"Sống ảo" đẳng cấp như dân Trung Quốc: Quét gương mặt để thanh toán cũng phải dùng filter, không bao giờ được xấu xí dù chỉ là vài giây!

Gia Vũ |

Alipay sẽ triển khai filter làm đẹp cho toàn bộ hệ thống nhận diện khuôn mặt trong vòng một tuần: Người dùng sẽ thấy mình thật ưa nhìn mỗi khi thanh toán, còn hơn cả ứng dụng chụp ảnh làm đẹp!

Trung Quốc là nước có số lượng người phẫu thuật thẩm mỹ lớn thứ ba trên thế giới. Dân số của quốc gia này rất thích sử dụng các bộ lọc (filter) làm đẹp trên các ứng dụng ảnh và video. Và giờ đây, điều này đã được nâng lên một tầm cao mới: Filter làm đẹp sắp được đưa lên cả ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Ngày 2/7 vừa qua, Alipay, mảng thanh toán di động thuộc tập đoàn fintech Ant Financial đã tuyên bố sẽ sớm áp dụng filter làm đẹp (ở Trung Quốc) vào hệ thống thanh toán nhận diện khuôn mặt tại các địa điểm bán lẻ trên toàn quốc.

Thông báo trên được đưa ra sau một cuộc khảo sát gần đây được tổ chức bởi cổng thông tin công nghệ Sina Technology. Câu hỏi là liệu người dùng có cảm thấy mình xấu xí khi quét gương mặt mỗi khi thanh toán hay không. Và thật bất ngờ là có tới hơn 60% trong số 40.000 người được hỏi trả lời có.

Tài khoản Weibo chính thức của Alipay có bài đăng: "Nhận thấy rằng các bạn nghĩ chúng tôi đã làm bạn trở nên xấu xí, Alipay sẽ triển khai filter làm đẹp cho toàn bộ hệ thống nhận diện khuôn mặt trong vòng một tuần: Bạn sẽ thấy mình thật ưa nhìn mỗi khi thanh toán, còn hơn cả ứng dụng chụp ảnh làm đẹp!".

Theo Alipay, hệ thống sẽ vẫn sử dụng hình ảnh chưa qua chỉnh sửa của người dùng và khách hàng sẽ thấy một phiên bản đẹp hơn của chính mình mỗi khi thanh toán bằng phương pháp nhận diện gương mặt, dù chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Bên cạnh đó, công ty cho biết họ đã áp dụng filter tương tự cho ứng dụng trên điện thoại di động.

Động thái trên của Alipay đã phản ánh mạnh mẽ văn hóa phụ thuộc vào filter làm đẹp tại đất nước tỷ dân, nơi rất nhiều người trẻ "sống ảo" thông qua những bức ảnh tự sướng hay livestream đẹp lung linh nhờ sự hỗ trợ của filter. Và kết quả là khi đối mặt với những hình ảnh chưa qua chỉnh sửa của mình, họ cảm thấy vô cùng xa lạ.

Alipay được thành lập năm 2004 để cung cấp dịch vụ thanh toán cho nền tảng thương mại điện tử Alibaba. Sau đó, công ty mẹ của hãng đổi thành Ant Financial. Từ năm 2011, Alipay bắt đầu triển khai thanh toán ngoại tuyến bằng quét mã vạch. Thanh toán bán lẻ dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt được áp dụng từ năm 2017 tại một nhà hàng KFC tại Trung Quốc. Đến nay, hàng chục nghìn thương nhân Trung Quốc đang sử dụng một thiết bị của Alipay tên là "Dragon Fly" để thanh toán bằng gương mặt.

Sống ảo đẳng cấp như dân Trung Quốc: Quét gương mặt để thanh toán cũng phải dùng filter, không bao giờ được xấu xí dù chỉ là vài giây! - Ảnh 1.

Khách hàng đang được scan khuôn mặt để thanh toán tại một nhà hàng KFC ở Thượng Hải.

Alipay, cùng một số đối tác ví điện tử địa phương cho biết hiện họ có khoảng 1 tỷ người dùng hoạt động. Đối thủ lớn nhất của Alipay là WeChat Pay, hệ thống thanh toán của ứng dụng nhắn tin phổ biến WeChat có khoảng 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 5/2018.

Có thể nói, Trung Quốc đã đi trước các nước trong việc áp dụng nhận diện khuôn mặt để thanh toán nơi công cộng và thương mại. Thậm chí công nghệ này còn được sử dụng trong nhiều mặt của cuộc sống, từ nhận diện người vi phạm giao thông đến quét gương mặt để phát giấy vệ sinh. Mặc dù đem lại một số lợi ích nhất định nhưng nhận diện khuôn mặt cũng đang gây ra lo ngại và thách thức về quyền riêng tư, đặc biệt là vấn đề đạo đức khi họ sử dụng công nghệ trên ở những nơi xảy ra đàn áp về tôn giáo.

Theo Quartz

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại