Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm "kho báu" đắt gấp 300 lần vàng?

Trang Ly |

Rất có thể, mục đích chính của việc Trung Quốc đổ bộ Mặt Trăng là khai thác nguồn năng lượng cực kỳ quý hiếm và đắt đỏ, nhằm phục vụ tham vọng "vươn đến các vì sao".

Đã hơn 1 tuần kể từ khi tàu thăm dò Chang'e-4 (Hằng Nga-4) của Trung Quốc đổ bộ thành công lên nửa tối Mặt Trăng vào lúc 10:26 sáng ngày 3/1/2019 (giờ Bắc Kinh). Bloomberg nhận định, kỳ tích này là một bước nhảy vọt lớn đối với một quốc gia từ lâu đã được xem là một đối thủ yếu trong cuộc đua vũ trụ.

Các chuyên gia vũ trụ đánh giá rất cao thành tựu vũ trụ này của người Trung Quốc, bằng chứng là quốc gia châu Á này là nước đầu tiên trên thế giới đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng, việc mà những cường quốc vũ trụ như Liên Xô (nay là Nga) và Mỹ vẫn chưa làm được.

"Người Trung Quốc nghĩ sâu xa hàng thập kỷ. Còn người Mỹ, họ chỉ nghĩ trong khoảng thời gian tại nhiệm của tổng thống." - Chuyên gia về Mặt Trăng Clive Neal (Trường ĐH Notre Dame Mỹ) thẳng thắn nói trên Bloomberg

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 1.

Với cuộc đổ bộ lịch sử này, người Trung Quốc không chỉ thể hiện bước tiến lớn trong ngành kỹ thuật hàng không, thứ "ngọc thô" mà họ đang nắm trong tay chính là việc họ trở thành ứng viên hàng đầu có thể thăm dò nguồn năng lượng cực kỳ quý hiếm, đắt đỏ (tại Trái Đất) trên Mặt Trăng - Helium 3.

Và tất nhiên, người Trung Quốc không thể bỏ lỡ cơ hội mười mươi này. Bởi, sứ mệnh tiên phong của Chang'e-4 chính là thu thập các mẫu vật và xác định sự tồn tại của các khoáng chất quý hiếm tại nửa tối Mặt Trăng.

Các nhà quan sát vũ trụ cho biết, nhân loại có nhiều khả năng sẽ tìm thấy vàng, bạc, bạch kim và iridium (kim loại có khả năng chống ăn mòn nhất) trên các tiểu hảnh tinh, vệ tinh, thiên thạch... Điều này hiển nhiên không loại trừ nỗ lực khai thác Mặt Trăng trong tương lai xa, thậm chí, Mặt Trăng còn được xem là "trạm xăng" (lấy nhiên liệu phục vụ cho các tàu thăm dò) tiến đến các vì sao trong vũ trụ.

Nguyên liệu chính trên mặt trăng là Helium-3 (Heli-3), đây là "của hiếm" và cực kỳ đắt đỏ trên Trái Đất. Chính vì thế nó rất đắt đỏ. Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2010, 1 gram Heli-3 có giá đến 15.000 USD, đắt gấp 300 lần so với giá vàng hoặc bạch kim cùng trọng lượng.

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 2.

Trung Quốc có khả năng khai thác Heli-3 trên Mặt Trăng. Ảnh: Internet

Giáo sư Ouyang Ziyuan, nhà khoa học trưởng của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP), cho biết trên Spacesafety Magazine: Mặt Trăng rất giàu Heli-3, điều này có thể giải quyết nhu cầu năng lượng của loài người trong ít nhất khoảng 10.000 năm. 

Không giống như Trái Đất, được bảo vệ bằng từ trường của nó, Mặt Trăng đã bị bắn phá bởi một lượng lớn Helium-3 từ gió Mặt Trời. Người ta cho rằng đồng vị Heli này có thể cung cấp năng lượng hạt nhân an toàn hơn trong lò phản ứng nhiệt hạch, vì nó không phóng xạ và sẽ không tạo ra các sản phẩm thải nguy hiểm.

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 3.

Giáo sư Ouyang Ziyuan gọi Heli-3 là nhiên liệu lý tưởng cho năng lượng nhiệt hạch hạt nhân, thế hệ tiếp theo của năng lượng hạt nhân. Ước tính, trữ lượng Heli-3 trên Trái Đất chỉ có 15 tấn, trong khi nếu công nghệ tổng hợp hạt nhân được áp dụng để đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu thì người ta phải cần đến 100 tấn Heli-3 mỗi năm. 

Vậy, đâu là phương hướng để giải bài toán nhu cầu năng lượng này? Câu trả lời chính là Mặt Trăng! Và người Trung Quốc đã sớm nhận ra điều này ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, khi nước này bắt tay vào thăm dò Mặt Trăng từ sứ mệnh Chang'e-1 năm 2007. (Đọc chi tiết, tại đây).

CLEP ước tính Mặt Trăng chứa từ 1 đến 5 triệu tấn Heli-3! Một sản lượng tự nhiên từ vũ trụ khổng lồ. Bởi thế, người ta ví "Mặt Trăng chính là Vịnh Ba Tư* của Hệ Mặt Trời".

Về lý thuyết, Heli-3 có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho các thế hệ tàu vũ trụ tiếp theo có sứ mệnh khám phá sâu hơn vào không gian.

Tất cả đều đang đi theo đúng hướng của Trung Quốc. Việc phóng tàu thăm dò Mặt Trăng thế hệ thứ 4 Chang'e-4 đã chứng minh Trung Quốc đang "nhất cử lưỡng tiện", vừa để nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng nhằm trả lời những câu hỏi liên quan đến Trái Đất, vừa để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cực đắt đỏ, từ đó giúp Trung Quốc tiến xa hơn với những mục tiêu khám phá không gian khác. (Đọc thêm, tại đây).

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 4.

Khi Chang'e-4 còn chưa hết gây ngỡ ngàng cho giới nghiên cứu vũ trụ thì Trung Quốc đã lên kế hoạch phát triển sứ mệnh Chang'e-5: Đáp xuống bề mặt nửa tối Mặt Trăng, thu thập và mang các mẫu vật trở về Trái Đất nghiên cứu. Bước sang những năm 2020, nước này ấp ủ xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng và đưa người lên đó định cư.

Đứng trước một Trung Quốc "suy nghĩ thâm sâu" và đầy tham vọng như thế, Mỹ sẽ hành động thế nào?

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 5.

Giám đốc của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cam kết thực hiện sứ mệnh thứ hai - xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng vào những năm 2020. Ảnh: Internet

Washington Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, tiềm lực công nghệ không gian của Trung Quốc thể hiện qua sứ mệnh đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các hoạt động không gian của Mỹ và đồng minh - đặc biệt là các nhiệm vụ tình báo sử dụng các vệ tinh trên không gian.

Mặc dù cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng là một nỗ lực khoa học dân sự, thì sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc vẫn được Mỹ xem là cú đánh hiểm hóc bởi những nỗ lực khám phá không gian của Trung Quốc ngày càng tham vọng và tinh vi.

Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc tinh vi ở điểm nào?

Bloomberg phân tích, Trung Quốc có thể đang thăm dò chính khả năng của mình cho các nhiệm vụ không gian tinh vi hơn. Điều đó đặt ra câu hỏi: Tại sao Trung Quốc chọn nơi Chang'e-4 hạ cánh đặc biệt tại một trong những miệng núi lửa lâu đời nhất và sâu nhất của Mặt Trăng?

Ráo riết thăm dò Mặt Trăng, Trung Quốc độc chiếm kho báu đắt gấp 300 lần vàng? - Ảnh 6.

Câu trả lời rất đơn giản: Ở nửa tối của Mặt Trăng, các nhà khoa học Trung Quốc có thể "thoải mái" nhìn xa hơn vào không gian vì sóng vô tuyến của Trái Đất không thể xâm nhập vào khu vực này của Mặt Trăng, từ đó, không gây nhiễu quá trình quan sát vũ trụ ở tầm xa hơn của các nhà khoa học Trung Quốc.

Bởi vậy, Tổng thống đương nhiệm Donald Trump buộc phải ra đối sách. Bước tiếp theo của người Mỹ có thể là đưa người trở lại Mặt Trăng như họ đã từng làm cách đây 50 năm trong sứ mệnh của phi thuyền Apollo 11.

Bloomberg cho biết, Mỹ đang có những tranh luận xoay quanh việc sẽ đổ bộ Mặt Trăng càng sớm càng tốt hay là xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng (sẽ mất nhiều thời gian hơn). Và Giám đốc của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã cam kết thực hiện sứ mệnh thứ hai - xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng vào những năm 2020.

"Người Mỹ đang khát khao đưa người lên Mặt Trăng trước Trung Quốc." - David Todd, thuộc Công ty nghiên cứu vũ trụ Seradata (Anh), cho biết.

Không chỉ có Mỹ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng lập kế hoạch xây dựng ngôi làng trên Mặt Trăng. Ấn Độ cũng không nằm ngoài dự tính thăm dò Mặt Trăng, theo kế hoạch nước này cũng sớm phóng tàu thăm dò Chandrayaan-2 đến cực nam của Mặt Trăng.

Cuộc đua đổ bộ lên Mặt Trăng ở thế kỷ 21 đang dần "nóng" lên hơn bao giờ hết. Quốc gia nào sẽ nắm trong tay "át chủ bài" Mặt Trăng trong nay mai? 

Sau 12 năm nuôi dưỡng tham vọng (từ Chang'e-1 năm 2007 đến nay đã qua 4 sứ mệnh đổ bộ), Trung Quốc liệu có phải là quốc gia sẽ "xưng vương" trên Mặt Trăng, khiến các cường quốc vũ trụ khác phải dè chừng? Câu trả lời có lẽ phải đợi thêm một khoảng thời gian nữa.

Chú thích:

*Vịnh Ba Tư là vùng vành đai nông của Ấn Độ Dương, nằm giữa Bán đảo Ả Rập và vùng tây nam Iran. Vịnh này là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới. Ngoài dầu thô, Vịnh Ba Tư còn có dự trữ khí đốt thiên nhiên rất lớn.

Bài viết sử dụng các nguồn: Bloomberg, CNSA, Washington Times, Spacesafetymagazine

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại