Theo Live Science, đó là một tiểu hành tinh chỉ vừa mới được phát hiện và được đặt tên là 2023 FW13.
Các nhà khoa học coi nó như một loại "chuẩn trăng" hay "bán mặt trăng ", vì nó không hoạt động như một vệ tinh hoàn hảo như thiên thể mang tên Mặt Trăng mà chúng ta vẫn thấy trên bầu trời.
Ảnh đồ họa mô tả một tiểu hành tinh đồng hành với Trái Đất - cách mà "bán mặt trăng" 2023 FW13 đã làm - Ảnh: Zoonar GmbH/Alamy Stock Photo
2023 FW13 thực ra không quay quanh Trái Đất mà quay quanh mặt trời, nhưng với quỹ đạo gần như song song với Trái Đất nên trở thành người bạn đồng hành với chúng ta. Nó cũng đã bị một chút lực hấp dẫn của Trái Đất tác động, điều góp phần giữ trạng thái đồng hành.
Các ước tính cho thấy 2023 FW13 có đường kính 15 m và cách Trái Đất 14 triệu km, nhỏ và gần hơn nhiều so với Mặt Trăng (đường kính 3.474 km, cách Trái Đất 364.000 km), theo NASA.
"Mặt trăng thứ 2" này được nhận thấy lần đầu hồi tháng 3 năm nay bởi đài quan sát Pan-STARRS nằm trên đỉnh núi lửa Haleakala ở Hawaii (Mỹ); sau đó được xác nhận bởi Kính viễn vọng Canada - Pháp - Hawaii (Hawaii) và 2 đài quan sát khác ở bang Arizona - Mỹ.
Theo nhà thiên văn học - nhà báo Adrien Coffinet từ Đài thiên văn Geneva (Thụy Sĩ), người đầu tiên phân loại 2023 FW13 là một "bán mặt trăng", thiên thể này đã âm thầm bám theo Trái Đất từ năm 100 trước Công Nguyên.
Nó có thể tiếp tục đi theo quỹ đạo này và đồng hành với Trái Đất cho đến tận năm 3700.
Sau phát hiện ban đầu, các nhà khoa học đã lật lại dữ liệu quan sát từ nhiều đài thiên văn khắp thế giới và nhận thấy nó đã ẩn hiện trong các ống kính từ năm 2012, nhưng không được chú ý, theo Space.
Mặc dù bay gần Trái Đất nhưng nó sẽ không va chạm với chúng ta nhờ một quỹ đạo tương đối an toàn và ổn định, theo nhà thiên văn học Alan Harris từ Viện Khoa học không gian (Colorado - Mỹ).