Mắt thần của HIMARS bị chọc mù

Tiến Thành |

Được Mỹ thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ phản pháo nhưng những tổ hợp radar AN/TPQ-36 và AN/TPQ-48 vừa bị lực lượng Nga phá hủy.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/1 cho biết, Quân đội Nga ở hướng Kherson đã phá hủy hai hệ thống radar phản pháo AN/TPQ-36 và AN/TPQ-48 của Ukraine chỉ trong một đợt tấn công. Những khí tài này đều do Mỹ sản xuất và cung cấp cho Quân đội Ukraine.

"Ở hướng Kherson, gần thành phố Kherson và khu định cư Novoaleksandrovk, có ít nhất hai hệ thống radar phản pháo AN/TPQ-36 và AN/TPQ-48 Mỹ cung cấp cho Ukraine đã bị lực lượng Nga phá hủy", thông báo cho biết.

Cả hai hệ thống radar bị Nga phá hủy đều nằm trong gói viện trợ quân sự Mỹ dành cho Ukraine hồi tháng 6/2022. Theo thiết kế, AN/TPQ-36 có khả năng xác định vị trí bắn của các hệ thống pháo tự hành, lựu pháo và pháo phản lực phóng loạt của quân đội Nga.

Cùng với đó, AN/TPQ-48 có khả năng trinh sát 360 độ và phát hiện vị trí súng cối đồng thời đánh chặn mục tiêu đang bay. Dù tầm phát hiện mục tiêu của cả hai tổ hợp radar này không đủ để trực tiếp giúp HIMARS phản đòn vào lực lượng Nga nhưng chúng là quân bài đáng sợ khi phối hợp với hệ thống radar hiện có của Ukraine.

Chính vì vậy, giới quân sự Nga cho rằng, việc AN/TPQ-36 và AN/TPQ-48 bị phá hủy ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tác chiến của pháo binh Ukraine, đặc biệt là các tổ hợp pháo phản lực HIMARS do Mỹ chuyển giao.

Nhận định về các cuộc tấn công tìm diệt radar Ukraine của Nga, tờ National Interest của Mỹ cho rằng, lực lượng Nga áp dụng chiến thuật phóng tên lửa Iskander, Kalibr và pháo phản lực để câu nhử các radar đó, làm chúng lộ tín hiệu và vị trí. Ngay sau đó, Nga bắn tên lửa chống bức xạ để phá hủy những mục tiêu này.

Trong nhiều cuộc tấn công, Không quân Nga phóng các tên lửa chống bức xạ tầm xa Kh-31PD từ các máy bay tiêm kích đa nhiệm Su-35S. Báo Mỹ cho rằng, chiến thuật này "khả tín và logic".

Nhưng đồng thời tờ báo này cũng nhắc nhở về khả năng Nga phóng đại vấn đề để gây hiệu ứng tâm lý với đối phương, bao gồm cả Ukraine lẫn những nước viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Theo lý giải, Iskander là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm ngắn cơ động trên đường bộ, được Nga sử dụng phổ biến để tấn công chiến thuật. Trong khi đó, Kalibr, là tên lửa hành trình phóng từ tàu mặt nước hoặc tàu ngầm, có thể dùng để tấn công mục tiêu trên bộ hoặc trên biển.

Cũng có khả năng Nga sử dụng tên lửa Kh-55 SM mang đầu đạn không có thuốc nổ để làm mồi nhử. Radar phòng không Ukraine được kích hoạt để nghênh chiến với các tên lửa đó sẽ tự bộc lộ vị trí trước các tiêm kích Su-35S trang bị tên lửa Kh-31.

Tên lửa Kh-31A là biến thể của tên lửa hành trình săn hạm sử dụng dẫn đường quán tính để tìm mục tiêu. Còn tên lửa Kh-31P là phiên bản tên lửa chống bức xạ được phát triển riêng để loại bỏ các radar đối phương đang trong chế độ kích hoạt, bao gồm radar kiểm soát đường bay, radar cảnh báo sớm, và cả các hệ thống SAM tầm trung và tầm xa.

Mặc dù vậy, hiện chưa rõ Nga dùng vũ khí nào để phá hủy hai hệ thống radar AN/TPQ-36 và AN/TPQ-48 bởi Kh-31PD là vũ khí đắt đỏ trong khi mục tiêu của chúng có giá trị thấp hơn đáng kể.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại