Cách trung tâm Lisbon chỉ vài cây số, vài chục phút di chuyển bằng tàu điện, 6 de Maio khiến con người ta khó lòng tin nổi một khu dân cư nằm giữa thủ đô Bồ Đào Nha lại có thể tồi tàn đến tạm bợ, ngổn ngang gạch vữa và chất chồng những tâm hồn bế tắc đến vậy.
Từ nhiều thập kỉ trở lại đây, 6 de Maio vẫn luôn được đồn thổi là một khoảng tối mà chính phủ Bồ Đào Nha cố gắng che giấu, được gán cho những cái tên như "khu phố nguy hiểm nhất", "khó kiểm soát nhất", "nghèo đói nhất", "khiến ngay cả các nhà hành pháp phải ái ngại",...
Và quả thực, nếu có dịp đặt chân đến 6 de Maio ở thời điểm hiện tại, bạn sẽ hiểu rằng những lời nhận xét này là không hề mang tính cường điệu.
Tuy nhiên, khởi nguồn của 6 de Maio lại không hoàn toàn đen tối đến vậy.
Vào cuối những năm 70, đầu 80 ở thế kỉ trước, người dân Cape Verde - một quốc gia châu Phi - bắt đầu tới định cư tại đây sau khi đất nước họ giành quyền độc lập từ tay Bồ Đào Nha.
Mọi thứ dường như chỉ dừng lại ở đó, cho đến năm 2016, chính quyền đã quyết định "khai tử" 6 de Maio qua hàng loạt những pha cưỡng chế, phá dỡ nhà để nhường chỗ cho sự phát triển đô thị mới, dự kiến sẽ biến khu dân cư này thành kí ức chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.
Và thế là các máy xúc, xe công trình xuất hiện ồ ạt gần như mọi lúc mọi nơi, để lại 6 de Maio không gì khác ngoài những đống hoang phế như vừa bị chiến tranh tàn phá khốc liệt.
Và thế là người đi, người ở lại. Những ai đủ lì lợm đến mức chịu bám trụ lại 6 de Maio tới tận bây giờ, sau tất cả những biến cố, đa phần đều tồn tại nhờ việc buôn bán ma túy, vũ khí và mại dâm.
Người dân 6 de Maio sinh ra và lớn lên trong sự nghèo khó túng thiếu, nên cũng không quá khó hiểu khi họ dấn thân vào con đường phạm pháp từ sớm, để rồi tiếp tục sống một cuộc sống ngoài vòng pháp luật bên trong những khu nhà đổ nát hoang phế.
Tuy ý thức được điều này, các nhà chức trách Bồ Đào Nha cũng không còn cách nào khác ngoài việc tỏ ra thờ ơ, tập trung cô lập 6 de Maio với thế giới bên ngoài thay vì thực sự bắt tay vào khắc phục vấn đề tội phạm đang hiển hiện bên trong từng ngóc ngách của khu phố.
Và cũng chính vì sự thờ ơ này của chính phủ, mà vô hình chung đã biến nơi đây thành một hang ổ tội phạm đích thực.
6 de Maio đã biến thành những khu nhà đổ nát sau dự án "san bằng" của chính phủ Bồ Đào Nha.
Người dân nơi đây phải học cách thích nghi với cuộc sống phần nhiều là hoang phế.
Ma túy, mại dâm, buôn bán vũ khí là những điều diễn ra hàng ngày 6 de Maio.
Khi biết đến dự án phá huỷ này của chính phủ, nhiếp ảnh gia José Ferreira đã dành hẳn 1 năm ròng rã đến sinh sống tại 6 de Maio, trong một nỗ lực nhằm lưu lại những khoảnh khắc cuối cùng, chân thực nhất của cộng đồng người dân nơi đây, trước khi khu phố bị phá hủy hoàn toàn.
"Điều đầu tiên tôi muốn làm khi tới 6 de Maio là cố gắng lấy được lòng tin của họ." - Nhiếp ảnh gia José chia sẻ. "Và điều này quả thực không dễ dàng. Họ đã quá quen với việc bị cô lập, và sẽ tỏ ra dè chừng với bất cứ người lạ mặt nào.
Nhưng theo thời gian, khi bạn đã xây dựng được một mối quan hệ gắn bó với họ, người dân của 6 de Maio sẽ tỏ ra hòa nhã và thân thiện đến bất ngờ."
Thật vậy, sau một thời gian, José Ferreira cũng đã có được sự chào đón mà nhiếp ảnh gia mong đợi bấy lâu, khiến những tấm hình anh ghi lại được là sự phác họa hoàn hảo nhất về một "khu phố giang hồ" tọa lạc giữa lòng thủ đô Lisbon.
Xem thêm về những bức ảnh chụp 6 de Maio, nằm trong album Out of Law (Tạm dịch: Ngoài vòng pháp luật) của nhiếp ảnh gia José Ferreira dưới đây:
Carlon, 35 tuổi, sinh ra ở Cape Verde và theo bố mẹ chuyển tới 6 de Maio từ khi anh mới 2 tuổi. Carlon đã hành nghề cắt tóc được 18 năm nay.
Nhóm những người đàn ông tập thể dục trong một khu nhà đã bị phá hủy bởi chính quyền.
Hai thanh niên đánh nhau ngoài một căn nhà đổ nát. Họ đều là những người làm nhiệm vụ cảnh báo các thành viên trong băng đảng khi có sự xuất hiện của cảnh sát hay các băng đảng đối đầu.
Trận đánh nổ ra khi 1 trong 2 người đã không hoàn thành công việc được giao.
Một thanh niên với chiếc rựa trên tay - thứ vũ khí được truyền lại từ đời bố mình.
Tại 6 de Maio, nhiều thanh thiếu niên được sở hữu súng mà không hề có sự kiểm soát của chính phủ.
Vết sẹo không thể xóa nhòa trên bụng một người đàn ông từng sống sót sau khi bị bắn.
Ở tuổi 15, người đàn ông này được gửi tới trại giáo dưỡng. 18 tuổi, người này tiếp tục bị tống vào tù vì tội ăn cắp xe hơi. Và ở tuổi 25, là thêm một lần vướng vào vòng lao lý vì tấn công nhân viên cửa hàng trang sức.
Người đàn ông chuẩn bị tắm cho đứa con 6 tháng tuổi.
Wilson, 24 tuổi, mơ được làm một vận động viên đấm bốc chuyên nghiệp. Anh đang luyện tập ở nhà riêng, nay không còn gì hơn ngoài một đống đổ nát.
Người đàn ông khuyết tật lặng nhìn máy xúc phá dỡ ngôi nhà từng thuộc về mình.