Tin tưởng gửi tiền theo giới thiệu của người quen
Tháng 9/2014, bà Dương (Côn Minh, Trung Quốc) đã đệ đơn kiện 1 ngân hàng địa phương lên Toà án nhân dân thành phố Côn Minh. Vì bà cho rằng ngân hàng đã làm mất 15,8 triệu NDT (53,7 tỷ đồng) của mình.
Theo đó, bà Dương quen cô Đông - Phó Chủ tịch của một ngân hàng địa phương. Cuối năm 2012, Đông rủ bà Dương đặt vấn đề rằng do ngân hàng mới thành lập nên những khách hàng đầu tiên gửi số tiền lớn vào đây sẽ có cơ hội trở thành cổ đông. Đây là quyền lợi đặc biệt khi khách hàng vừa được hưởng lãi, vừa trở thành một trong những thành viên của ngân hàng.
Thấy bà Dương còn khá lăn tăn về vấn đề này, cô Đông lập tức khẳng định sẽ được hưởng lãi cao hơn các nhà ngân hàng khác. Không suy nghĩ nhiều, bà Dương ngay lập tức mở tài khoản và gửi số tiền tiết kiệm của mình vào đây.
Do công việc kinh doanh, bà phải thường xuyên thực hiện các giao dịch gửi và rút tiền. Trong khi đó, ngân hàng này mới thành lập nên chưa có chi nhánh gần nhà. Thêm nữa, nếu bà muốn rút tiền chỉ có thể mang sổ tiết kiệm đến tận quầy giao dịch cách nhà đến 20-30 km, việc di chuyển khá bất tiện.
Sau khoảng 5 tháng, bà Dương đã ngỏ ý muốn rút tiền về. Ngay lập tức, cô Đông nói có thể giữ giúp số tiết kiệm và thay bà thực hiện các giao dịch tại quầy và sẽ mang tiền về tận nhà khi cần.
Bà Dương có chút lo lắng khi nghe thấy giải pháp này. Cô Đông tiếp tục khẳng định hoạt động rút và chuyển tiền cần phải xác minh qua chủ tài khoản nên bà không cần phải quá lo lắng.
Nghe đến đây, bà Dương hoàn toàn yên tâm giao toàn bộ sổ tiết kiệm và cả mật khẩu cho người này. Trong 2 năm đầu, mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ, cô Đông luôn hỗ trợ bà Dương thực hiện các giao dịch đã được uỷ quyền.
2 giao dịch bất thường
Tuy nhiên, cuối tháng 3/2014, do đầu tư mở cửa hàng, bà Dương cần rút toàn bộ số tiền còn lại trong tài khoản tiết kiệm của mình, khoảng 15,8 triệu NDT (53,8 tỷ đồng). Bà đến thẳng ngân hàng để thực hiện giao dịch. Sau khi cung cấp toàn bộ thông tin cần thiết cho nhân viên ngân hàng, người này bất ngờ thông báo không có tiền trong tài khoản.
Khi bà Dương tỏ thái độ nghi ngờ, nhân viên ngân hàng còn cung cấp thông tin tài khoản của bà đã thực hiện 2 giao dịch rút tiền từ 4 tháng và 2 tháng trước. Đầu tiên, ngày 26/11/2013, 800.000 NDT đã được rút từ quầy ngân hàng. Sau đó đến 21/1/2014, 15 triệu NDT còn lại được chuyển vào tài khoản của một người trên Khang.
Lập tức, bà Dương đã gọi điện thoại cho cô Đông để làm rõ sự việc. Nhận thấy không thể giấu được nữa, cô Đông mong muốn bà Dương gặp người tên Khang để hiểu mọi chuyện.
Sau khi gặp nhau, anh Khang ngay lập tức tỏ ra thân thiết với bà Dương và nói rằng được cô Đông cho mượn khoản tiền này. Anh đang sử dụng để đầu tư dự án. Chỉ trong thời gian ngắn, khi dự án được chuyển nhượng, anh sẽ trả lại toàn bộ số tiền này cùng khoản lãi cao hơn của ngân hàng.
Nghe đến đây, bà Dương cũng không biết làm thế nào và chỉ chờ mong anh Khang trả tiền càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên sau khoảng 3 tháng, bà không nhận được bất kỳ thông tin nào về khoản tiền của mình. Bà cũng gọi điện cho cô Đông để hỏi tình hình tuy nhiên người này nói rằng chỉ biết đợi.
Nhận thấy vụ việc không đơn giản, hơn nữa đây lại là khoản tiền lớn, bà Dương đã kiện cô Đông cùng ngân hàng nơi người phụ nữ này làm việc ra toà. Tuy nhiên, việc lấy lại số tiền của mình không đơn giản.
4 năm 3 vụ kiện
Trong vụ kiện đầu tiên vào ngày 18/9/2014, bà Dương yêu cầu ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền gốc 15,8 triệu NDT cùng tiền lãi tương ứng trong vòng 2 năm.
Do ngân hàng không muốn dính đến kiện tụng, ảnh hưởng đến uy tín nên mong muốn giải quyết theo hướng hoà giải và hứa sẽ hoàn trả lại số tiền.
Cũng không muốn làm phức tạp mọi chuyện, bà Dương đồng ý rút đơn kiện. Tuy nhiên, chờ 2-3 tháng, người phụ nữ này không nhận được bất kỳ thông tin nào của ngân hàng sẽ hoàn trả tiền hay đưa ra hướng giải quyết.
Sau khi toà án hỏi thăm thì phía ngân hàng nói rằng không muốn hoà giải nữa mà muốn kiện ngược bà Dương. Sự thay đổi đột ngột này khiến bà buộc phải cung cấp tình tiết liên quan đến người đàn ông tên Khang.
Tuy nhiên, điều bà không ngờ rằng là khi toà có lệnh triệu tập Khang thì người này biến mất một cách bí ẩn. Phiên toà tiếp tục bị hoãn.
Sau vài tháng chờ đợi, bà Dương được cảnh sát cho biết đã tìm được anh Khang. Lần này, bà lại tìm luật sư, tổ chức lại vụ kiện. Vào ngày 24/6/2015, bà đệ đơn kiện đưa ngân hàng địa phương, cô Đông cùng anh Khang ra toà.
Toà án địa phương đã xét xử vụ án công khai lần đầu tiên vào ngày 28/10 cùng năm. Bà Dương khẳng định không hề biết 2 khoản tiền này được rút và chuyển sang tài khoản của anh Khang.
Phía ngân hàng cho biết cả 2 giao dịch đều được xử lý dưới sự đồng ý của bà Dương. 800.000 NDT được rút thông qua sự uỷ thác của người phụ nữ này. Ở lần chuyển khoản thứ 2 trị giá 15 triệu NDT đã được xác nhận qua điện thoại và chuyển vào tài khoản anh Khang. Ngân hàng cho rằng việc giao dịch giữa anh Khang và bà Dương là tranh chấp của 2 người nên ngân hàng không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm.
Đến lúc này, anh Khang lại cho rằng mình không hề nhận được số tiền 15 triệu NDT. Số tiền này chỉ ở trong tài khoản của anh chưa đầy 1 tiếng đã bị chuyển khoản sang 1 tài khoản khác theo hướng dẫn của cô Đông. Anh chưa dùng được 1 đồng từ số tiền 15 triệu NDT nên không có trách nhiệm hoàn trả số tiền này.
Theo đó toà án đã phán quyết, ngân hàng địa phương cùng với nhân viên của mình là cô Đông phải có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền 15,8 triệu NDT cho bà Dương cùng khoản tiền lãi tương ứng.
Không đồng ý với kết quả này, đến năm 2017, ngân hàng quyết định kháng cáo lên Toà án nhân dân tỉnh Vân Nam và yêu cầu xét xử lại. Đến tháng 5/2018, Toà án đã thành lập một hội đồng xét xử riêng. Tại toà, ngân hàng cung cấp hồ sơ cuộc điện thoại kéo dài 30 giây về việc xác nhận chuyển tiền của bà Dương.
Sau khi nghe, bà Dương hoàn toàn khẳng định không hề nhận được bất kỳ cuộc gọi nào. Luật sư của bà Dương yêu cầu ngân hàng cung cấp đoạn ghi âm về cuộc trao đổi này.
Nhận thấy vụ việc có phần phức tạp, toà án quyết định đưa đoạn băng này cho nhóm cảnh sát công nghệ cao để xác minh. Điều không ngờ, các chuyên gia phát hiện giọng nói trong đoạn hội thoại này đã bị bóp méo và đây không phải là giọng nói thật của bà Dương.
Cho đến lúc này, cô Đông mới khai nhận toàn bộ sự việc. Cô đã lợi dụng quyền hạn và chức vụ của mình để sử dụng số tiền của khách hàng cho bên thứ 3 vay với lãi suất cao nhằm hưởng chênh lệch.
Cuối cùng, phán quyết của toà yêu cầu cô Đông buộc phải bồi thường số tiền này cho bà Dương và chịu mọi hình phạt được đưa ra.