Mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Thùy Dương |

Cuộc chạy đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã tác động tới mọi thứ, nhưng có một chiến trường mới đang xuất hiện, nằm ẩn sâu hơn. Đó là các bộ phận cung cấp năng lượng cho điện thoại thông minh, máy tính, ô tô và thiết bị gia dụng.

Theo kênh CNN, ngày 9/8, Tổng thống Joe Biden đã ký luật mới nhằm thúc đẩy ngành bán dẫn của Mỹ, nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu chip máy tính kéo dài và giảm phụ thuộc các quốc gia khác như Trung Quốc.

Đạo luật Khoa học và CHIPS nói trên có nhiều ưu đãi cho sản xuất chất bán dẫn trong nước cũng như nghiên cứu và phát triển, trong đó có hơn 50 tỷ USD tài trợ và đầu tư bổ sung cho Quỹ Khoa học Quốc gia, Bộ Thương mại và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia.

Tầm quan trọng của Trung Quốc trong ngành bán dẫn

Mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 1.

Trung Quốc đã trở thành trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu trong thập kỷ qua. Ảnh minh họa: Getty Images

Trung Quốc từ lâu đã là một thế lực thống trị trong lĩnh vực sản xuất công nghệ. Các công ty như Apple, Google và Microsoft phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc trong sản xuất thiết bị và các bộ phận. Theo một phân tích gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung Quốc cũng đã nhanh chóng giành được chỗ đứng trên thị trường bán dẫn, đứng đầu toàn cầu về lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm, đứng thứ tư (trước Mỹ) về chế tạo đĩa bán dẫn.

Trung Quốc tăng cường tập trung vào sản xuất trong nước có thể là do một số công ty bán dẫn lớn nhất nước này bị Mỹ cấm. Theo số liệu từ Hiệp hội Ngành Bán dẫn (SIA), doanh số bán dẫn của Trung Quốc đã tăng hơn 30% vào năm 2020, đạt gần 40 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã gây ra thiếu nguồn cung chip trên toàn cầu. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn trong năm nay do Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt để phòng dịch, khiến các nhà máy bị đình trệ và làm tổn thương chuỗi cung ứng. Nhiều khu vực đang xem xét lại cách tiếp cận đối với ngành bán dẫn để tự cung tự cấp nhiều hơn và giảm bớt phụ thuộc Trung Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển chuỗi cung ứng qua các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản để tách rời hơn nữa với ngành bán dẫn Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà lập pháp châu Âu đã đề xuất các khoản đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD trong những năm tới để tăng cường ngành bán dẫn.

Về phần mình, Trung Quốc tiếp tục cố gắng phát triển ngành bán dẫn theo kế hoạch 5 năm được công bố vào năm ngoái.

Bà Kenton Thibaut tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington DC nói với CNN: “Thế giới ngày càng công nhận rằng có những công nghệ sẽ quyết định ai sẽ chiến thắng trong nền kinh tế toàn cầu tương lai”. Tuy nhiên, hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực sản xuất chip nói thì dễ hơn làm vì có các lớp công nghệ và chuyên môn chuyên sâu liên quan. Bà Thibaut nói: “Không ai có thể thực sự đạt được vị trí hàng đầu trong toàn bộ chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.

Vai trò của Đài Loan

Mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 2.

Một nhà máy của TSMC ở Đài Trung. Ảnh: AFP

Vấn đề phức tạp hơn nữa là hòn đảo Đài Loan của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm ngoại giao và quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. Căng thẳng xung quanh Đài Loan đã leo thang nhanh chóng sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tuần trước.

Đài Loan đóng vai trò quan trọng đối với ngành bán dẫn toàn cầu, là nơi đặt trụ sở một số nhà sản xuất hàng đầu thế giới, như Foxconn và Pegatron – hai nhà cung cấp của Apple. Công ty sản xuất chip lớn nhất trong số đó là Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), chiếm khoảng 90% lượng chip máy tính siêu tiên tiến trên thế giới.

Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với CNN: “Không ai có thể kiểm soát TSMC bằng vũ lực. Nếu có động thái quân sự hoặc xâm chiếm, nhà máy TSMC không thể hoạt động, bởi vì đây là một cơ sở sản xuất tinh vi đến mức phụ thuộc vào kết nối thời gian thực với thế giới bên ngoài, với châu Âu, với Nhật Bản, với Mỹ”.

Động thái tăng cường ngành sản xuất bán dẫn ở Mỹ

TSMC đã cam kết dành ít nhất 12 tỷ USD để xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Arizona. Hoạt động sản xuất dự kiến ​​bắt đầu vào năm 2024. Một nhà sản xuất Đài Loan khác là GlobalWafers gần đây đã cam kết chi 5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn silicon ở Texas. Các tập đoàn của Hàn Quốc là Samsung và SK Group đã đưa ra kế hoạch chi hàng chục tỷ USD để tăng cường hiện diện trong lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Mỹ.

Theo ông Zachary Collier, trợ lý giáo sư quản lý tại Đại học Radford ở Virginia, khoản đầu tư của TSMC có trước Đạo luật Khoa học và CHIPS, nhưng đạo luật này có khả năng khuyến khích nhiều công ty đưa nhà máy đến Mỹ hơn.

Xây nhà máy sản xuất lớn cần rất nhiều vốn và nếu có điều gì bù đắp được một số chi phí thì điều đó sẽ rất khuyến khích các công ty đầu tư.

Mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Anadolu

Theo đạo luật mà ông Biden mới ký, Mỹ chi 53 tỷ USD trong 5 năm tới để mở rộng sản xuất bán dẫn ở Mỹ, trong đó gồm 1,5 tỷ USD dành cho các công ty viễn thông tăng năng lực cạnh tranh với các công ty Trung Quốc như Huawei. Các công ty đầu tư vào sản xuất chất bán dẫn cũng sẽ được trừ thuế 25%.

Thậm chí ngoài các ưu đãi ngắn hạn, các công ty có thể muốn thiết lập hiện diện để sản xuất ở Mỹ nhờ nước này có tính ổn định, an ninh tương đối, tầng lớp lao động có trình độ học vấn cao và có nhu cầu cao. Ông Collier ước tính rằng Mỹ chiếm 1/4 nhu cầu chất bán dẫn toàn cầu nhưng chỉ chiếm 12% sản xuất. TSMC cho biết Bắc Mỹ chiếm 65% doanh thu của công ty, trong khi Trung Quốc và Nhật Bản lần lượt chiếm 10% và 5%.

Ông Collier nói: “Các công ty sẽ cố gắng lao vào và đáp ứng nhu cầu ở Mỹ. Nhưng việc thay thế Trung Quốc trong một sớm một chiều sẽ không dễ dàng”.

Trong khi đó, bà Thibaut nhận định: “Hiện tại, Trung Quốc có lợi thế là họ có một chiến lược phối hợp để quảng bá các công nghệ của mình và cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho các quốc gia cần chúng. Mỹ và các nền dân chủ khác cũng cần phát triển một chiến lược xoay quanh công nghệ không chỉ tập trung vào cạnh tranh với Trung Quốc mà còn chủ động cung cấp các giải pháp thực sự cho các nhu cầu thực tế”.

Cho dù các quốc gia cố gắng xây dựng các cơ sở sản xuất trong nước đến mức nào, thì hầu như không thể tách khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là đối với các sản phẩm không thể tách rời và phức tạp như chất bán dẫn. Quá trình thiết kế, chế tạo, sản xuất và thậm chí cả nguyên liệu thô cho chip đều diễn ra trên nhiều quốc gia và khu vực khác nhau.

Ông Collier nói: “Đó thực sự là một mạng lưới khổng lồ. Cho dù các quốc gia có cố gắng nội địa hóa sản xuất đến đâu thì phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ nào đó là không thể tránh khỏi. Dù thế nào thì quá trình đó cũng mang tính toàn cầu”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại