thuận yêu cầu thu thập tên WeChat, ảnh chân dung và khu vực mình đang sống. Nếu từ chối thì tôi sẽ không thể xem menu, đặt món, hay thanh toán hóa đơn của mình".

Điều Wang gặp phải đang ngày càng trở thành một vấn đề phổ biến ở Trung Quốc, nơi mọi người rất hào hứng với những tiện ích do các dịch vụ số mang lại, nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ những tác hại tiềm ẩn của việc chia sẻ dữ liệu cá nhân.

Tuy nhiên, điều đó sắp thay đổi, khi mà người dân Trung Quốc hiện đã không còn tư tưởng mặc kệ những ông lớn công nghệ theo dõi nhất cử nhất động của mình nữa.

Tháng trước, Chang Lijie, sống tại Thâm Quyến, nói rằng anh sẽ không mua vé xem phim trực tuyến nữa sau khi Maoyan, ứng dụng bán vé xem phim lớn nhất Trung Quốc, yêu cầu thu thập số điện thoại, thông tin định danh và thông tin nghề nghiệp của anh.

"Thực sự không thể chấp nhận được rằng tôi phải chia sẻ thông tin cá nhân chỉ để xem một bộ phim hay ăn món gì đó. Tôi hiểu rằng một ứng dụng thời tiết cần thông tin địa điểm để cung cấp dự báo, nhưng tại sao tôi phải chia sẻ số điện thoại và ID chỉ để mua một tấm vé xem phim?", Chang nói.

Maoyan không phản hồi lại yêu cầu bình luận về vụ việc.

Mặt xấu dần hé lộ về xâm phạm quyền riêng tư của thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Một khách hàng thanh toán khi mua điện thoại tại một cửa hàng ở quận Futian, Thâm Quyến

Dù Trung Quốc từ trước đến nay đã nổi tiếng về những điều luật về quyền riêng tư đầy yếu kém và nhiều lỗ hổng, mối quan ngại của công chúng đang ngày càng tăng cao liên quan t ới hành động thu thập rộng rãi dữ liệu cá nhân tại những nơi như Thâm Quyến - nơi đặt trụ sở của Tencent Holdings, Huawei Technologies, ZTE và nhiều gã khổng lồ công nghệ khác - trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc chuyển dịch sang môi trường số. Trong khi xu hướng thanh toán không tiền mặt diễn ra trên toàn quốc, tại những trung tâm trọng điểm về công nghệ như Thâm Quyến, việc ăn uống hay mua sắm đã trở thành những hoạt động chỉ diễn ra trên môi trường mạng mà thôi.

"Quan ngại ngày càng tăng cao trong cộng đồng người dùng Internet Trung Quốc về vấn đề thu thập dữ liệu và các vấn đề liên quan bảo mật khác", Dingding Zhang, cựu chủ tịch công ty nghiên cứu Sootoo Institute (trụ sở Bắc Kinh), hiện là nhà bình luận công nghiệp Internet độc lập, cho biết. "Những người dùng không quan tâm về vấn đề rò rỉ dữ liệu cá nhân có lẽ không nhận ra được chúng có thể gây nguy hại cho họ như thế nào".

Hiệp hội người tiêu dùng Trung Quốc (CCA), tổ chức bảo vệ người tiêu dùng của quốc gia này, mới đây cho biết một lượng lớn các ứng dụng smartphone tại Trung Quốc đã và đang thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân, bao gồm vị trí người dùng, danh bạn, và số điện thoại. Một báo cáo được tung ra hồi cuối năm ngoái cho biết 91/100 ứng dụng di động được đánh giá đã bị xếp vào diện nghi ngờ thu thập quá nhiều dữ liệu, nhưng không công bố tên cụ thể của chúng.

"Nhiều ứng dụng thu thập rất nhiều dữ liệu cá nhân, vượt quá mức yêu cầu của dịch vụ", Wu Shenkuo, tổng thư ký viện nghiên cứu phát triển Internet Trung Quốc cho biết. "Thu thập vượt mức dữ liệu là phạm pháp".

Các công ty Internet Trung Quốc ngày nay tỏ ra rất mập mờ về quyền riêng tư dữ liệu. Một mặt, họ khen ngợi những lợi ích của việc trao những lượng lớn dữ liệu cho các công cụ trí tuệ nhân tạo mới để tạo ra một trải nghiệm người tiêu dùng hiệu quả và cá nhân hơn. Mặt khác, họ rất tinh ranh khi nói về những lo lắng ngày càng tăng về việc thông tin riêng tư đang bị thu thập và sử dụng như thế nào nhằm duy trì niềm tin của người tiêu dùng.

"Báo cáo Internet Trung Quốc 2019" phát hiện ra rằng AI được sử dụng trên quy mô cực rộng tại Trung Quốc, với các ứng dụng trải dài trên nhiều lĩnh vực, từ trả phí tàu điện ngầm, kiểm tra khách sạn bằng nhận dạng khuôn mặt để giúp chính quyền theo dõi người tị nạn đang trốn chạy, hoặc thực thi luật giao thông. Nhà đầu tư mạo hiểm, cựu giám đốc Google China, Kai-fu Lee, nói rằng trong thời đại AI ngày nay, dữ liệu là dầu mỏ mới và Trung Quốc nắm giữ nhiều dữ liệu hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Mặt xấu dần hé lộ về xâm phạm quyền riêng tư của thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh 2.

Một phóng viên SCMP sử dụng thanh toán di động để sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp ở Thâm Quyến.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt một bộ luật đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu vẫn là một mối bận tâm lớn.

Trong hai phiên họp hồi tháng 4, phát ngôn viên của Quốc hội, Zhang Yesui, nói rằng chính quyền đã gấp rút thực hiện dự thảo một bộ luật nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhưng không tiết lộ khi nào nó sẽ hoàn thành hoặc được ban hành.

Nhưng không chỉ Trung Quốc mới đôi mặt với cơn khủng hoảng quyền riêng tư dữ liệu, Thượng viện Mỹ đã và đang tiến hành nhiều phiên điều trần về các điều luật quyền riêng tư mới để bảo vệ mọi công dân Mỹ. Còn tại EU, luật General Data Protection Regulation (GDPR) đã được triển khai rộng rãi từ tháng 5/2018.

Nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg, từng nói rằng nếu Mỹ tiếp tục giám sát việc sử dụng dữ liệu cá nhân sẽ khiến họ thụt lùi đằng sau các công ty Trung Quốc, đặc biệt khi xét đến lĩnh vực cải tiến AI dựa trên dữ liệu.

Một khảo sát do CCA tiến hành hồi năm ngoái cho thấy 85% người Trung Quốc từng là nạn nhân của một vài vụ rò rỉ dữ liệu, như số điện thoại và địa chỉ email của họ bị bán cho những tên spammer.

Phải nói rõ rằng, dù mối quan ngại của công chúng đang ngày càng tăng, nhưng họ cũng chẳng làm gì được. Và nhiều người Trung Quốc hiện không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chia sẻ dữ liệu của mình, hoặc chấp nhận bị chặn sử dụng ứng dụng ưa thích và không thể tiến hành thanh toán trực tuyến được.

"Tôi chẳng quan tâm về việc thu thập dữ liệu. Camera được lắp khắp nơi ở Trung Quốc và tôi nghĩ những nỗ lực nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của tôi đơn giản là vô ích", Yu Zhiyao, một doanh nhân 32 tuổi nói. "Tôi trấn an mình rằng các ứng dụng khiến cuộc sống hàng ngày của tôi tiện lợi hơn, do đó nếu bạn muốn thông tin cá nhân của tôi - thì nó đây, của bạn đó".

Tham khảo: SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại