Mất hơn 200 triệu đồng vì chiêu lừa đảo tuyển dụng tinh vi

Đông Hà |

Không chỉ ở Việt Nam mà nạn lừa đảo tuyển dụng vẫn diễn ra tràn lan trên khắp thế giới.

Trong vài tháng qua ở Ấn Độ, có không ít báo cáo về tình trạng lừa đảo ẩn dưới vỏ bọc tuyển dụng việc làm. Công việc bán thời gian dễ dàng, linh động giờ giấc, tiền lương hậu hĩnh là nhóm từ khóa vàng mà kẻ lừa đảo sử dụng làm mồi nhử người nhẹ dạ.

Trong những trường hợp như vậy, nạn nhân thường nhận được lời mời làm việc giả thông qua các phần mềm chat như WhatsApp, yêu cầu họ hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ để kiếm tiền. Ban đầu họ vẫn được một số tiền nhỏ đúng như lời hứa, nhưng về sau họ buộc phải nạp tiền để lấy được tiền lãi, và đây chính là lúc họ "cắn câu”. Một người đàn ông đến từ Andheri của Mumbai đã bị lừa và mất trắng hơn 800.000 Rupees. Sau khi người đàn ông trình báo vụ việc với cảnh sát, cảnh sát bắt đầu vào cuộc.

Mất hơn 200 triệu đồng vì chiêu lừa đảo tuyển dụng tinh vi - Ảnh 1.

Theo báo cáo, một người phụ nữ lạ mặt đã tiếp cận anh vào đầu tháng 5/2023 và mời làm việc cho một công ty quảng cáo. Đầu việc cực kỳ dễ dàng, đó là nhấn thích các video trên YouTube để đổi lấy một số tiền hứa hẹn mỗi ngày.

Nhằm thuyết phục nạn nhân, sau khi anh thực hiện một số thao tác, người phụ nữ kia thực sự chuyển cho anh một khoản tiền nhỏ vào ngân hàng. Chiếm được lòng tin rồi, người phụ nữ mời anh vào các nhóm Telegram khác, và bảo rằng sau này tiền sẽ được chuyển vào tài khoản ảo trên Telegram.

Xong xuôi, người đàn ông chắc mẩm mình đã kiếm được một món hời lớn, cứ thế tiếp tục công việc mà không mảy may nghi ngờ. Tài khoản của anh được thêm vào các nhóm có tên “nhiệm vụ VIP”, lúc này anh được yêu cầu phải trả một số tiền nhất định để nhận tiền lãi lớn hơn, và khi nạp tiền rồi mới được nhận nhiệm vụ mới. Vì đã lỡ làm rất nhiều công việc và không muốn bỏ dở giữa chừng, anh chấp nhận trả một khoản tiền. Nhưng mọi chuyện chưa dừng lại ở đó, kẻ lừa đảo tiếp tục dùng lời lẽ ngon ngọt để thuyết phục anh nạp thêm. Chỉ đến khi mất tổng cộng là 859.000 Rupees (243 triệu VNĐ) thì anh mới vỡ lẽ mình bị lừa.

Mất hơn 200 triệu đồng vì chiêu lừa đảo tuyển dụng tinh vi - Ảnh 2.

Cần cực kỳ cẩn thận với công việc nhẹ nhàng lương cao

Đáng chú ý, đây không phải là vụ việc duy nhất được báo cáo trong thời gian gần đây. Tuy vậy, các trường hợp như người đàn ông trên trên đa phần là một người lạ tiếp cận với nạn nhân thông qua các nền tảng mạng xã hội thông thường. Nhưng ngay cả khi sử dụng những nền tảng tìm việc uy tín như LinkedIn, ứng viên xin việc vẫn có nguy cơ gặp kẻ lừa đảo.

Theo tờ Los Angeles Times, vào đầu năm 2023, một người phụ nữ 42 tuổi khi tìm việc làm từ xa đã bị “dính” 67 tin tuyển dụng giả mạo - hầu hết là trên LinkedIn. Khi cô gọi điện trực tiếp cho công ty để xác nhận thông tin, phía đại diện cho biết trang LinkedIn của họ đã bị hack. Kẻ xấu đã lợi dụng nhu cầu làm việc từ xa tăng cao để thực hiện các chiêu thức lừa đảo tinh vi, và không cách nào dễ qua mặt ứng viên bằng cách nấp dưới vỏ bọc của các công ty khác.

Cảnh giác và hãy hoài nghi liên tục

Trước tình hình lừa đảo tuyển dụng qua mạng ngày một tăng, làm sao để trang bị kỹ năng cần thiết và giảm thiếu tối đa xác suất trở thành con mồi của nạn lừa đảo? Tờ FlexJobs đưa ra cho bạn một số lời khuyên như sau:

- Tin tưởng trực giác của bạn: Ngay lập tức cảnh giác nếu cảm thấy có gì không ổn hoặc không thoải mái (ví dụ: nhà tuyển dụng quá áp đặt hoặc đòi hỏi quá cao, hoặc không giải thích rõ ràng công việc).

- Nhận diện dấu hiệu lừa đảo: Kẻ lạ ở đầu dây bên kia có thể có những yêu cầu vô lý, như đòi bạn cung cấp thông tin tài chính cá nhân, số nhà ngay từ đầu quá trình phỏng vấn. Hoặc họ sẵn sàng trả thật nhiều tiền cho một đầu việc đơn giản. Bạn cũng nên chú ý đến tin tuyển dụng, kiểm tra xem có lỗi chính tả và nhiều sai phạm ngữ pháp không, địa chỉ email là cá nhân hay địa chỉ thực của công ty? Đừng quên một hình thức lừa đảo phổ biến là yêu cầu ứng viên trả phí để tiếp tục thủ tục làm hồ sơ.

- Nghiên cứu công ty và vị trí tuyển dụng cẩn thận: Rất nhiều tin báo tuyển dụng đều khá mơ hồ, hoặc nếu có để tên công ty thì bạn cũng không thể tìm được trên Google. Lúc này hãy thử tìm kiếm và kết nối với nhân sự làm việc ở công ty đó để chắc chắn công ty bạn ứng tuyển không phải “tổ chức ma”.

Mất hơn 200 triệu đồng vì chiêu lừa đảo tuyển dụng tinh vi - Ảnh 3.

Nguồn: Firstpost, Flex Jobs, Los Angeles Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại