Mặt trái của "cơn sốt vàng" ngoài không gian: Rồi nhân loại sẽ không còn chốn dung thân?

Trang Ly |

Bước sang thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, thế giới chứng kiến những cuộc đua ráo riết ra ngoài không gian với nhiều mục đích khác nhau.

Cách đây 6 thập kỷ có lẻ, Liên Xô là quốc gia đầu tiên trong lịch sử mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người bằng hai sự kiện đáng nhớ: Phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik ra ngoài quỹ đạo Trái Đất (năm 1957) và đưa người bay ra ngoài không gian (năm 1961).

60 năm đã trôi qua, cùng với những cải tiến không ngừng của khoa học kỹ thuật, hành trình khám phá vũ trụ của loài người thực sự đã đạt được những thành tựu đáng nhớ. Càng đi sâu khám phá, con người càng khao khát kiếm tìm những "vùng đất mới", phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu.

Đối với các nhà thiên văn học, Trái Đất đang đối mặt với hai vấn đề lớn: Đầu tiên là thảm họa diệt vong liên quan đến những vụ tấn công chết chóc có thể xảy ra từ thiên thạch khổng lồ; Thứ hai, dân số và nhu cầu năng lượng của con người ngày càng lớn khiến tài nguyên Trái Đất đang dần cạn kiệt.

Giải quyết 2 vấn đề lớn này như thế nào? "Hãy bay ra ngoài không gian để cứu Trái Đất", đó là khát vọng của tỷ phú giàu nhất hành tinh Jeff Bezos nhân sự kiện ông công bố kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng và giới thiệu tàu vũ trụ Blue Moon.(đọc chi tiết)

Không chỉ có tỷ phú Jeff Bezos, rất nhiều quốc gia, tổ chức hàng không vũ trụ trên thế giới có khát vọng đưa con người trở thành những cư dân liên hành tinh. Tìm kiếm những vùng đất có khả năng nuôi dưỡng sự sống đang là một hành trình miệt mài, chưa bao giờ ngừng nghỉ của các nhà khoa học trên thế giới hiện nay, đặc biệt là NASA của Mỹ.

Song song với đó là sứ mệnh tiến đến các vệ tinh, thiên thạch, hành tinh khác trong Thái Dương Hệ để khai thác khoáng sản quý hiếm cũng như thiết lập những "trạm không gian" trung chuyển nhằm phục vụ những nhiệm vụ khám phá không gian sâu hơn trong tương lai.

Những nhu cầu này là chính đáng trong bối cảnh tài nguyên và không gian trên Trái Đất đang cạn kiệt dần, tuy nhiên, mới đây nhất, các nhà khoa học lại lên tiếng kêu gọi: Bảo vệ Hệ Mặt Trời khỏi "cơn sốt khai thác vàng".

Cụ thể thế nào?

"Nếu khai thác kiệt quệ Hệ Mặt Trời, chúng ta còn có nơi nào để đi?"

Các nhà khoa học đề xuất, các khu vực lớn của Hệ Mặt Trời như các hành tinh, vệ tinh, Mặt Trăng của Trái Đất và các thiên thể khác nên được bảo tồn dưới dạng "không gian nguyên sơ", nhằm tránh các cuộc khai thác công nghiệp tràn lan.

Mặt trái của cơn sốt vàng ngoài không gian: Rồi nhân loại sẽ không còn chốn dung thân? - Ảnh 2.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khai thác không gian sẽ mang lại lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Ảnh minh họa: Don El Greeko/Raw Science

Theo đề xuất này, các quốc gia, công ty vũ trụ tư nhân có khoảng 15% không gian trong Hệ Mặt Trời là được phép khai thác các kim loại quý, khoáng sản và các vật liệu có giá trị khác. Số còn lại, 85% không gian trong Thái Dương Hệ nên được bảo tồn mà không có dấu chân của con người.

Với tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ vũ trụ, các nhà khoa học tin rằng, đến một lúc nào đó việc đổ bộ các thiên thể trong Hệ Mặt Trời là chuyện nằm trong tầm tay. Do đó, ý nghĩa của việc kêu gọi này không chỉ bảo tồn thế giới nguyên sơ của Thái Dương Hệ trước những hệ quả tất yếu sau các cuộc khai thác của con người, mà còn đảm bảo cho nhân loại tránh được một tương lai thảm khốc: Mọi tài nguyên vũ trụ bị khai thác kiệt quệ, giống như cái cách con người đang "đối xử" với Trái Đất hàng trăm năm qua.

"Nếu chúng ta không tính đến điều này ngay từ bây giờ, thì chỉ vài trăm năm nữa thôi chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng cực độ, tồi tệ hơn rất nhiều so với thực trạng trên Trái Đất hiện nay. Nếu khai thác kiệt quệ Hệ Mặt Trời, chúng ta còn có nơi nào để đi?" - Nhà vật lý thiên văn cao cấp Martin Elvis thuộc Đài quan sát vật lý thiên văn Smithsonian (Mỹ) cảnh báo.

Các công ty khai thác không gian đã đặt mục tiêu khai thách hàng nghìn tỷ tấn sắt và kim loại quý tại các tiểu hành tinh, cùng với những khoáng chất vô cùng đắt đỏ và quý giá cộng với hàng nghìn tỷ tấn băng đá trên Mặt Trăng.

Mặt trái của cơn sốt vàng ngoài không gian: Rồi nhân loại sẽ không còn chốn dung thân? - Ảnh 3.

Mô hình trạm khai thác thiên thạch ngoài không gian. Ảnh: Bas Ruhe/Artstation.

Ở Anh, Tập đoàn Khai thác Tiểu hành tinh (Asteroid Mining Corporation) hy vọng sẽ đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trong những năm tới để tìm kiếm các tiểu hành tinh có tiềm năng.

Các kim loại quý như bạch kim và vàng có thể được đưa trở lại Trái Đất, nhưng phần lớn vật liệu khai thác khác sẽ được sử dụng trong không gian để xây dựng môi trường sống trên Mặt Trăng và tạo ra nhiên liệu tên lửa, phục vụ cho các sứ mệnh khám phá không gian sâu hơn. 

NASA đang lên kế hoạch thăm dò và khai thác tiểu hành tinh 16 Psyche vào năm 2023. 16 Psyche được cho là chứa lượng khoáng sản giàu có như vàng, bạch kim, sắt, nickel... Tổng giá trị của kinh tế ước tính của nó là 10.000 triệu tỷ USD! ($10.000 quadrillion), theo đánh giá của Asterank.

Năm 2015, Công ty Planetary Resources đánh giá thiên thạch 2011 UW-158 có chứa khoảng 90 tấn bạch kim, ước tính giá trị kinh tế mà nó mang lại là 5,4 nghìn tỷ USD. Đó là lý do, ngành công nghiệp khai thác không gian hứa hẹn nguồn lựi nhuận vô cùng khổng lồ.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang xây dựng kế hoạch cho một "Ngôi làng Mặt Trăng", nơi có cư dân Trái Đất sinh sống và làm việc tại các cơ sở chế tạo tàu không gian và tên lửa. 

Băng đá, được cho là sẽ tìm thấy tại cực Nam của Mặt Trăng, có thể được phân tách thành hydro và oxy và được sử dụng để làm nhiên liệu cho các tàu thăm dò phóng đi từ không gian thay vì phóng đi từ Trái Đất.

Trong 400 năm, nhân loại có thể khai thác hết 1/8 tài nguyên Hệ Mặt Trời...

Làm việc với Tony Milligan, một triết gia tại King College London (Anh), nhà vật lý thiên văn Martin Elvis đã phân tích xem con người có thể sử dụng tài nguyên dễ tiếp cận nhất của Hệ Mặt Trời như thế nào khi khai thác không gian. 

Họ phát hiện ra rằng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 3,5%, thì nhân loại sẽ sử dụng hết 1/8 tài nguyên thực tế của Hệ Mặt Trời chỉ trong 400 năm. 

Các nhà nghiên cứu coi các tiểu hành tinh, Mặt Trăng, sao Hỏa và các hành tinh đá khác là mục tiêu thực tế nhất cho các "thợ mỏ không gian". Martin Elvis chỉ ra rằng 1/8 lượng sắt trong vành đai tiểu hành tinh (Asteroid belt)(1) lớn hơn 1 triệu lần so với trữ lượng quặng sắt ước tính trên Trái Đất, và có thể đủ dùng trong nhiều thế kỷ.

Các nhà khoa học cũng "chỉ mặt đặt tên" những địa điểm cần được bảo vệ nghiêm ngặt, trong đó có Valles Marineris trên sao Hỏa, hẻm núi lớn nhất Hệ Mặt Trời. Valles Marineris (hay Mariner Valley) quan trọng và xứng đáng được bảo vệ nhiều như Hẻm Grand Canyon (Mỹ) trên Trái Đất. 

Với quyết tâm và những tiến bộ không ngừng nghỉ của công nghệ vũ trụ, khoảng 10 năm nữa, nhân loại đã có thể triển khai nhiệm vụ khai thác đầu tiên trong vũ trụ. 

Một khi con người đã bắt đầu thành công và thu được lợi nhuận khổng lồ thì nó sẽ chẳng khác gì "cơn sốt vàng" khổng lồ. Lần này không phải ở California (Mỹ) của Trái Đất mà ở tầm vũ trụ. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần có những quy ước để bảo vệ những giá trị tốt đẹp của Thái Dương Hệ." - Martin Elvis kết luận.

Mặt trái của cơn sốt vàng ngoài không gian: Rồi nhân loại sẽ không còn chốn dung thân? - Ảnh 5.

Liệu số phận của Thái Dương Hệ có giống như Trái Đất thời công nghiệp nặng hay không? Ảnh minh họa: Internet

Liệu số phận của Thái Dương Hệ có giống như châu Mỹ sau khi được Christopher Columbus (1451-1506) tìm thấy vài trăm năm sau đó? Có giống như Trái Đất thời công nghiệp nặng hay không? Dù cho có số lượng lớn đến đâu, nếu cứ miệt mài khai thác và khai thác một cách bừa bãi thì tất cả chỉ còn là những vùng đất khô cằn sỏi đá, nơi sự sống "mệt mỏi" không muốn thức dậy!

Dẫu biết rằng, việc tiến đến các thiên thể trong Hệ Mặt Trời là hành trình không hề dễ dàng và việc khai thác khoáng sản tại các nơi đây sẽ hỗ trợ rất lớn cho các sứ mệnh không gian sâu hơn, tuy nhiên, việc các nhà khoa học lên tiếng bảo vệ sự nguyên sơ của Hệ Mặt Trời chính là hướng đến sự phát triển bền vững của con người trong tương lai.

Chú thích:

(1) Vành đai tiểu hành tinh trong Hệ Mặt Trời gồm các tiểu hành tinh là các thiên thể nhỏ hơn hành tinh, thường không đủ khối lượng để giữ hình dạng hình cầu. 

Chúng có quỹ đạo nằm chủ yếu giữa quỹ đạo sao Hoả và quỹ đạo sao Mộc. Vành đai chính có hàng nghìn các tiểu hành tinh lớn hơn 1 km, và hàng triệu các vật thể bé như bụi.

Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian

* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại