Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn "chất độc chết người"

Nguyễn Hằng |

Chỉ tính riêng năm 1979, vụ rò rỉ hơn 1000 tấn chất thải phóng xạ ra môi trường thực sự là thảm họa Mỹ phải đối mặt đến tận ngày nay.

Thảm họa rò rỉ chất thải phóng xạ là một trong những cơn ác mộng mà Mỹ từng phải trải qua cách đây gần 40 năm, nhưng "dư âm" của nó thậm chí vẫn còn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân ở quốc gia này.

Ngày 16/7 có lẽ là một ngày liên tục lặp lại không ít dấu ấn trong lịch sử hạt nhân của Mỹ, trong số đó tiểu bang New Mexico (nơi từng có hai sự kiện thảm họa trong quá khứ) là đặc biệt hơn cả. 

Đầu tiên, vào ngày 16/7/1945, Mỹ đã tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới với mật danh là Trinity tại một bãi thử nằm ở Alamogordo, thuộc bang New Mexico. Vụ thử nghiệm Trinity nằm trong dự án Manhattan để phục vụ cho "tham vọng" chế tạo vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Dù có mật danh Trinity, nhưng tên thật của quả bom đầu tiên này là The Gadget với sức công phá rất lớn, tương đương với khoảng 20.000 tấn thuốc nổ TNT. Khi quả bom này được kích nổ, một quả cầu lửa có hình nấm khổng lồ đã được hình thành và ngày càng lớn khi đạt tới độ cao vượt 10.000m.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 1.

Với mật danh Trinity, quả bom có sức công phá khoảng 20.000 tấn thuốc nổ TNT đã được thử nghiệm tại một bãi thử ở Alamogordo, thuộc bang New Mexico. Ảnh mang tính minh họa: Wallpaperzzz

Đáng chú ý là nhiều khu vực gần bãi thử ở Alamogordo đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ vụ kích nổ quả bom The Gadget như nhiều cửa kính của các nhà dân bị vỡ vụn, đồng thời nồng độ phóng xạ ở đây cao hơn gấp nhiều lần so với mức bức xạ nền của Trái Đất, dù vẫn ở ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, chỉ 34 năm sau, vào đúng ngày 16/7, thảm họa liên quan tới ngành công nghiệp hạt nhân lại một lần nữa xảy ra ở New Mexico và thậm chí còn trở thành "cơn ác mộng" về môi trường, các vấn đề về sức khỏe cho những cư dân và hệ sinh thái tại tiểu bang này cho tới tận bây giờ.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 2.

Theo đó, vào buổi sáng ngày 16/7/1979, một đập nước thải tại nhà máy chế biến uranium (một nguyên tố hóa học được đưa vào ứng dụng trong công nghiệp năng lượng hạt nhân) thuộc Tổng công ty hạt nhân của Mỹ, đã bị vỡ và khiến cho 94 triệu gallon (1 gallon tương đương với 3,785 lít) nước thải ô nhiễm và ước tính khoảng 1.100 tấn chất thải phóng xạ đã bị tràn ra sông Puerco.

Trữ lượng khổng lồ chất thải phóng xạ bị rò rỉ từ nhà máy này vốn là kết quả từ quá trình khai thác và chế biến uranium, nhằm chủ yếu phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân ở Mỹ.

Tuy nhiên, thứ chất lỏng màu vàng này đã tràn ra con sông Puerco, dọc theo khu vực sinh sống của các cư dân ở thị trấn Church Rock và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho tới tận ngày nay.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 3.

Con đập tại một nhà máy chế biến uranium ở Mỹ bị vỡ vào sáng sớm ngày 16/7/1979 đã làm rò rỉ 94 triệu gallon nước thải ô nhiễm và 1.100 tấn chất thải phóng xạ.

Lượng nước bị vỡ từ con đập trên có chứa nhiều chất phóng xạ như uranium, radium, polonium, thorium và nhiều kim loại khác bị lắng đọng ở trong lòng sông.

Vào buổi trưa ngày hôm đó, khi mực nước trên sông Puerco bắt đầu rút dần, nhiều người dân đã lội qua để đưa đàn gia súc ở bên kia bờ trở về và sau đó đều bị lở loét ở chân.

Vào thời điểm đó, do thiếu đài phát thanh, thật đau lòng khi những cảnh cáo khẩn cấp không được truyền tải ngay tới cộng đồng tại địa phương, nên phải mất nhiều ngày sau khi đập vỡ thì người dân, các chủ trang trại tại đây mới hay biết về thảm họa này.

Mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn khi những tờ rơi được viết bằng tiếng Anh gửi cho những người dân địa phương ở thời điểm đó chủ yếu nói tiếng Tây Ban Nha và ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngoài ra, những thông báo này cũng không giải thích rõ cho những cư dân trong khu vực xảy ra sự cố vỡ đập về mối nguy hiểm của  các chất phóng xạ bị rò rỉ.

Nguồn nước ở con sông này chứa nhiều axit và lượng bức xạ thậm chí còn được phát hiện ở nơi cách vị trí xảy ra vụ rò rỉ tới 50 dặm, xuôi về phía hạ lưu.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 5.

Chính quyền tại địa phương kêu gọi người Navajos không sử dụng nguồn nước sông ô nhiễm chất phóng xạ. Ảnh: Wikipedia

Chính quyền tiểu bang New Mexico đã lên tiếng kêu gọi người Navajos sinh sống gần khu vực xảy ra sự cố rò rỉ chất phóng xạ, không nên uống hay sử dụng nguồn nước ô nhiễm, cũng như các đàn gia súc mà họ chăn nuôi. 

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhiều người dân sinh sống dọc theo con sông Puerco đã không có nhiều lựa chọn để thay thế.

Trước thực trạng này, hội đồng bộ lạc người Navajo đã từng yêu cầu thị trấn Church Rock tuyên bố về khu vực thảm họa cũng như những mối lo ngại về sự cố rò rỉ chất phóng xạ, nhưng lại bị từ chối.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 7.

Trong khoảng từ năm 2008-2012, Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã chi 22 triệu USD để thử nghiệm và thay thế các ngôi nhà bị ô nhiễm trong khu vực này, nhiều hơn so với số tiền 1,5 triệu USD bỏ ra để khắc phục "tàn dư" của vụ thảm họa xảy ra vào năm 1979.

Theo báo cáo vào năm 2014, nhiều người Navajo vẫn đang phải tiếp tục sống dưới những tác động của môi trường, ảnh hưởng sức khỏe từ những hoạt động khai thác của hơn chục mỏ khai thác uranium bị bỏ hoang nằm gần nơi cư trú cùng nguồn nước ngầm không đảm bảo an toàn khi có thể chứa nhiều chất phóng xạ.

Mặt tối đáng sợ của cường quốc hạt nhân Mỹ: Sống chung với 1000 tấn chất độc chết người  - Ảnh 8.

Gần 40 năm đã trôi qua, những những hậu quả từ thảm họa rò rỉ chất phóng xạ ở nơi đây vẫn còn rất nặng nề.

EPA cùng những cơ quan liên bang khác lên tiếng cảnh báo về việc phơi nhiễm uranium và các chất phóng xạ có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm có thể gây ung thư phổi, ung thư xương, suy giảm chức năng thận.

Mặc dù rất nỗ lực trong công tác khắc phục hậu quả, nhưng tình trạng nhiễm chất phóng xạ vẫn có thể nhìn thấy rõ ở khu vực cộng đồng dân cư sinh sống dọc theo sông Puerco nằm gần Church Rock, thuộc phía tây bắc của bang New Mexico. 

Sự tàn phá của căn bệnh ung thư cùng những "cơn sóng ngầm" từ những tác động của việc nhiễm xạ vẫn âm ỉ xảy ra ở nơi đây. Bài toán giải quyết ô nhiễm phóng xạ ở vùng đất này có lẽ còn tồn tại trong thời gian rất lâu, vì một số chất phóng xạ có chu kỳ bán phân rã lên tới khoảng 80 năm.

Đây không phải là một thảm họa hạt nhân duy nhất trên thế giới khi "cơn ác mộng" này từng xảy ra ở Hiroshima, Nagasaki, Chernobyl, Fukushima,... và gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng khi làm nhiễm độc hàng nghìn tỉ lít nước ngầm của thế giới, ảnh hưởng, làm thương tổn tới sức khỏe của con người và nhiều hệ sinh thái.

Nỗi đau cùng những "mất mát" mà vùng đất này phải gánh chịu trong mấy thập kỷ qua là vô cùng đáng sợ. 

Giống như những nơi trên, thảm họa rò rỉ chất phóng xạ ở Church Rock đã bắt đầu xảy ra cách đây gần 40 năm, nhưng cho tới hiện tại có thể vẫn chưa tới hồi kết thúc. Đây được coi là vụ rò rỉ chất phóng xạ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Các bạn có thể đọc thêm những bài về các khu vực nguy hiểm nhất trên hành tinh tại đây.

Tham khảo ảnh/nguồn: Nirs, Environmentandsociety, Nmindepth

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại