Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc nước ngoài?

Thế giới hôm nay |

Từng khai sinh ra ngành công nghiệp chip của thế giới, giờ đây Mỹ lại là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào lượng chip nhập khẩu.

Đây là nội dung quan trọng được thảo luận trong hội nghị trực tuyến với tên gọi " Chip bán dẫn cho nước Mỹ" diễn ra ngày 25/7. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cùng thảo luận với các quan chức kinh tế, an ninh quốc gia cấp cao, đại diện từ các nhà sản xuất về tầm quan trọng của linh kiện bán dẫn đối với nền kinh tế Mỹ. Ông Biden nêu rõ, nước Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn nhưng lại dần trở nên phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Ông Biden cho rằng, đã đến lúc Mỹ phải lấy lại vị thế dẫn đầu thế giới về sản xuất chip bán dẫn.

Các quan chức Mỹ cũng lưu ý Tổng thống Biden rằng, chip bán dẫn không chỉ đóng vai trò là công nghệ trung tâm trong cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng đáng kể đối với an ninh quốc gia. Nước Mỹ sẽ không thể củng cố sức mạnh quốc gia nếu không tăng cường tự lực sản xuất.

Hội nghị này nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Chính phủ của Tổng thống Biden nhằm nâng cao vị thế của Mỹ trong chuỗi cung ứng linh kiện bán dẫn toàn cầu.

Nỗ lực thúc đẩy công nghiệp bán dẫn

Mới đây nhất, Tổng thống Joe Biden đã thúc giục Quốc hội Mỹ sớm thông qua dự luật trị giá 52 tỷ USD trợ cấp cho ngành sản xuất chip bán dẫn ngay tại Mỹ. Dự luật này cũng cung cấp khoản tín dụng thuế 25% nhằm nhằm khuyến khích các công ty xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn trong nước. Một khi dự luật này được thông qua sẽ mở đường cho các công ty sản xuất chip của Mỹ tăng cường sản xuất ở trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy sản xuất ở châu Á.

Mỹ từng là nước khai sinh ra ngành công nghiệp chip của thế giới, giờ đây Mỹ lại là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào lượng chip nhập khẩu. Tình trạng thiếu hụt chip đã và đang làm gián đoạn sản xuất nhiều ngành công nghiệp quan trọng ở Mỹ như sản xuất ô tô, điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế và vũ khí công nghệ cao. Hồi tháng 6 năm ngoái, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trị giá 250 tỷ USD nhằm thúc đẩy chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Các bước đi này của chính quyền Biden nhằm từng bước vực dậy vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ.

Các doanh nghiệp nội địa Mỹ kỳ vọng ra sao về dự luật này?

Chíp bán dẫn là thành phần thiết yếu trong hàng ngàn sản phẩm, từ điện thoại thông minh, xe hơi, thiết bị y tế… Công ty GlobalFoundries thuộc top 5 hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới, đây cũng là hãng duy nhất trong số này có cơ sở sản xuất tại Mỹ. Có một nghịch lý đó là gần nửa nhu cầu linh kiện bán dẫn đến từ các công ty có trụ sở chính ở Mỹ, trong khi việc sản xuất tại Mỹ chỉ chiếm 12% sản lượng linh kiện bán dẫn toàn cầu.

Ông Tom Caulfield - Tổng Giám đốc Công ty GlobalFoundries cho biết: "Hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, nước Mỹ sản xuất tới 37% lượng chip bán dẫn của thế giới, giờ đây con số này chỉ còn 12%. Vấn đề là làm sao chúng ta có thể tạo ra một mô hình kinh tế giúp đưa việc sản xuất trở lại với Mỹ".

Doanh nghiệp này dự tính sẽ mở rộng quy mô dây chuyền sản xuất nếu nhận được hỗ trợ từ dự thảo luật mới. Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng rằng việc thông qua dự thảo luật sẽ giúp thúc đẩy nền công nghiệp linh kiện bán dẫn trong nước.

Ông Tom Caulfield nhấn mạnh: "Dự thảo luật hỗ trợ sản xuất chip sẽ giúp thu hẹp mức độ cạnh tranh toàn cầu, đưa việc sản xuất trở lại với nước Mỹ. Điều này tạo ra một mô hình kinh tế. Chúng ta cần phải giúp công nghiệp chế tạo lấy lại được vị thế hàng đầu. Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của linh kiện bán dẫn, vốn là tâm điểm của nền kinh tế thế giới".

Công ty nghiên cứu thị trường IC Insights dự báo doanh số linh kiện bán dẫn toàn cầu năm nay sẽ tăng 11% so với năm ngoái và đạt mức cao kỷ lục là 680,6 tỷ USD.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại